Trung Quốc sẽ trừng phạt mạnh tay các công ty Mỹ

GD&TĐ - Trung Quốc dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ có ý định cung cấp vũ khí cho Đài Loan - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng cho biết hôm 15/7. Biện pháp này được công bố sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận bán cho Đài Loan một lô hàng vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD - hợp đồng được cho là lớn nhất trong những năm gần đây.

Quyết định bán vũ khí cho Đài Loan khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng. Ảnh: Reuters
Quyết định bán vũ khí cho Đài Loan khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng. Ảnh: Reuters

Từ một quyết định gây tranh cãi

Ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams do General Dynamics Corporation sản xuất, 1.240 tên lửa chống tăng TOW (Raytheon Co), 409 tên lửa Javelin (Raytheon, Lockheed Martin) và 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger cùng các loại khí tài đi kèm với tổng trị giá lên tới 2,2 tỷ USD.

Điều này xảy ra sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận yêu cầu gửi tới từ Đài Bắc nhằm “hiện đại hóa tiềm năng quốc phòng của Đài Loan”. Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và An ninh Hoa Kỳ xác nhận rằng việc bán các vũ khí này “sẽ không thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực”, nhưng “sẽ tăng cường an ninh quốc gia Mỹ thông qua tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan”. Trên thực tế, đến ngày 10/8, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn có cơ hội hủy bỏ thỏa thuận, nhưng qua tuyên bố của các nhà lập pháp, chắc chắn Washington sẽ không từ bỏ hợp đồng béo bở này. Hợp đồng hiện tại với số tiền 2,2 tỷ USD được cho là lớn nhất kể từ năm 2011 (khi đó, một hợp đồng được ký kết với giá 5,85 tỷ USD).

Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Hoa Kỳ, giữa Bắc Kinh và Washington đã xảy ra xung đột, trong đó có chiến tranh thương mại và công nghệ. Các bên đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau, nhưng trong lĩnh vực quân sự chủ yếu do Hoa Kỳ khởi xướng. Vào tháng 9/2018, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Cục Vũ khí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và lãnh đạo của nó là Li Shanfu vì mua tổ hợp S-400 của Liên bang Nga.

Một câu hỏi được đặt ra: Liệu thông điệp bán vũ khí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có được cố tình sắp xếp trùng với chuyến đi nước ngoài của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hay không?

Trên thực tế, hai sự kiện này xảy ra gần như đồng thời. Bà Thái Anh Văn đã tới Haiti và một số quốc gia khác ở Cariber, nơi tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan bất chấp áp lực từ Trung Quốc. Trên đường đi, người đứng đầu chính quyền Đài Loan dừng chân tại New York, nơi phái bộ Đài Loan sắp xếp một buổi tiếp tân để vinh danh bà.

Đến đòn đáp trả cứng rắn của Bắc Kinh

Đại diện Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Cảnh Sảng cho rằng, việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho Đài Loan nhằm mục đích “phá hoại chủ quyền của Trung Quốc và làm tổn hại đến lợi ích quốc gia” của nước này. Do đó, Bắc Kinh dự định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những công ty Mỹ có liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Một cảnh báo cho Washington cũng được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị khi đang có chuyến thăm Hungary.

“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ nhận thức đầy đủ sự nghiêm trọng của vấn đề Đài Loan và không đùa với lửa” - Ông Vương Nghị tuyên bố. Bắc Kinh coi Đài Loan là tỉnh ly khai chờ ngày thống nhất với đại lục. Và nếu Đài Bắc dám tuyên bố độc lập thì Bắc Kinh, như đã nhiều lần tuyên bố, sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực.

Theo các nhà phân tích, các lệnh trừng phạt của Trung Quốc (nếu chúng được đưa ra) sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Mỹ. Việc bán vũ khí cho Trung Quốc bị cấm bởi lệnh trừng phạt năm 1989 do Washington áp đặt sau sự kiện Thiên An Môn. Tuy nhiên, trong giao thương hàng hóa dân sự hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng. Như tờ New York Times lưu ý, General Dynamics sản xuất máy bay phản lực Gulfstream phổ biến với các doanh nhân lớn của Trung Quốc và Raytheon sẽ sớm mua lại một phần của United Technologies Corp, bao gồm nhà sản xuất thang máy Otis nổi tiếng ở Trung Quốc. Ngoài ra, Collins Aerospace đang hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Theo ông Alexander Lomanov, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Kinh tế thế giới, Viện HLKH Nga, Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ tạo ra một danh sách các công ty nước ngoài “không đáng tin cậy”. Đó là các công ty cạnh tranh sai lầm và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Họ rất dễ bị quy vào danh sách những công ty Mỹ đang vũ trang cho hòn đảo, một phần của Trung Quốc, mà không có sự đồng ý của chính quyền trung ương. Đây là một lời biện minh hợp lý cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc và nó hoàn toàn có thể gây thiệt hại không nhỏ đối với các công ty Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.