VĐV Rowing Đinh Thị Hảo: “Gái Tuyên” xuống phố

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, nhưng Hà Nội mới là nơi giúp Đinh Thị Hảo đến với rowing, phát huy tài năng để trở thành vận động viên trọng điểm của đội tuyển quốc gia và giành vé tham dự Olympic 2020.

Một buổi tập luyện của đội tuyển rowing Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31.
Một buổi tập luyện của đội tuyển rowing Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31.

Đội tuyển rowing Việt Nam đã giành vé tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 khi vượt qua vòng loại Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 30/4 - 7/5.

Tại giải đấu này, đội tuyển rowing Việt Nam thi đấu 3 nội dung, trong đó, Phạm Thị Huệ tham gia nội dung cá nhân nữ đôi mái chèo; Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo tham gia nội dung đôi nữ hạng nhẹ; Nguyễn Văn Hiếu tham gia nội dung cá nhân nam đôi mái chèo.

Ở nội dung đôi nữ hạng nhẹ, trong lần đầu tiên tham dự vòng loại Olympic, đôi VĐV Việt Nam đã dẫn đầu từ lúc xuất phát và khi cách vạch đích 5m mới bị đôi VĐV Nhật Bản vượt qua để cán đích thứ hai với thời gian 7 phút 17 giây 34. Do nội dung này chọn 3 quốc gia có thành tích xuất sắc nhất tham dự Olympic nên Việt Nam cùng với Nhật Bản và Iran sẽ có suất tới Thế vận hội vào mùa hè năm nay.

Ngoài đôi Thảo và Hảo, một VĐV khác của Việt Nam cũng đạt chuẩn Olympic là Phạm Thị Huệ, cô về thứ 4 ở chung kết, trong khi BTC quy định 5 VĐV giành thứ hạng cao nhất sẽ tới Olympic. Tuy nhiên ở vòng loại này còn có một quy định khác là mỗi một quốc gia chỉ có tối đa 1 thuyền dự Olympic và thuyền nào đạt vị trí cao hơn sẽ được trao vé, nên vinh dự này đã thuộc về đôi VĐV Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo.

Lường Thị Thảo (bên phải ảnh) cùng các đồng đội giành HCV ASIAD 18.

Lường Thị Thảo (bên phải ảnh) cùng các đồng đội giành HCV ASIAD 18.

Gái miền núi học đua thuyền

Sinh ra ở huyện miền núi Yên Sơn (Tuyên Quang), trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ của Đinh Thị Hảo khá êm đềm, không có “sóng gió”. Ngoài giờ lên lớp, cô gái sinh năm 1997 dành phần lớn thời gian phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, thu hái chè, sao chè.

Cứ ngỡ cô nữ sinh của địa phương “chè Thái, gái Tuyên” đi hết 3 năm THPT ở Yên Sơn thì bước ngoặt cuộc đời cô đến ngay từ năm lớp 10. Cô gái trẻ miền sơn cước đã tiến một bước dài, từ miền núi xuống Thủ đô Hà Nội.

“Năm tôi đang học lớp 10 Trường THPT Sông Lô, các thầy ở bộ môn đua thuyền của Hà Nội về trường tuyển vận động viên. Thấy tôi chiều cao tốt, sải tay khá dài nên các thầy muốn đưa tôi xuống Hà Nội vừa tập thể thao vừa học văn hóa. Ở tuổi mới lớn, nghe thấy vậy thì tôi háo hức lắm, muốn thử sức xem thế nào. Nhưng ngay khi vừa trình bày nguyện vọng với bố mẹ thì tôi đã nhận gáo nước lạnh. Bố mẹ nói ở nhà chuyên tâm lo học hành và phụ giúp gia đình”, Hảo chia sẻ.

Với mong muốn thử sức mình, Đinh Thị Hảo tiếp tục thuyết phục bố mẹ và cuối cùng sau nhiều ngày cô đã nhận được sự đồng ý của gia đình. Việc đầu tiên khi gia nhập đua thuyền là Hảo phải tập bơi trước khi được ngồi thuyền.

“Ở nhà tôi chưa biết bơi, thậm chí còn sợ nước. Chẳng ai ngờ sau này tôi lại gắn bó với môn thể thao dưới nước. Biết bơi rồi tôi chuyển sang tập chèo thuyền. Nhìn thì đơn giản vậy thôi chứ những ngày đầu tôi bị lật thuyền suốt vì không giữ được thăng bằng”, cô gái quê Tuyên Quang cho biết.

Đội tuyển rowing Việt Nam làm quen với địa điểm thi đấu ở Nhật Bản.

Đội tuyển rowing Việt Nam làm quen với địa điểm thi đấu ở Nhật Bản. 

Nhìn lại những ngày đầu Hảo đầu quân cho Hà Nội, Trưởng Bộ môn Đua thuyền Hà Nội Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Hảo luôn có ý thức kỷ luật, chấp hành và thực hiện nghiêm túc các bài tập khó của huấn luyện viên đề ra. Tinh thần thi đấu và sự cố gắng vươn lên của em ấy rất tốt”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, HLV trưởng đội tuyển rowing quốc gia đánh giá cao Đinh Thị Hảo ở tinh thần khổ luyện và tiến bộ vững vàng theo thời gian.

Sau 2 năm “xuống phố”, với xuất phát là gương mặt triển vọng, không biết bơi, Đinh Thị Hảo đã giành HCĐ nội dung đua thuyền truyền thống Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 7 - 2014. Năm 2016, cô gái xứ Tuyên giành HCV giải vô địch châu Á, rồi lần lượt HCV, HCB giải vô địch Đông Nam Á, Cúp châu Á, đặc biệt với đội tuyển quốc gia, Hảo giành HCB ASIAD 2018 trước khi chính thức ghi tên đến Nhật Bản trong ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

“Với phụ nữ, để theo được đua thuyền thực sự phải hy sinh rất nhiều, nhất là nhan sắc. Đặc thù môn này buộc tôi và đồng đội phải tập ngoài trời, mưa nắng cũng không ngoại lệ. Vận động viên phải gập, ngả lưng liên tục trong suốt chặng đường dài, ngày này qua ngày khác. Đầu gối cũng phải căng ra mới có lực để chèo mạnh. Sau mỗi buổi tập, tôi cảm thấy ê ẩm hết sống lưng. Tôi nghĩ không thành công nào khởi nguồn từ sự lười biếng. Tôi rất thích câu thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” – Đinh Thị Hảo tâm sự.

“Thông thường các vận động viên phong độ sẽ có lúc lên, lúc xuống nhưng Hảo lại cực ổn định. Còn về ý thức thì em rất chuyên nghiệp, gần như chưa bao giờ bỏ dở giáo án. Trừ trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn, bằng không tấm HCV SEA Games 31 nội dung thuyền đôi khó tuột khỏi tay Hảo. Tuy nhiên, tôi dự đoán tới năm 2022 mới là đỉnh cao trong sự nghiệp của Hảo, vừa hay là năm diễn ra ASIAD nên tôi rất kỳ vọng em sẽ có… vàng” – ông Quang cho biết thêm.

Đinh Thị Hảo (ngoài cùng bên trái) và đồng đội ở đội tuyển rowing quốc gia.

Đinh Thị Hảo (ngoài cùng bên trái) và đồng đội ở đội tuyển rowing quốc gia.
 

Cặp đôi vàng 9X

Trong những năm gần đây, rowing Việt Nam được biết đến với những thành tích đáng tự hào tại các đấu trường châu lục, khu vực. Chỉ tính riêng trong năm 2018, rowing Việt Nam đã giành 8 HCV Cúp châu Á I - Singapore (tháng 4/2018); 4 HCV Cúp châu Á II - Hàn Quốc (tháng 6/2018); 1 HCV, 1 HCB Cúp Australia mở rộng dành cho lứa U21 - giải đấu quy tụ nhiều tay chèo hàng đầu thế giới (tháng 3/2018) và đặc biệt là 1 HCV, 1 HCB ASIAD 18 - đấu trường thể thao lớn nhất châu lục diễn ra tại Indonesia (tháng 8 - 9/2018). Trước đó, tại kỳ ASIAD 17 - 2014, rowing Việt Nam cũng ghi dấu ấn bằng 1 HCB, 1 HCĐ.

Trước kỳ đại hội tại Nhật Bản vào tháng 7 tới, rowing Việt Nam đã 3 lần tham dự Olympic (năm 2004, 2012, 2016). Vậy nên, chuyện rowing Việt Nam được kỳ vọng ở mỗi cuộc chơi lớn như lẽ thường tình. Thế nhưng, đến SEA Games 30 - 2019, đội tuyển rowing Việt Nam không giành nổi dù chỉ 1 tấm HCV.

Một số nguyên nhân được chỉ nhà như một số nội dung Olympic và thế mạnh của rowing Việt Nam không được đưa vào thi đấu, việc thay đổi địa điểm thi đấu từ hồ sang vịnh cũng tạo ra bất lợi cho các tay chèo Việt Nam, trước đó thường quen tập luyện trong hồ…

Nhưng chúng ta không phủ nhận thực tế, Rowing Việt Nam còn nhiều khó khăn hơn thế, đặc biệt những yếu tố mang tính chủ quan. Theo HLV Lê Văn Quang, nhiều năm qua, rowing Việt Nam luôn eo hẹp về nguồn tuyển chọn. Mỗi năm đội tuyển chỉ tuyển được một vài tài năng trẻ.

Không những vậy, hệ thống thi đấu quốc gia chỉ có 1 - 2 giải trẻ/năm, nên vận động viên ít có cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ. Ngoài ra, do đặc thù của bộ môn là tập luyện ngoài trời, dưới nước, nên khi xảy ra dịch Covid-19, toàn đội tuyển phải nghỉ tập hàng tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực và tâm lý.

Bên cạnh đó, những hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí cho đến chuyên gia của bộ môn này được nhận diện nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù vậy, thành công của bộ đôi Đinh Thị Hảo và Lường Thị Thảo tại vòng loại Olympic 2020 đã mang đến những hiệu ứng tích cực cho đội tuyển rowing Việt Nam, hiện đang gánh trọng trách 6 HCV tại SEA Games 31, đặc biệt duy trì thành tích HCV tại Đại hội thể thao châu Á 2022 (ASIAD).

Bên cạnh một Đinh Thị Hảo, tài năng đang vào độ chín là đối tác cực “khủng” Lường Thị Thảo, VĐV quê Sơn La. Thảo ban đầu được lựa chọn vào đội điền kinh của Sơn La, được cử xuống Hà Nội tập huấn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cô khó phát triển nếu tiếp tục theo đuổi điền kinh. Bước ngoặt đến với Thảo khi cô lọt vào “mắt xanh” của ông Lê Văn Núp, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT Quảng Bình trong một lần ra Hà Nội công tác. Ông Núp về tận nhà Thảo ở Sơn La để thuyết phục bố mẹ cô cho con gái vào Quảng Bình tập luyện đua thuyền.

Từ đó, tài năng của Thảo được bộc lộ. Cô gái sinh năm 1999 chứng minh, đây mới là môn thể thao gắn liền với cuộc sống của cô. Thảo liên tiếp giành những tấm HCV ở các giải trẻ quốc gia. Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia và năm 2018, tại nội dung thuyền mái nhẹ 4 người nữ, cô cùng Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo đã xuất sắc giành HCV cho Thể thao Việt Nam ở ASIAD 2018. Năm đó Lường Thị Thảo mới 19 tuổi.

Và ở giải đấu trên đất Nhật Bản, bộ đôi cô gái miền sơn cước, cùng lứa 9X, Đinh Thị Hảo và Lường Thị Thảo đã đặt dấu mốc mới trong sự nghiệp khi giành vé tham dự Olympic 2020, mở ra hy vọng rất lớn cho đội tuyển rowing Việt Nam trong những cuộc đua khốc liệt phía trước.

23 tuổi đời, gần 10 năm tuổi nghề, trải qua nhiều cực nhọc, Hảo vui vẻ cho biết không có đua thuyền sẽ không có cô của ngày hôm nay. Cũng nhờ đua thuyền, Hảo giúp đỡ được bố mẹ sửa sang lại căn nhà ở quê khang trang hơn. Giờ đây, sau khi đã xây dựng gia đình, nữ VĐV quê Tuyên Quang và chồng tập trung tích lũy cho tương lai. Vợ chồng cô chưa nghĩ tới việc sinh con mà chỉ chuyên tâm vào tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 và AISAD 2022. Hảo muốn trong lương lai có thể giúp đua thuyền Việt Nam tạo ra nhiều vận động viên tài năng. Cô hiện đang theo học chuyên ngành huấn luyện thể thao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ