TT Trump: Không vội phi hạt nhân hóa Triều Tiên

GD&TĐ - Hôm qua (15/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không vội vàng phi hạt nhân Triều Tiên nhưng muốn nước này kìm hãm các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Trump có kế hoạch gặp Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ 2 tại Việt Nam vào ngày 27-28/2 tới để thảo luận về dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhằm đổi lấy sự đảm bảo an ninh của Mỹ.

Nói tại Nhà trắng, Tổng thống cho biết ông hy vọng thượng đỉnh tiếp theo sẽ “thành công không kém” thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6, sau đó ông nói rằng Triều Tiên đã dừng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, đồng thời trả lại hài cốt lính Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

“Tôi hy vọng chúng tôi có được may mắn giống như trong thượng đỉnh lần thứ nhất” – ông Trump nói – “Tôi không vội vàng để có được tốc độ. Chúng tôi chỉ không muốn các vụ thử”.

Vipin Narang – phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện công nghệ Massachussets, cho biết Tổng thống Mỹ đang gửi đi một thông điệp.

“Điều này thể hiện rất rõ” – ông Vipin Narang nói – “Như tôi đã nói trước đây, rõ ràng Tổng thống Trump không quan tâm việc Triều Tiên không giải trừ vũ khí. Vấn đề là liệu một số người trong chính quyền của ông có quan tâm hay không”.

Thượng đỉnh đầu tiên đã đưa ra cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, xây dựng mối quan hệ mới giữa các nước, thiết lập mối quan hệ giữa hai nước và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, tiến trình trên dường như chậm lại giữa lúc Mỹ yêu cầu có thêm những hoạt động phi hạt nhân hóa cụ thể hơn và Triều Tiên kêu gọi Mỹ có  “những biện pháp tương ứng”.

Đề cập tới lệnh trừng phạt quốc tế mà Triều Tiên muốn dỡ khỏi nền kinh tế của mình, ông Trump nói: “Các lệnh trừng phạt vẫn còn. Nhưng chúng tôi cho rằng Triều Tiên và Chủ tịch Kim có một tiềm năng lớn về lực lượng kinh tế, sức mạnh kinh tế. Vị trí của họ nằm giữa Hàn Quốc và sau đó là Nga, Trung Quốc ngay ở giữa, là một điều đặc biệt. Chúng tôi cho rằng họ có một cơ hội tuyệt vời cho sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai”.

Ông Trump tiếp tục nói về mối quan hệ “rất tốt” với ông Kim và nói rằng đây là điều chưa có tiền lệ giữa hai quốc gia.

Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ rằng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã gửi một bức thư “rất hay” dài 5 trang tới Ủy ban Nobel để ứng cử ông (Donald Trump) cho giải Nobel Hòa bình.

“Nhiều người cũng cảm thấy như vậy” – ông Trump nói và cho biết thêm rằng “cũng Ok” nếu ông không được nhận giải này.

Nhắc tới người tiền nhiệm Barack Obama của mình, ông Trump nói rằng cựu Tổng thống Mỹ thậm chí cũng không biết vì sao ông ấy lại có được giải Nobel Hòa Bình vào năm 2009.

Theo Yonhap

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...