Huawei tiếp tục thách thức chính phủ Mỹ

GD&TĐ - Trong động thái mới nhất nhằm chống lại nỗ lực của Washington muốn đẩy Huawei khỏi thị trường viễn thông toàn cầu, hôm 28/5, Huawei đã yêu cầu tòa án Mỹ dỡ lệnh cấm các cơ quan liên bang Mỹ mua sản phẩm Huawei. Nhưng ở châu Âu, Huawei vẫn khá chắc chân.

Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang phải đối mặt với khó khăn trên nhiều mặt trận, bao gồm các giới hạn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ và cáo buộc liên kết với chính phủ Trung Quốc. Ảnh: AFP
Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang phải đối mặt với khó khăn trên nhiều mặt trận, bao gồm các giới hạn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ và cáo buộc liên kết với chính phủ Trung Quốc. Ảnh: AFP

Huawei nghênh chiến

Ngày 28/5, tại họp báo ở trụ sở chính của Huawei (Thâm Quyến), Tập đoàn Trung Quốc cho biết họ đã nộp lên Tòa án Đông Texas văn bản đề nghị tuyên bố Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 của chính phủ Mỹ là vi hiến. Đạo luật NDAA được Quốc hội Mỹ thông qua mùa hè năm ngoái, trong đó cấm các cơ quan liên bang cùng các nhà thầu của họ sử dụng thiết bị Huawei với lý do quan ngại về an ninh.

Bản kiến nghị nói rằng lệnh cấm của Mỹ với Huawei là nhằm đẩy tập đoàn này khỏi thị trường viễn thông toàn cầu. Tống Lưu Bình, luật sư chính của Huawei, phát biểu trong cuộc họp báo ở Thâm Quyến hôm 28/5, rằng các chính trị gia Mỹ “đang sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để truy đuổi một công ty tư nhân”.

Kiến nghị cho rằng đạo luật đã vi phạm chính Hiến pháp Mỹ khi định trừng phạt một cá nhân hoặc tổ chức mà không có xét xử. “Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Không có súng, không có khói. Chỉ có những lời phỏng đoán”, ông Tống nói. Bản kiến nghị này là bước đi mới nhất của Huawei trong vụ kiện chống chính phủ Mỹ khởi động từ tháng 3/2019.

Chính quyền Mỹ đã phát động một chiến dịch toàn cầu chống lại Huawei, cấm các cơ quan chính phủ làm ăn với công ty Trung Quốc này và thúc giục các nước khác không sử dụng thiết bị viễn thông Huawei trong mạng di động. Nhà Trắng nêu quan ngại an ninh và cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị Huawei để do thám các nước khác, song Huawei luôn phủ nhận điều này. Tiếp đó, trong tháng Năm vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách công ty nước ngoài có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia hoặc lợi ích đối ngoại của Mỹ, dẫn tới việc Google rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android và các công ty Mỹ như Intel, Qualcomm dừng cung cấp linh kiện cho Huawei.

Luật sư chính của Huawei nói việc đưa công ty này vào danh sách đen tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm”. “Hôm nay là viễn thông và Huawei. Ngày mai có thể là một ngành công nghiệp của các vị, công ty của các vị, người tiêu dùng của các vị”. Theo ông, việc đưa Huawei vào danh sách đen sẽ làm tổn hại hơn 3 tỉ khách hàng của Huawei ở hơn 170 nước, kể cả Mỹ, nơi Huawei vẫn hợp tác với một số nhà mạng ở nông thôn. Mỹ hôm 21.5 đã nới lỏng lệnh cấm và cho phép Huawei được mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại. “Kết nối là một quyền con người cơ bản, và Chính phủ Mỹ đang đặt quyền của người tiêu dùng vào thế nguy hiểm”, ông Tống lập luận.

Việc kiện ngược lại Chính phủ Mỹ cho thấy Huawei sẵn sàng dốc sức để không bị gạt sang bên lề. Vincent Pang, Phó Chủ tịch, Giám đốc truyền thông Huawei nói rằng lệnh cấm của chính phủ Mỹ có thể dẫn tới “việc bắt đầu rạn nứt các tiêu chuẩn và hệ sinh thái công nghệ toàn cầu”. Ông cũng cho rằng tình huống “mang tính chính trị” hiện nay sẽ không làm trì hoãn việc giới thiệu công nghệ mạng 5G của Trung Quốc.

Hãng tin Mỹ CNN viết, các chuyên gia cho rằng việc không thể cung cấp linh kiện Mỹ qúa lâu sẽ dẫn tới tê liệt. Huawei là công ty hàng đầu về công nghệ 5G và danh sách đen thương mại có thể khiến hãng này khó khăn trong việc giới thiệu công nghệ không dây cực nhanh trên toàn cầu.

Chỗ đứng ở Châu Âu

Trong khi đó, ở Châu Âu, Huawei vẫn khá vững chân trong lĩnh vực 5G - tờ Washington Post ngày 28/5 cho biết. Tháng trước, KPN, nhà mạng không dây hàng đầu Hà Lan đã chọn Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G thế hệ mới của họ. KPN khẳng định rằng sự lựa chọn này dựa trên chất lượng. Tất nhiên Huawei còn một lợi thế thuyết phục nữa là giá cả. Các quan chức giấu tên trong ngành công nghiệp viễn thông nói với Washington Post rằng Huawei đã bỏ thầu thấp hơn 60% so với giá của nhà cung cấp Thụy Điển Ericsson - một mức giá mà thậm chí có thể không bù đắp được giá thành linh kiện. Nhưng Huawei vẫn đưa ra được mức giá đó bởi họ nhận được hàng trăm triệu USD mỗi năm trợ giá của Chính phủ Trung Quốc và được đảm bảo thị phần lớn trong nước.

Trong thập kỷ qua, Huawei đã tiến vào Đức, Pháp, Anh, Italia, Canada và các nước đang phát triển với cách thức tương tự: Đưa ra sản phẩm tốt với mức giá mà khó nhà mạng nào cưỡng lại được, các đối thủ cũng không thể cạnh tranh, cho dù cũng đã có nhiều lo ngại về các vấn đề do thám, vi phạm bản quyền của Huawei. Cuộc chiến chống Huawei của Mỹ suốt một năm qua đã gia tăng sức ép với châu Âu và một số chính phủ đã cấm linh kiện Huawei trong những mạng cốt lõi và nhạy cảm, nhưng vẫn cho phép sử dụng trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn. Châu Âu vẫn là thị trường cao cấp của Huawei. Hiện họ là một trong 3 nhà cung cấp thiết bị 5G lớn duy nhất ở châu Âu - cùng với Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Tuần trước, sau khi danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ được công bố, lãnh đạo Đức, Pháp và Hà Lan nói rằng chính phủ của họ không định theo bước Mỹ để cấm Huawei tham gia mạng 5G ở các nước này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, các công ty có thể tham gia mở rộng mạng 5G của Đức nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho là không thích hợp nếu khởi đầu một tranh chấp thương mại vì vấn đề công nghệ. Mục đích không phải là loại Huawei hoặc các công ty khác khỏi việc mở rộng mạng 5G, mà phải cung cấp các biện pháp an ninh cần thiết - ông nhấn mạnh. Cao ủy EU vẫn chưa yêu cầu các quốc gia thành viên tránh sử dụng thiết bị 5G của Huawei.

Nhưng những người phản đối Huawei ở châu Âu cho rằng đây không phải vấn đề công nghệ, mà là sự dính líu đằng sau của Chính phủ Trung Quốc như cáo buộc của Mỹ. Có thể trong vài tháng tới, cùng với cuộc chiến Chính phủ Mỹ - Huawei, các quốc gia châu Âu sẽ phải cân nhắc kỹ hơn về sự tham gia của tập đoàn này vào mạng viễn thông của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ