Thể thao Việt Nam không nên phụ thuộc vào SEA Games

GD&TĐ - Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, thể thao Việt Nam không nên phụ thuộc vào SEA Games mà phải tính toán đầu tư mạnh mẽ cho các môn Olympic.

Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ Khai mạc SEA Game 31.
Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ Khai mạc SEA Game 31.

Thể thao Việt Nam đến SEA Games 32 trong hoàn cảnh khó khăn về kinh phí và chương trình thi đấu không thuận lợi, song chỉ tiêu huy chương và thứ hạng vẫn được đặt ra ở mức cao. Bài toán tài chính và chỉ tiêu cùng lúc được đặt lên vai lãnh đạo ngành.

Khó bó cái khôn

Theo danh sách trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 với 1.018 thành viên, bao gồm 744 vận động viên, 45 lãnh đạo đội, 181 huấn luyện viên, 25 chuyên gia... Tuy nhiên, vào đầu tháng 4 này, danh sách đoàn thể thao Việt Nam buộc phải rà soát lại theo hướng giảm tới 20% số lượng của đoàn, vì lý do kinh phí.

Theo đó, danh sách đoàn thể thao Việt Nam sẽ phải rút gọn từ 1.018 thành viên xuống còn trên dưới 900 người. Các đội tuyển sẽ phải rà soát, lựa chọn những gương mặt ưu tú tham dự SEA Games, trong khi các vận động viên trẻ hay những người không có nhiều hy vọng giành huy chương sẽ không đến Campuchia vào tháng 5 tới.

Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 30 vận động viên bị cắt giảm, khiến tổng số vận động viên đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 sẽ còn khoảng 714 người.

Ngoài ra, ông Phấn cho rằng, Tổng cục TDTT không nói gì về việc đoàn thể thao Việt Nam phải cắt giảm thành viên về vấn đề kinh phí; mà chỉ nói phải rà soát lại kinh phí sao cho đảm bảo công tác chuyên môn, số lượng vận động viên dự SEA Games 32.

Nhưng người ta hiểu rằng, tài chính không thật dư dả nên lãnh đạo ngành thể thao buộc phải tính toán, cân nhắc từng trường hợp. Sẽ không tránh khỏi những huấn luyện viên, chuyên gia và vận động viên nỗ lực tập luyện cả năm vẫn phải đứng ngoài cuộc chơi.

Đáng chú ý, trong danh sách sơ bộ những vận động viên bị cắt giảm sang Campuchia có tên “Nữ hoàng điền kinh” Lê Tú Chinh. Những người có trách nhiệm có lý khi gạt Tú Chinh ra khỏi danh sách.

Trước thềm SEA Games 31, Tú Chinh gặp chấn thương đầu gối khá nặng, phải phẫu thuật, bỏ lỡ nhiều giải đấu quan trọng trong năm 2022. Mới đây, Tú Chinh chính thức tái xuất trên đường đua khi đăng ký tham dự Cúp Tốc độ Thống Nhất. Nhưng thay vì thi đấu tranh huy chương như thường lệ, cô chỉ chạy một lần để kiểm tra thành tích.

Ngay lập tức, ngành thể thao TPHCM và nhiều mạnh thường quân lên tiếng muốn tài trợ cho Tú Chinh đến Campuchia tranh tài. Động thái đó buộc lãnh đạo ngành thể thao phải xem xét lại và đưa ra hướng giải quyết hợp lý.

Tú Chinh sẽ đến Campuchia cùng các đồng đội. Lúc này ngành thể thao mới nhìn nhận thấu đáo về vai trò và sự lan tỏa của những vận động viên tài năng như Tú Chinh, chứ không đơn thuần sự toan tính về tài chính hay khả năng có thành tích hay không. Nhưng không phải vận động viên nào cũng có được “vị thế” như Tú Chính.

Được biết, ngân sách chi cho hoạt động thể thao năm 2023 là hơn 900 tỉ đồng. Số tiền này dùng phần lớn vào việc nuôi ăn, ở, tập huấn và thi đấu cho các đội tuyển quốc gia và đội trẻ quốc gia. Trong đó, chi phục vụ công tác tập huấn, thi đấu nước ngoài là 110 tỉ đồng.

Kinh phí tham dự SEA Games 32 cũng nằm trong số tiền này. Thể thao Việt Nam dự kiến trong năm 2023 tham dự 7 đại hội thể thao quốc tế, gồm: SEA Games 32, ASIAD 19, Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á, Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, Đại hội Thể thao khối Pháp ngữ, Đại hội Thể thao bãi biển thế giới.

Theo dự toán về tài chính của đoàn thể thao Việt Nam, chi phí ăn ở cho mỗi thành viên tham dự SEA Games 32 tại Campuchia là 50 USD/người/ngày. Mỗi thành viên của đoàn thể thao Việt Nam trong đó có các vận động viên sẽ được nhận thêm khoảng 20 USD/ngày tiền tiêu vặt.

Các vận động viên đến đại hội trước khi thi đấu trung bình từ 2 - 3 ngày và ra về ngay sau khi nội dung của mình kết thúc thi đấu một ngày. Theo như lịch thi đấu, chi phí ăn ở và tiêu vặt tổng cộng khoảng 700 - 800 USD/người (tương đương khoảng 20 triệu đồng) trong 10 ngày tại Campuchia.

Cùng với chi phí ăn ở, chi phí di chuyển máy bay khứ hồi sang Campuchia của mỗi vận động viên khoảng trên dưới 400 USD (dưới 10 triệu đồng). Như vậy, tổng chi phí trung bình cho một thành viên dự SEA Games 32 tại Campuchia vào khoảng trên dưới 30 triệu đồng.

Nếu đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 với khoảng 1.000 thành viên thì số tiền để chi ra khoảng 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng có một số vận động viên, thành viên trong đoàn thể thao Việt Nam đến SEA Games 32 bằng nguồn tiền từ ngân sách thể thao của các địa phương, hoặc tiền xã hội hóa của các liên đoàn thể thao quốc gia.

Lê Tú Chinh 'chạy thử' tại Cúp Tốc độ 2023.

Lê Tú Chinh 'chạy thử' tại Cúp Tốc độ 2023.

Làm mới mục tiêu

Về mặt quản lý hành chính, từ ngày 1/7 tới, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ chuyển thành Cục Thể dục Thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Cơ cấu của Cục Thể dục Thể thao chắc chắn sẽ có những thay đổi so với trước. Tất nhiên, dù tổng cục hay cục thì thể thao Việt Nam vẫn phải vận hành, nhưng với những người làm thể thao, câu chuyện “vị thế, vai trò” chắc chắn để lại dư vị và đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 cũng khó có thể đòi hỏi sự đủ đầy như những kỳ đại hội trước.

Vấn đề nào cũng có 2 mặt. Khó khăn kinh phí buộc lãnh đạo ngành thể thao phải cân nhắc từng khoản chi, đồng thời cũng là dịp để họ có điều kiện mạnh tay cắt giảm những bộ phận “ăn theo” đoàn thể thao Việt Nam.

Thực tế, từng có giải đấu, bộ phận nhân sự không phải là vận động viên theo đoàn quá đông. Phải đến khi báo chí vào cuộc thì những nhân sự này mới bị rút tên, hoặc phải xin thôi.

SEA Games 30 tại Philippines, đoàn Việt Nam có 850 thành viên, trong đó có 568 vận động viên, còn lại 288 là thành viên khác. SEA Games 31 tại Việt Nam, đoàn thể thao Việt Nam dự đại hội với 1.341 thành viên, trong đó có 956 vận động viên, 385 thành viên khác.

Người ta tự hỏi đoàn thể thao Việt Nam thực sự có cần đến tất cả 288 và 385 thành viên trên đây? Trong số này, bao nhiêu người là huấn luyện viên, chuyên gia, bao nhiêu người góp mặt chỉ để đi “du lịch”?

Ngay như danh sách ban đầu của đoàn thể thao Việt Nam đến Campuchia dự SEA Games 32 với 1.018 thành viên, bao gồm 744 vận động viên và những người còn lại (274). Nếu không vì kinh phí thì 274 người này sẽ tham dự SEA Games 32.

Nhưng khó khăn về tài chính khiến cho bộ phận này sẽ giảm đáng kể, và người ta tin rằng, điều đó không ảnh hưởng đến thành tích của đoàn thể thao Việt Nam. Vậy nên, đây cũng là dịp để thể thao Việt Nam rút ra bài học nhân sự sao cho hợp lý trước mỗi giải đấu quốc tế. Nên cắt giảm triệt để bộ phận đi theo.

Một vấn đề nữa đặt ra, đó là chỉ tiêu và số lượng Huy chương Vàng. Đứng đầu SEA Games 31 với số lượng Huy chương Vàng vượt trội, 205 so với 92 của đoàn Thái Lan đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng, song thể thao Việt Nam đến Campuchia lần này đặt chỉ tiêu có mặt trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu.

Ông Trần Đức Phấn trong vai trò Trưởng đoàn thể thao Việt Nam SEA Games 32 cho biết: Chủ nhà Campuchia cắt bỏ rất nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như đua thuyền, bắn súng, bắn cung…, trong khi các môn võ cũng bị khống chế về số lượng nội dung tham dự.

Việc cắt giảm trên khiến thể thao Việt Nam hao hụt khoảng 50 - 60 Huy chương Vàng. Ngoài ra còn có những yếu tố khác nên theo tính toán thì khả năng đoàn thể thao Việt Nam đoạt từ 100 - 120 Huy chương Vàng ở SEA Games 32 và chỉ xếp trong top 3 toàn đoàn.

Bên cạnh đó, ông Phấn cho biết thêm: Chúng ta không thể lấy số lượng 205 Huy chương Vàng ở SEA Games 31 để áp đặt chỉ tiêu thể thao Việt Nam phải giữ ngôi đầu ở SEA Games 32.

Bởi lẽ ngành thể thao đã phải căn cứ vào các môn, các nội dung được tổ chức ở Campuchia sắp tới. Ban huấn luyện các bộ môn sẽ tính toán được khả năng đoạt Huy chương Vàng thông qua việc đánh giá được trình độ vận động viên Việt Nam, so sánh với đối thủ, từ đó đưa ra chỉ tiêu.

Tất nhiên phải tính toán đến các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, trong điều kiện cơ sở vật chất và trọng tài cũng là vấn đề nan giải ở các đấu trường như SEA Games.

Thực ra, việc chủ nhà Campuchia cắt giảm các môn thế mạnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác, không chú trọng các môn Olympic cũng là điều bình thường. Bởi họ không làm sai luật. Có chăng Campuchia chỉ tận dụng tối đa ưu thế chủ nhà để mang về những lợi thế cho mình.

Vậy nên, SEA Games khó có thể coi là thước đo chính xác về sự phát triển và vị thế của các quốc gia thành viên. Số môn, nội dung thi đấu luôn “biến hóa” theo nước chủ nhà, đó là đặc quyền của họ. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 2 lần chúng ta đứng số 1 với số Huy chương Vàng vượt trội là 2 kỳ SEA Games diễn ra ở Việt Nam.

Thế cho nên, thể thao Việt Nam đã giành 205 Huy chương Vàng ở kỳ SEA Games 31 và có thể, chúng ta sẽ bảo vệ vị trí số 1 ở kỳ đại hội sắp tới. Nhưng thể thao Việt Nam không thể tự tin khẳng định mình đang dẫn đầu khu vực.

Nói thế bởi tiêu chí đánh giá sự phát triển phải là những giải đấu lớn như ASIAD, Olympic và hệ thống giải đấu quốc tế khác. Với những giải lớn tầm châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam vẫn “lép vế” so với nhiều quốc gia ở ngay “vùng trũng” Đông Nam Á và đang phải vật lộn với bài toán đầu tư trọng điểm như thế nào.

Bùi Thu Thảo giành Huy chương Vàng nhảy xa ASIAD 2018.

Bùi Thu Thảo giành Huy chương Vàng nhảy xa ASIAD 2018.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, thể thao Việt Nam không nên phụ thuộc vào SEA Games mà phải tính toán đầu tư mạnh mẽ cho các môn Olympic. Chúng ta không cần tham gia các môn lạ, các môn mà cứ đến lượt nước này đăng cai thì đưa vào rồi đến kỳ SEA Games khác lại không có nữa.

Thể thao Việt Nam phải kiên trì, cần ủng hộ về chủ trương được đầu tư nhất quán, đúng hướng. Chúng ta phải chấp nhận có thể ít Huy chương Vàng ở SEA Games để sớm cải thiện thành tích ở ASIAD, Olympic.

Nói như ông Trần Đức Phấn, thể thao Việt Nam đến SEA Games thì hoành tráng nhưng đi ASIAD, Olympic thì thua Thái Lan, Indonesia, Philippines... Lý do bởi các nước đầu tư mạnh, trọng điểm cho thể thao từ rất lâu rồi.

Nếu thể thao Việt Nam không thay đổi cách đầu tư thì rất khó để vươn trình độ ở ASIAD, Olympic. Vậy nên, đã đến lúc chúng ta cần coi SEA Games là bàn đạp để phát triển các môn Olympic thay vì đua tranh huy chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.