Ecuador khốn đốn vì các khoản vay của Trung Quốc

Ông Gonzalo Uquillas của công ty điện Ecuador ELEC xem xét đập thủy điện Coca Codo Sinclair đang gặp rắc rối mà Trung Quốc xây dựng (Cristina Vega / AFP/Getty Images)
Ông Gonzalo Uquillas của công ty điện Ecuador ELEC xem xét đập thủy điện Coca Codo Sinclair đang gặp rắc rối mà Trung Quốc xây dựng (Cristina Vega / AFP/Getty Images)

Thâm hụt ngân sách

Chính phủ của ông Moreno đang “căng như dây đàn” vì thâm hụt ngân sách, một phần do những bổn phận với Trung Quốc – quốc gia đã cho Ecuado vay tiền để xây đường, đập, trường học và các tòa nhà văn phòng trong thời kỳ ông Correa tại nhiệm từ 2007 tới 2017.

Ecuador là một trong vài nước Mỹ La tinh gần đây được nhận các hỗ trợ từ hoạt động cho vay của Trung Quốc. Giống như những khoản vay khác mà Trung Quốc đưa ra trong khu vực, khoản vay mà Ecuador nhận được có thể trả bằng các lô hàng tài nguyên thiên nhiên (như dầu mỏ trong trường hợp của Ecuador) mà Trung Quốc cần để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, các điều khoản của số nợ 6,5 tỉ USD mà Ecuador vay từ Trung Quốc đã trở nên khó chịu khi giá dầu thế giới sụt giảm, mà đây lại là nguồn doanh thu chính từ xuất khẩu của Ecuador. Hơn nữa, một số công trình do những khoản nợ này cấp tài chính, trong đó có các nhà máy thủy điện, không tạo được doanh thu như dự đoán.

Ecuador là nước mới nhất trong các nước thuộc Thế giới thứ 3 gặp phiền toái khi vay Trung Quốc, một số các nước khác cũng gặp chung cảnh ngộ bao gồm Sri Lanka và Maldives.

Bộ trưởng Tài chính Ecuador Richard Martinez đã mô tả trước Quốc hội rằng thâm hụt ngân sách 6 tỉ USD (không bao gồm 4 tỉ USD tiền thanh toán nợ) cho năm 2019 là “không bền vững… bắt nguồn từ việc thực hiện một mô hình phát triển mà nhà nước chi nhiều hơn số tiền mình có”.

Ông Vicente Albournoz, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Châu Mỹ ở Quito nói rằng thậm chí nếu Trung Quốc nới lỏng các khoản vay, Ecuador vẫn sẽ cần một khoản vay cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá tới 10 tỉ USD (các Bộ Tài chính và Năng lượng Ecuador không trả lời phỏng vấn)

“Ông Correa nghĩ rằng mình là thiên tài và đã trốn trách nhiệm bằng cách đẩy vấn đề cho một người khác” – ông Albornoz nói – “Moreno biết rằng ông ấy đang tiếp quản một đất nước trong tình trạng tồi tệ nhưng không hoàn toàn ý thức được những điều cần làm để sửa chữa vấn đề”.

Jaime Carrera – giám đốc Cơ quan giám sát chính sách tài khóa – cho biết IMF chắc chắn sẽ đặt ra các điều kiện cho bất kỳ sự cứu trợ nào, trong đó có thể đưa ra điều kiện cho ông Moreno giảm ít nhất 10% lực lượng lao động 450.000 người của chính quyền trung ương và chấm dứt tất cả hay hầu hết 4 tỉ USD trợ cấp nhiên liệu hàng năm cho người tiêu dùng. Việc đáp ứng những điều kiện này sẽ kéo theo tổn thất về chính trị.

“Sự cắt giảm này sẽ khiến nhiều người đổ xuống đường biểu tình” – ông Carrera nói.

Con đập trị giá 2,8 tỉ USD

Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Fernando Santos, điều khiến cho mọi việc tồi tệ hơn là một số dự án xây bằng các khoản vay của Trung Quốc bị định giá quá cao và chất lượng kém, đặc biệt là con đập Coca Codo Sinclair trị giá 2,8 tỉ USD.

Như thường lệ, khi thực hiện các khoản vay cho các công trình công cộng quy mô lớn, Trung Quốc đưa ra tên một công ty Trung Quốc làm tổng thầu là một điều kiện để cấp vốn. Những dự án này không cần đấu thầu và điều này dễ tạo ra tham nhũng và định giá quá cao – nhà phân tích Maria de la Paz Vela của công ty tư vấn kinh tế Multiplica ở Quito cho hay.

Con đập trên nằm cách Quito 145km về phía đông, nó được khánh thành một cách hoành tráng với sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2016. Được thiết kế như một cơ sở 1.500 megawat điện, con đập này đang hoạt động với một nửa công suất sau khi một công ty điều tra của Đức phát hiện ra các vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc hồi tháng 3 vừa qua và cho biết để sửa chữa cần tới hàng trăm triệu đô la.

Một báo cáo đưa ra năm ngoái của văn phòng kiểm soát chính phủ cho biết việc điều tra đã phát hiện 402 “vết nứt lớn nhỏ” trong phòng máy chứa 8 turbines của con đập”.

Báo cáo trên đã gây ra những bình luận gay gắt đối với tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc vốn đã xây con đập này vì họ đã sử dụng vật liệu và phương pháp xây dựng “vô trách nhiệm và không thể hiểu nổi”, trong đó bao gồm các mối hàn kém. Một phần của cấu trúc có thể phải bị phá hủy và xây lại – báo cáo cho biết.

Báo cáo trên cũng nói rằng nhà thầu Trung Quốc đã phớt lờ một quy định của hợp đồng xây dựng, đó là con đập phải được xây theo các tiêu chuẩn chặt chẽ do Hiệp hội kỹ sư cơ khí Hoa Kỳ quy định. “Người Trung Quốc đã sử dụng thép chất lượng kém và đuổi các điều tra viên nêu ý kiến phải thay đổi nó” – cựu Bộ trưởng Santos nói.

Theo Latimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích cấp thành phố vào tháng 11/2024, minh chứng cho giá trị lịch sử đô thị và văn hóa của địa danh. Ảnh: Thùy Linh.

TPHCM đầu tư lớn bảo tồn di tích

GD&TĐ - TPHCM dành hơn 1000 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử trong 6 tháng đầu năm 2025, hướng đến gìn giữ giá trị truyền thống.