Từ kỷ lục gia Olympic đến anh hùng thế chiến

GD&TĐ - Sau khi tranh tài tại Thế vận hội Berlin 1936 và đạt được thành tích tuyệt vời, Louis Zamperini phục vụ quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ Hai và đã sống sót sau hai năm bị hành hạ trong trại tù binh Nhật Bản.

Cựu binh Louis Zamperini (ảnh chụp năm 1985) và bức ảnh thời còn trong quân ngũ.
Cựu binh Louis Zamperini (ảnh chụp năm 1985) và bức ảnh thời còn trong quân ngũ.

Cuộc đời của Louis Zamperini  được tái hiện trong bộ phim Unbroken nổi tiếng.

Hành trình đến thế vận hội

Louis Zamperini đã phá kỷ lục trên đường chạy 5.000m tại Thế vận hội Berlin 1936 ở Đức, năm ông lên 21 tuổi. Đến năm 26 tuổi, ông gia nhập quân đội, trở thành xạ thủ trong Lực lượng Không quân Mỹ. Vào ngày 27/5/1943, chiếc máy bay ném bom B-24 của ông lao xuống Thái Bình Dương.

Zamperini may mắn sống sót sau 47 ngày lênh đênh trên biển nhưng trở thành tù nhân chiến tranh của Nhật Bản, bị hành hạ, ngược đãi trong suốt hai năm. Lúc này, tên ông đã nằm trong danh sách quân nhân tử trận của chính phủ Mỹ.

Zamperini chỉ được giải thoát sau khi Nhật Bản đầu hàng vào ngày 2/9/1945. Sau đó, ông trở thành một diễn giả cho đến khi qua đời ở tuổi 97.

Từ vận động viên Olympic đến quân nhân được tặng thưởng Huân chương Purple Heart, cuộc đời của Zamperini là hành trình của một anh hùng đã giúp quyển sách Unbroken (Không khuất phục) do nhà văn Laura Hillenbrand viết về ông bán chạy nhất trong năm 2010. Sau đó, sách được anh em nhà Coen chuyển thể thành phim rất ăn khách.

Sinh ngày 26/1/1917, tại Olean, New York, Louis Zamperini được nuôi nấng bởi những người Italy thuộc thế hệ thứ nhất theo Công giáo ở Mỹ. Khi ông lên 2 tuổi, gia đình chuyển đến sống ở Torrance, California.

Tại đây, Zamperini thường xuyên bị bắt nạt vì là người nước ngoài, cha mẹ không nói được tiếng Anh. Ông tham gia đội điền kinh khi mới 15 tuổi để tìm sự tự tin, một phần cũng cảm hứng từ Glenn Cunningham - một vận động viên sống sót sau khi bị bỏng nặng lúc còn nhỏ, bất chấp mọi khó khăn và trở thành vận động viên nổi tiếng trên đường chạy.

Sau khi lập kỷ lục cuộc thi chạy ở trường trung học vào năm 1934, Zamperini được Đại học Nam California xét cấp học bổng. Vừa học, ông không ngừng rèn luyện và sớm trở thành vận động viên trẻ nhất của đội tuyển điền kinh Mỹ tham dự Thế vận hội Berlin 1936. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, Louis xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic cự ly 5.000m và được sự quan tâm, hỏi han của Adolf Hitler.

Không khuất phục

Louis Zamperini, vận động viên điền kinh.
Louis Zamperini, vận động viên điền kinh.
Nhiều năm sau cuộc chiến, Louis Zamperini quay lại nước Nhật, tìm gặp lại các cai ngục năm xưa từng tra tấn ông và tha thứ cho họ. Riêng Watanabe, kẻ đối xử với ông tàn ác nhất, dù được ân xá vẫn từ chối gặp ông, có lẽ ông ta vẫn còn bị ám ảnh bởi tội lỗi của mình. 

Zamperini hy vọng lặp lại kỳ tích ở Thế vận hội vào năm 1940, nhưng ông phải nhập ngũ phục vụ Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu. Sau trận chiến Trân Châu Cảng tháng 12/1941, ông tham gia chiến đấu, điều khiển chiếc B-24 Liberator ném bom vào căn cứ Nhật ở Thái Bình Dương.

Vào tháng 5/1943, Zamperini được giao nhiệm vụ tìm kiếm một chiếc máy bay mất tích. Thật không may, một sự cố xảy ra, chiếc máy bay của ông lao xuống biển. Trong số 11 thành viên, chỉ có Zamperini và hai người khác sống sót sau khi máy bay rơi.

Phi công phụ Russell Phillips, xạ thủ Francis McNamara và Zamperini đã chịu đựng cơn đói hành hạ, cái nóng, cơn khát và nguy cơ cá mập tấn công trong nhiều tuần lênh đênh trên biển. Trên một chiếc thuyền cứu sinh, họ chỉ uống nước từ những cơn mưa bất chợt và ăn cá may mắn bắt được.

McNamara chết vào ngày thứ 33 trên biển, hai tuần sau đó Zamperini và Philips trôi dạt vào bờ biển Quần đảo Marshall và bị quân Nhật bắt. Bị đưa từ trại này sang trại khác, họ thường xuyên bị Trung sĩ Mutsuhiro Watanabe, sau này là tội phạm chiến tranh, hành hạ, đánh đập.

Khi nhận ra có một vận động viên HCV Olympic trong tay, những kẻ bắt giữ Zemperini càng ra sức hành hạ anh khủng khiếp hơn. Zamperini đã tìm thấy sức mạnh nhờ quá khứ thể thao của mình: “Có một điều, bạn phải học tính kỷ luật tự giác, nếu muốn thành công với tư cách là một vận động viên. Ngoài ra, bạn phải có niềm tin vào bản thân, và tin rằng cho dù phải đối mặt với nghịch cảnh nào, bạn vẫn có thể đối phó với nó. Tiếp theo là rèn luyện thể chất, và hài hước cũng giúp ích nhiều”.

Dù luôn tỏ ra bất khuất trước quân Nhật, nhưng Zamperini không bị hành quyết vì ông được xem là tù nhân giá trị mà người Nhật tin rằng có thể có ích sau này. May mắn cho ông, người Nhật bại trận, trại tù binh được giải phóng vào mùa thu năm 1945.

Cuộc sống của một người trở về từ cõi chết, nạn nhân của những vụ tra tấn khủng khiếp không dễ dàng gì đối với Zamperini trong cuộc sống đời thường. Ông dùng rượu như liều thuốc điều trị căng thẳng sau chấn thương tâm lý và suýt ly hôn với vợ, Cynthia, trong giai đoạn này. May mắn, ông bừng tỉnh kịp thời và sống với Cynthia 54 năm, trước khi bà qua đời vào năm 2001. Họ có với nhau hai người con.

Dành những năm cuối đời của mình, Zamperini đi khắp nơi diễn thuyết truyền cảm hứng cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi, giúp họ vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Ông đã có nhiều thập niên để suy ngẫm về cuộc đời mình và thu thập những hiểu biết mới.

Trước khi qua đời vì bệnh viêm phổi vào ngày 2/7/2014, người cựu binh đã từng đối diện với quá khứ của mình. Trong một chặng của Lễ rước đuốc Olympic tại Thế vận hội mùa Đông 1998 ở Nhật Bản, Zamperini đã chạy bộ bên dãy núi Naoetsu.

Chính tại đây, nhiều thập niên trước, ông đã bị tra tấn và hằng ngày phải chứng kiến những cái chết của đồng đội. Giờ đây, ông trở lại với tư cách là người chiến thắng, mặc dù ông không hề tự nhận mình là anh hùng.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ