Thể thao Việt Nam trắng tay 2 kỳ Olympic liên tiếp: Bài 2: Vì sao Olympic quá tầm?

GD&TĐ - Mức độ cạnh tranh huy chương Olympic luôn khốc liệt, đòi hỏi quá trình đầu tư dài hơi, bài bản và khoa học.

Thể thao Việt Nam dường như chú trọng quá mức cho sân chơi SEA Games. Ảnh minh họa: ITN.
Thể thao Việt Nam dường như chú trọng quá mức cho sân chơi SEA Games. Ảnh minh họa: ITN.

Nhưng với thể thao Đông Nam Á, thì lựa chọn đúng “thị trường ngách” trở thành yếu tố quan trọng làm nên thành công. Nhờ đó, Thái Lan, Indonesia, hay Philippines duy trì thành tích ổn định trong những kỳ Thế vận hội gần đây.

Mũi nhọn cùn theo năm tháng

8 năm trước, kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh tại Rio (Brazil) có lẽ tạo ra lầm tưởng rằng thể thao Việt Nam đã sẵn sàng cho sân chơi lớn nhất thế giới.

Ánh hào quang quá lớn từ 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc bắn súng khiến người ta nhanh chóng quên đi yếu tố “xuất thần” của cá nhân Hoàng Xuân Vinh, cũng như những tồn tại khác của cả nền thể thao.

Hệ quả tất yếu, thể thao Việt Nam rơi tự do, trắng tay 2 kỳ Olympic liên tiếp sau đó và xen giữa là ASIAD 19 chật vật tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Sau SEA Games 31 năm 2022, ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam đã nêu quan điểm, dù Việt Nam dẫn đầu khu vực với hơn 200 Huy chương Vàng nhưng khi đến Olympic chỉ còn biết “hy vọng”. Thực tế, thể thao Việt Nam đã thua toàn diện, trong khi các đối thủ ở chính “vùng trũng” Đông Nam Á đều tiến bộ.

Việc Trịnh Văn Vinh thất bại ở cả 3 lần cử giật, trong đó lần cuối đô cử này nâng tạ lên trên đầu, song không đủ sức đẩy lên cao, và ngã ngửa ra sau, thanh tạ rơi xuống sàn cho thấy khoảng cách quá lớn về chuyên môn giữa gương mặt hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam so với những đối thủ tầm thế giới, đồng thời chỉ rõ về hạn chế trong đào tạo, phát triển môn mũi nhọn.

Cử tạ vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Ở Olympic Bắc Kinh 2008, Hoàng Anh Tuấn giành Huy chương Bạc hạng cân 56kg nam với mức tổng cử 290kg, chỉ kém 2kg so với Long Qingquan (Trung Quốc) – vận động viên đoạt Huy chương Vàng. 4 năm sau, Trần Lê Quốc Toàn kế thừa thành công hạng cân này khi đoạt Huy chương Đồng Olympic London.

Nhưng sau đó, thành tích của cử tạ cứ giảm dần theo xu hướng báo động ngày càng cao. Tại Rio 2016, Trần Lê Quốc Toàn chỉ đứng hạng 5, còn gương mặt triển vọng mới Thạch Kim Tuấn thất bại ở cả ba lần cử đẩy. Đến Olympic Tokyo 2020, Vương Thị Huyền cũng chỉ vươn đến hạng 5 và mới đây là thất bại của Trịnh Văn Vinh.

Bắn súng, sau chiến tích của Hoàng Xuân Vinh được kỳ vọng đủ sức tấn công mạnh mẽ vào đấu trường châu lục và thế giới. Chúng ta đã có nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy, hay mới đây ở Paris, xạ thủ trẻ Trịnh Thu Vinh đứng hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.

Tuy nhiên, chừng đó là quá ít với một môn mũi nhọn trong cuộc đua ra biển lớn. Đặc biệt, bắn súng Việt Nam đến nay vẫn chưa thể trở thành “thủ lĩnh” ở chính khu vực Đông Nam Á. Tại đại hội châu Á ở Hàng Châu, xạ thủ Muhammad Dwi Putra đoạt đến 2 Huy chương Vàng, giúp đội tuyển bắn súng Indonesia vượt qua Việt Nam.

Cử tạ, bắn súng sa sút trầm trọng. Thông số chuyên môn chưa thể tiệm cận thành tích huy chương Olympic Paris 2024. Thể thao Việt Nam còn môn nào có thể đua tranh huy chương Thế vận hội? Với cầu lông, Thùy Linh và Đức Phát dừng chân ngay từ vòng bảng.

Bơi lội, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng - người giành đến 11 Huy chương Vàng SEA Games và Huy chương Bạc ASIAD đã đứng ngoài top 20 cả hai đợt bơi vòng loại nội dung 800m tự do và 1.500m tự do. Còn boxing, hai nữ võ sĩ Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh đều không thể tiến vào vòng tứ kết... Vậy nên, câu trả lời là không!

Như vậy, ở những môn thể thao thế mạnh nhất, Việt Nam cũng đã tụt lại so với các nước trong khu vực. Và nhìn xa hơn, chúng ta lại càng không thể cạnh tranh ở những môn mũi nhọn của các đoàn thể thao láng giềng.

Giải đấu tại Paris khép lại, thể thao Việt Nam thống trị 2 kỳ SEA Games gần đây trắng tay, còn các đoàn thể thao khác cùng khu vực giành tổng cộng 16 huy chương, trong đó có 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng. Thành tích này tốt hơn tại Tokyo 2020 (3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng).

the thao viet nam trang tay 2 ky olympic lien tiep (1).jpg
Nguyễn Thùy Linh bị loại từ vòng bảng cầu lông đơn nữ Olympic 2024. Ảnh minh họa: INT.

Đi tìm nguyên nhân

Chúng ta không thể đòi hỏi nhiều hơn, cũng như đổ trách nhiệm về việc trắng tay ở Olympic Paris cho 16 vận động viên. Ngay cả khi nhiều tuyển thủ không duy trì được thành tích như chính mình từng thiết lập do tâm lý thi đấu, phong độ thất thường thì họ cũng không có lỗi.

Đã đến lúc ngành thể thao cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực trạng, cũng như chiến lược đào tạo và phát triển vận động viên đang có nhiều bất cập để tìm ra phương thuốc hữu hiệu, chứ không thể duy trì mãi tình trạng hỏng đâu vá đấy cũng như trông chờ vào may mắn từ trên trời rơi xuống.

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã gửi văn bản chính thức các câu hỏi tới Bộ VH-TT&DL liên quan tới kết quả thi đấu của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 cũng như định hướng của ngành thể thao trong việc lấy lại vị thế ở đấu trường Olympic thời gian tới.

Tuy nhiên, ngành thể thao vẫn chưa thể có cuộc trao đổi chính thức với công luận sau thành tích thi đấu tại Pháp vừa qua. Bởi thành tích kém cỏi vừa qua chỉ là bề nổi, vấn đề đang đặt ra và cần trả lời liên quan đến việc thay đổi và xác định mục tiêu, phương thức đầu tư trọng điểm cho môn, nội dung thể thao thành tích cao, tránh tình trạng dàn trải hoặc nửa vời như hiện nay.

Theo Báo Công an Nhân dân, trong bản báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước 2024 của Bộ VH-TT&DL, mục chi sự nghiệp thể dục thể thao ở mức 826,7 tỷ. Con số này thấp hơn nhiều so với dự toán năm 2023 (893 tỷ) và quyết toán năm 2022 (1.242 tỷ).

Có nhiều nguyên nhân khiến Bộ VH-TT&DL quyết định không tăng ngân sách quá nhiều. Thứ nhất, khoản chi thực tế có thể bị đội lên nhiều vì “mưa” huy chương, như ở 2 kỳ SEA Games vừa qua riêng Huy chương Vàng là 341 chiếc, đòi hỏi số tiền thưởng rất lớn.

Thứ hai, ngành thể thao cần chuyển mình, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa. Thứ ba, Bộ VH-TT&DL không thể duyệt chi thêm, khi thành tích không có sự cải thiện ở ASIAD và Olympic.

Thật ra, câu chuyện dùng ngân sách đầu tư cho thể thao của Việt Nam đã gây rất nhiều tranh cãi. Ngành thể thao dường như quá chú trọng đến SEA Games, với mục tiêu giành càng nhiều Huy chương Vàng càng tốt. Nhiều môn có thành tích ở khu vực, dẫn đến được đầu tư thêm và tiền thưởng có được cũng dễ hơn.

Nhưng đến ASIAD, nơi các môn thể thao được chuẩn hóa theo hướng Olympic, thể thao Việt Nam nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm. Ở Hàng Châu năm ngoái, thành tích 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng của đoàn Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và cả Singapore.

Đáng chú ý, 2/3 Huy chương Vàng (Cầu mây và Karate) đến từ những môn không thuộc Olympic. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… nhiều năm qua chỉ xem SEA Games là nơi rèn luyện, rà soát lực lượng cho đấu trường châu lục và thế giới.

Điều quan trọng nữa, các quốc gia Đông Nam Á có thành tích tại Olympic đã lựa chọn hướng đi đúng, môn phù hợp với điều kiện phát triển, cũng như thể trạng của vận động viên. Cử tạ chính là môn đem về nhiều huy chương nhất cho Đông Nam Á trong lịch sử Thế vận hội, với 38 chiếc, trong đó có 7 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 17 Huy chương Đồng.

Môn thi này chia theo hạng cân, và phù hợp với thể hình người Đông Nam Á với hạng nhỏ. Việt Nam đã thành công ở hạng 56kg, với Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Ngoài cử tạ, các quốc gia Đông Nam Á đầu tư vào những hạng cân thấp của các môn quyền Anh, taekwondo. Đơn cử, võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit của Thái Lan giành 2 Huy chương Vàng (Olympic 2020 và 2024) hạng dưới 49kg nữ.

Nhìn vào bảng thành tích Olympic, các quốc gia Đông Nam Á cũng tập trung vào những môn có truyền thống châu Á như bóng bàn, cầu lông, hay không đòi hỏi chiều cao như thể dục dụng cụ, nhảy cầu, bắn súng, bắn cung.

Tại Pháp mùa Hè này, Philippines đoạt 2 Huy chương Vàng với cú đúp của Carlos Yulo ở thể dục dụng cụ, hay Kunlavut Vitidsarn (Thái Lan) giành Huy chương Bạc đơn nam môn Cầu lông.

Đáng chú ý, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng hướng sự đầu tư vào môn Olympic mới, hoặc ít nước tham dự. Chẳng hạn leo núi thể thao tốc độ lần đầu được đưa vào chương trình Olympic tại Paris, có 11 nước tham dự. Veddriq Leonardo của Indonesia đã giành Huy chương Vàng môn này.

Việt Nam thì sao? Chúng ta đã giành Huy chương Bạc taekwondo từ… Olympic 2000. Nhưng đến nay, taekwondo không có thêm thành tích nào đáng kể ở Thế vận hội. Cử tạ cũng giành huy chương 2 kỳ Olympic liên tiếp (2008 và 2012), và sau đó là khoảng trống mênh mông.

Cầu lông được cho là phù hợp với thể trạng người Đông Nam Á. Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã và đang có vận động viên tầm thế giới, giành nhiều huy chương Olympic. Vậy tại sao thể thao Việt Nam không phát triển được như những quốc gia cùng khu vực? Vấn đề then chốt nằm ở tầm chiến lược.

Ngành thể thao cần phải nhanh chóng đổi mới tư duy thể thao thành tích cao, giảm bớt sự tập trung cho SEA Games để hướng đến những mục tiêu cấp châu lục và thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, khen thưởng SEA Games 31, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành thể dục, thể thao cần tiếp tục duy trì, củng cố vị thế thể thao thành tích cao của Việt Nam; đặt ra mục tiêu cao hơn, đào tạo, ươm mầm cho những hạt giống tiếp tục phát triển, để khẳng định vị thế thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, phải chú trọng lựa chọn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từng bước tiệm cận và duy trì ở mặt bằng trình độ của châu lục, thế giới đối với những môn thể thao phù hợp với điều kiện, thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.

Theo báo cáo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 với chủ đề khát vọng ASIAD, nâng tầm Olympic thì ngành thể thao đang đào tạo, huấn luyện các đội tuyển thể thao quốc gia ở cấp độ tuyển lớn và tuyển trẻ tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đại học TDTT Bắc Ninh với con số khoảng 2.200 vận động viên (trong đó có khoảng gần 1.300 vận động viên của các đội tuyển quốc gia và khoảng 960 vận động viên của tuyển trẻ quốc gia).

_________________________

Bài cuối: Tính lại bài toán đầu tư trọng điểm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.