La Quinta- ngôi trường có tỷ lệ học sinh gốc Việt đông nhất ở Mỹ

Ba phần tư học sinh trường trung học La Quinta là người Mỹ gốc Việt. Tỷ lệ học sinh gốc Việt ở đây cao nhất trong số các trường trung học ở Mỹ.

La Quinta- ngôi trường có tỷ lệ học sinh gốc Việt đông nhất ở Mỹ

Khi học sinh trường trung học La Quinta tràn vào nhà ăn trong giờ ăn trưa, họ trò chuyện bằng tiếng Anh chen lẫn những câu đơn giản tiếng Việt: “Khỏe không?”, “Sao mày?”...

Khu đồ ăn có đủ mọi thứ, phong phú. Nơi được xếp hàng dài nhất là quầy nem rán với nước chấm đậu phộng. Nhưng cũng rất nhiều học sinh chọn McDonald kẹp cá và cà phê đá.

Mọi người hòa đồng với nhau, một sự pha trộn thoải mái, dễ chịu.

la quinta- ngoi truong co ty le hoc sinh goc viet dong nhat o my hinh 0
Học sinh gốc Việt nói chuyện, đùa nghịch trong giờ ăn trưa

Little Saigon hình thành đã 40 năm, trường trung học La Quinta là một hình ảnh tiêu biểu, nơi văn hóa và con người đã hội nhập để tạo ra một thế giới mới mà các bậc ông bà hoặc thậm chí cha mẹ các học sinh nơi đây không dễ nhận ra.

Ba phần tư học sinh trường trung học La Quinta là người Mỹ gốc Việt. Tỷ lệ học sinh gốc Việt ở đây cao nhất trong số các trường trung học ở Mỹ.

Hầu hết học sinh là những người nhập cư thế hệ thứ hai, những đứa con sinh ra ở Mỹ của những người Việt di cư đến quận Cam vào khoảng những năm 1970- 1980.

Những học sinh này nói tiếng Anh. Lướt web. Mê các bộ phim như “The Fast and the Furious" (Quá nhanh quá nguy hiểm”. Họ thực sự là những thanh niên Mỹ.

Tuy nhiên được sự động viên, khuyến khích của cha mẹ và thày giáo, họ cũng đang giữ gìn văn hóa Việt.

Họ nói tiếng Việt. Họ hiểu truyền thống văn hóa Việt. Họ hiểu biết về lịch sử và chính trị, ngay cả khi cách họ nhìn nhận khác với ông bà cha mẹ họ.

Kết quả là sự hình thành một nền văn hóa hoàn toàn mới.

“Một trường học bình thường”

Hàng ngày cuối giờ sáng, Shawna Lê rời lớp tiếng Anh, cất sách vở vào trong tủ đồ cá nhân, rồi đi ăn trưa tại nhà ăn của trường cùng các bạn.

la quinta- ngoi truong co ty le hoc sinh goc viet dong nhat o my hinh 1
Shawna Lê 17 tuổi.

Nhà ăn cách Nhà Truyền thống của trường vài bước chân. Trong nhà truyền thống trưng bày hàng chục bức ảnh về thành tích thể thao của học sinh trung học La Quinta trong suốt 52 năm. Những tấm ảnh của những năm 1960 và đầu những năm 1970, cho thấy đa phần học sinh của trường là người da trắng.

Nhưng qua thời gian, dần dần trong các bức ảnh có nhiều hơn những gương mặt châu Á. Và những bức ảnh gần đây nhất có rất nhiều người Mỹ gốc Việt.

Lê nói: "Hầu hết mọi người nhận ra rằng trường chúng em nhiều sinh viên Việt Nam. Nhưng em không nghĩ rằng đây là một trường trung học dành cho học sinh Việt. Chúng em thấy đây chỉ là một trường trung học bình thường với những học sinh bình thường”.

Le 17 tuổi. Cô cùng bạn bè thường bàn tán về chuyện ai sẽ đi cùng ai đến dự vũ hội năm cuối, tranh luận lớp nào có giáo viên khó tính nhất, bàn bạc với nhau về những dự định sau khi tốt nghiệp và kế hoạch đi chơi cuối tuần.

Đó là tất cả những gì thường thấy ở một trường trung học điển hình.

Câu chuyện gia đình của Lê cũng là trường hợp điển hình tại La Quinta.

Cha cô, Si Le, chỉ mới 13 tuổi khi ông đặt chân đến Mỹ. Mẹ cô, Joanna Le, sang Mỹ khi lên 7 tuổi. Cha mẹ Lê có 3 người con: chị gái cô là Lauren, hiện là sinh viên năm thứ nhất tại trường cao đẳng Cypress, và em trai cô là Nathan, vừa vào trung học La Quinta. Ba chị em sinh ra và lớn lên ở Little Saigon.

la quinta- ngoi truong co ty le hoc sinh goc viet dong nhat o my hinh 2
Shawna Lê và chị gái Lauren ở nhà, trong phòng riêng của 2 cô gái.

Phòng ngủ của Lê treo đầy ảnh của bạn bè và áp phích của đội bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ Lakers. Lê và chị em mình chiều chiều đạp xe vòng vòng, làm bài tập ở nhà hoặc xem truyền hình.

la quinta- ngoi truong co ty le hoc sinh goc viet dong nhat o my hinh 3
Shawna Lê chơi bóng rổ cùng em trai Nathan sau khi từ trường về.

Ở trường, các thiếu niên như Lê nói tiếng Anh, nhưng khi ở nhà với cha mẹ, các em cũng nói tiếng Việt. "Điều đó thực sự quan trọng để giữ gìn được một phần bản sắc Việt trong bọn trẻ ", bà Joanna Lê nói. "Khi chúng càng lớn, sẽ càng khó hơn".

Ông Si Lê cũng học trường trung học La Quinta và tốt nghiệp vào năm 1986, chỉ vài năm sau khi ông đến Mỹ, sau đó ông trở thành một thợ cơ khí. Người cha này nhớ lại trường trung học hồi đó hoàn toàn khác bây giờ.

"Hồi đó, chỉ có một nhóm nhỏ sinh viên Việt Nam trong trường," ông nói.

"Nhiều người trong chúng tôi không nói tiếng Anh trôi chảy. Chúng tôi cảm thấy khác biệt so với bạn bè sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Chúng tôi thường xuyên bị bắt nạt và chế nhạo”.

"Các con tôi hiện nay có môi trường tốt hơn rất nhiều. Là người Việt ở La Quinta bây giờ có nghĩa là cũng giống như mọi người khác thôi."

Thày giáo

Trên giảng đường 209, thày giáo Dũng Bạch dạy năm tiết tiếng Việt và văn hóa Việt.

Chương trình học này gần đây được bổ sung tại La Quinta, theo yêu cầu của cha mẹ học sinh và các dân biểu. Khoảng 500 sinh viên học các lớp tự chọn do thày giáo Bạch và một giáo viên khác dạy.

Thày giáo Bạch năm nay 63 tuổi, giảng bài gần như hoàn toàn bằng tiếng Việt, tập trung vào ngữ pháp và phát âm.

Các bức tường trong lớp học của thày giáo Bạch cho thấy một phần của câu chuyện người Việt ở La Quinta. Có bản đồ và hình ảnh của Việt Nam, bảng từ vựng tiếng Việt, tác phẩm nghệ thuật Đông Nam Á và hình ảnh của sinh viên La Quinta mặc trang phục truyền thống dân tộc trong một sự kiện văn hóa Việt được tổ chức tại trường.

"Tôi không muốn dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Tôi dạy di sản văn hóa Việt Nam."

Thày giáo Bạch sinh ra ở Hải Phòng- tỉnh miền Bắc Việt Nam. Gia đình ông di cư vào Sài Gòn. Ông là sỹ quan quân đội miền Nam Việt Nam và phải đi cải tạo 7 năm sau khi kết thúc chiến tranh, rồi sang Mỹ vào năm 1994.

Ông tốt nghiệp ngành sư phạm tại trường Cal State Fullerton và đã giảng dạy được 11 năm tại La Quinta, nơi ông là 1 trong 9 giáo viên người Mỹ gốc Việt.

"Em nghĩ rằng em tham gia các lớp học của thày Bạch để học tiếng Việt," một trong những học sinh của ông, Danny Nguyễn nói,"Nhưng em đã học được nhiều hơn thế."

Thày giáo Bạch thường so sánh việc lớn lên ở Việt Nam với cuộc sống ở Mỹ. "Ở Việt Nam, học cách cư xử và sự tôn trọng trước rồi mới học chữ"- ông nói với các học sinh.

Học sinh cười phá lên khi ông giải thích rằng người Mỹ gốc Việt hơi vất vả khi mặc áo dài và áo gấm- các trang phục dân tộc, bởi vì họ thường nặng cân hơn người Việt Nam, nơi có chế độ ăn khá nhẹ nhàng.

"Các học trò càng tìm hiểu về văn hóa nguồn cội, càng hiểu rõ hơn về bản thân mình”- thày Bạch nói.

Học sinh gốc Việt tổ chức các hoạt động ngoại khóa

Bryan Hoàng, 17 tuổi, là một trong những học sinh nổi tiếng nhất của trường, chủ tịch hội đồng học sinh. Hoàng có điểm trung bình 4.0 và dự định vào Đại học Santa Barbara.

la quinta- ngoi truong co ty le hoc sinh goc viet dong nhat o my hinh 4
Bryan Hoàng.

Cậu chưa quyết địn chọn nghề gì, nhưng có thể sẽ học toán hoặc kỹ thuật.

Gần một nửa số học sinh tốt nghiệp La Quinta sẽ vào các trường cao đẳng hoặc đại học 4 năm. Tỷ lệ đó là gấp đôi mức trung bình so với học sinh các trường trung học nói chung ở bang California.

"Tôi thực sự thích việc mình ở một vị trí mà có thể đóng góp để xây dựng một môi trường tốt hơn cho mọi học sinh", Hoàng nói.

Năm ngoái, Hoàng đã tích cực tham gia tổ chức vũ hội học sinh tại Công viên thủy cung Thái Bình Dương ở Long Beach.

Năm nay, Hoàng tham gia lập kế hoạch một trò chơi giữa hai đội nam và nữ, nơi các chàng trai và các cô gái ganh đua nhau trong một loạt các thách thức như đố vui, đua tài đàn hát và thi ăn dưa hấu. Các cô gái đã thắng.

"Bọn mình nhường cho các bạn gái"- một nam sinh tinh nghịch kể. "Sao cũng được. Các cậu cứ nghĩ vậy đi"- một cô gái đáp lại.

Khiết Lê, 18 tuổi, cũng là một học sinh nổi tiếng. Cô là chủ tịch của Hội Học sinh Việt Nam tại La Quinta, một tổ chức có 200 thành viên, hoạt động với mục đích bảo tồn văn hóa và di sản Việt Nam.

la quinta- ngoi truong co ty le hoc sinh goc viet dong nhat o my hinh 5
Khiết Lê (bìa trái) trong một cuộc họp của học sinh.

Thứ Sáu hàng tuần, cả nhóm lên kế hoạch các hoạt động văn hóa và dự án phục vụ cộng đồng. Họ phát các bữa tối miễn phí cho các gia đình nghèo tại Trung tâm công dân Westminster và đi gom rác vào ngày thứ Bảy trong hoạt động dọn vệ sinh chung ở Little Saigon.

Hội thường mời các diễn giả từ cộng đồng người Việt đến nói chuyện với học sinh viên về các vấn đề như chiến tranh, vấn đề nhập cư và tầm quan trọng của giữ gìn di sản.

Trong một dịp Tết Việt, các thành viên của Hội học sinh Việt Nam đã trình diễn múa lân cho bạn bè xem. Một số bạn đã thuyết trình giới thiệu về ý nghĩa của ngày Tết.

"Cam kết phục vụ cộng đồng và nâng cao nhận thức văn hóa là điều quan trọng ở trường trung học La Quinta," Khiết Lê nói.

Khiết Lê có ý định vào học tại một trong hai trường Đại học Merced hoặc Cal State San Bernardino./.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ