Quan hệ Mỹ - Triều Tiên lại "nổi sóng"

Quan hệ Mỹ - Triều Tiên lại "nổi sóng"

(GD&TĐ) - Chính quyền CHDCND Triều Tiên đã chính thức bác bỏ đề nghị ký một hiệp ước không xâm lược với Mỹ, đe dọa trả đũa bằng “trận chiến quyết định” với Washington. Tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng vừa được đưa ra ngay sau khi cuộc tập trận Mỹ - Nhật - Hàn Quốc có sự tham gia của tàu sân bay mang đầu đạn hạt nhân George Washington.

Không dừng lại ở một lời tuyên bố, CHDCND Triều Tiên tiến hành cuộc tập trận hải quân riêng của họ trước sự giám sát của tư lệnh tối cao Kim Jong Un. Theo các nhà phân tích, những diễn biến căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ phá hỏng việc nối lại vòng đàm phán 6 bên nhằm đưa bán đảo này thành khu vực phi hạt nhân.

Tàu sân bay USS George Washington - mục tiêu tấn công của hải quân CHDCND Triều Tiên
Tàu sân bay USS George Washington - mục tiêu tấn công của hải quân CHDCND Triều Tiên

Bình Nhưỡng lên tiếng đe dọa Washington bằng tuyên bố của Uỷ ban Nhà nước về quốc phòng CHDCND Triều Tiên được hãng thông tấn KCNA đưa tin. “Mỹ nên từ bỏ những bước đi nhằm cô lập và bóp nghẹt chúng tôi. Hoà bình và an ninh không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn ở chính nước Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào điều này” - Uỷ ban Nhà nước về quốc phòng CHDCND Triều Tiên cảnh báo. Tuyên bố của uỷ ban này nêu rõ: Phản ứng của CHDCND Triều Tiên trước hành động khiêu khích vô trách nhiệm sẽ là những đòn trả đũa dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực trong cuộc đối đầu quyết định đối với Mỹ.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ “chôn vùi” tàu sân bay USS George Washington xuống đáy đại dương. Cơn thịnh nộ của Bình Nhưỡng đã trút lên đầu Mỹ và các đồng minh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, khi họ đang tham gia cuộc tập trận 2 ngày trên biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh con “át chủ bài” là tàu sân bay George Washington, hàng loạt tàu khu trục, máy bay trực thăng chống tàu ngầm đã tham gia cuộc tập trận này. Đây không phải là cuộc tập trận đầu tiên của Mỹ và đồng minh châu Á trong năm nay. Có vẻ như càng ngày, mật độ tập trận của Mỹ ở khu vực càng dày lên. Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần cảnh báo Washington về một “hậu quả chính trị sâu rộng” do các cuộc tập trận “mang tính khiêu khích” gây ra.

Tuy nhiên, lời cảnh báo của Bình Nhưỡng có vẻ như bị bỏ ngoài tai. Theo tuyên bố của Uỷ ban Nhà nước về quốc phòng CHDCND Triều Tiên thì hành động khiêu khích của Mỹ và đồng minh châu Á của họ đang là vật cản trên con đường biến bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực phi hạt nhân.

“Loại bỏ vũ khí hạt nhân (ở CHDCND Triều Tiên) phải bao gồm việc loại bỏ các mối đe doạ hạt nhân từ Mỹ” - Tuyên bố của Uỷ ban Nhà nước về quốc phòng CHDCND Triều Tiên khẳng định. Trong bối cảnh vẫn hiện hữu những đe doạ hạt nhân từ phía Washington, Bình Nhưỡng “không xem xét khả năng ký hiệp ước không xâm lược với Washington”.

Sáng kiến ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra trong chuyến công du Tokyo mới đây của ông. Theo quan điểm của washington, điều kiện để có thể đi đến ký kết hiệp ước này là CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Nói là làm. Cuối tuần qua, CHDCND Triều Tiên tiến hành tập trận hải quân riêng của họ. Cuộc tập trận với mục đích “nâng cao khả năng phòng thủ của hải quân”, có sự tham gia của đội tàu chiến mới chế tạo và đặt dưới sự giám sát của tư lệnh tối cao Kim Jong Un.

Những động thái gần đây cho thấy, trong khi Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ và các đồng minh châu Á của họ tiến hành cuộc tập trận gây căng thẳng trong khu vực thì Seoul luôn cáo buộc những đe doạ đến từ Bắc Triều Tiên. Tại Jakarta, sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố: “Việc Bắc Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân là mối đe doạ nghiêm trọng đối với toàn khu vực”.

Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa, một lần nữa bán đảo Triều Tiên lại đứng trên bờ vực chiến tranh. Đây là những tín hiệu không vui bởi rất có thể nó sẽ xoá tan những hy vọng trong việc nối lại vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, hơn lúc nào hết các bên liên quan phải biết kiềm chế và thể hiện thiện chí của mình, nếu không, câu chuyện phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.

Duy Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ