Giáo dục ĐH Nga: Rộng cửa cho sinh viên quốc tế, khó cho nhà khoa học nước ngoài

GD&TĐ - Nghị viện Nga đang cân nhắc đưa ra một số dự luật, với mong muốn khiến các sinh viên (SV) trong nước và quốc tế dễ dàng tiếp cận hơn với nền giáo dục đại học (GDĐH) tại nước này, cũng như có thể ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” của những SV tài năng.

Nhiều SV địa phương thường muốn theo học ở những trường tại thành phố lớn
Nhiều SV địa phương thường muốn theo học ở những trường tại thành phố lớn

Nới lỏng với SV quốc tế

Động thái khiến các SV trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận nền GDĐH Nga được đưa ra bởi một số nhà phân tích GDĐH và thành viên của Duma Quốc gia - Hạ viện của Quốc hội Liên bang. Để có thể hiện thực hóa mong muốn này, Duma Quốc gia và chính phủ liên bang đang lên kế hoạch cho phép miễn học phí tại một số trường ĐH trong khu vực, với mục đích thu hút nhiều SV hơn. Ý tưởng này được đề xuất bởi ông Vladimir Chernyshov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Giáo dục và Khoa học, bởi ông tin rằng, chính sách đó có thể mang lại những tác động tích cực trong hệ thống GDĐH Nga.

Trước truyền thông, ông Chernyshov cho biết: “Việc ngừng thu học phí tại một số trường ĐH sẽ có thể khiến các cơ sở GD này trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn và hạn chế các SV trẻ địa phương chuyển tới Mát-xcơ-va và St Petersburg để tìm kiếm các trường ĐH tốt”.

Cũng theo vị phó chủ tịch, nếu chính sách này được thực thi, SV sẽ được làm việc tại cùng địa điểm với cơ sở GD mà họ theo học sau khi tốt nghiệp. Trong giai đoạn đầu, chương trình mới này sẽ được áp dụng đối với các cơ sở GDĐH thuộc khu vực biên giới của Nga và sau đó sẽ là các khu vực khác của đất nước.

Ngoài ra, Duma Quốc gia cũng dự kiến có những biện pháp nhằm thu hút SV quốc tế nói tiếng Nga đến các trường ĐH, bằng cách cấp thêm hạn ngạch thương mại cho họ. Các nhà lãnh đạo Nga khẳng định, động thái này sẽ có những tác động tích cực và khiến hình ảnh của Nga cũng như hệ thống GDĐH trở nên đẹp hơn và được công nhận trên trường quốc tế, góp phần tăng số lượng SV đến từ các quốc gia khác.

Có thể nói, chính phủ Nga rất quan tâm đến việc thu hút SV nước ngoài theo học tại các trường ĐH trong nước, trên cả cơ sở thương mại và phi thương mại. Tháng 5/2019, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu xem xét tăng hạn ngạch cho SV nước ngoài muốn theo học tại các trường ĐH Nga.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Khoa học, hiện có hơn 220.000 SV nước ngoài tại Nga, trong đó có khoảng 15.000 người theo học tại các cơ sở GD công lập được nhà nước tài trợ. Ngoài ra, chính phủ liên bang và Duma Quốc gia đang có kế hoạch tăng gần gấp 3 lần con số này vào năm 2025. Nhiều nguồn tin cho biết, một dự luật khác sẽ sớm được thông qua, nhằm giúp chính phủ Nga đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, trái với nhiều ý kiến ủng hộ, không ít quan chức cấp cao và nhà phân tích GDĐH nước này tin rằng, không có lý do gì để tăng hạn ngạch đối với SV quốc tế theo học tại các trường ĐH Nga. Theo chính trị gia kiêm nhà ngoại giao Eleonora Mitrofanova, Đại sứ của Bộ Ngoại giao và là người đứng đầu Cơ quan Liên bang vì cộng đồng các quốc gia độc lập, Đồng bào sống ở nước ngoài và Hợp tác nhân đạo quốc tế - một cơ quan chính phủ liên bang Nga tự trị thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao - việc tăng hạn ngạch cho SV nước ngoài nên được diễn ra một cách từ từ và theo từng giai đoạn.

Kiểm soát chặt chẽ đối với nhà khoa học quốc tế

Trái lại, song song với những dự luật nới lỏng dành cho SV quốc tế, chính phủ Nga mới đây đã ban hành các quy định khiến cho việc hợp tác giữa các nhà khoa học nước này và đồng nghiệp quốc tế trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Giữa tháng 8 vừa qua, ấn phẩm có tên Meduza khẳng định, Bộ Giáo dục và Khoa học đã khiến các nhà khoa học Nga gặp khó khăn hơn khi tiếp xúc với đối tác nước ngoài. Ngoài ra, một số ấn phẩm khác tiết lộ, lý do cho việc này là bởi, chính phủ Nga cảnh giác trong việc bảo vệ bí mật công nghiệp.

Trích dẫn các báo cáo của hai tác giả Moskovsky Komsomolets và Troitsky Variant, ấn phẩm Meduza cho biết: “Các quy định mới áp dụng cho tất cả tổ chức thuộc sự kiểm soát của Bộ, hầu hết nhưng không phải tất cả đều thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên”.

Cũng theo thông tin từ Meduza, các quy định mới của chính phủ nước này yêu cầu tất cả tổ chức khoa học phải thông báo cho Bộ về các cuộc họp theo kế hoạch với những đồng nghiệp quốc tế, cũng như cung cấp tên của tất cả những người tham gia cuộc họp đó.

Meduza cho biết: “Phải có ít nhất hai nhà khoa học Nga có mặt trong mọi cuộc họp với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, việc liên lạc khi hết giờ làm việc với những nhà khoa học quốc tế sẽ chỉ được phép nếu có sự chấp thuận của giám sát viên. Sau mỗi cuộc họp, các nhà khoa học Nga sẽ phải nộp báo cáo tóm tắt nội dung trò chuyện và gửi kèm bản sao hộ chiếu của tất cả những người có mặt”.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học quốc tế sẽ không được phép sử dụng bất cứ thiết bị ghi âm, ghi hình nào khi đến thăm những tổ chức khoa học tại Nga, ngoại trừ trong các trường hợp được quy định bởi hiệp ước quốc tế của Nga.

Trước bối cảnh này, ông Alexander Fradkov - một quan chức cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã thể hiện sự phản đối trong một bức thư gửi tới Bộ Giáo dục và Khoa học, kêu gọi Bộ sửa đổi hoặc bãi bỏ các chính sách nêu trên. “Những yêu cầu lố bịch và bất khả thi kia sẽ không cải thiện nền an ninh của quốc gia. Thay vào đó, chúng sẽ chỉ dẫn đến sự cô lập khỏi các nước phát triển, cũng như làm mất uy tín của chính phủ Nga”, ông Fradkov nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters tiết lộ, khi được hỏi về các chỉ thị mới, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định chưa nhìn thấy những chính sách; đồng thời cho biết, các yêu cầu của chính phủ chỉ nhằm bảo đảm an ninh và cảnh giác với gián điệp nước ngoài.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ