Biểu tình Hồng Kông: “Hơi nóng” vẫn không dịu sau 7 tuần

GD&TĐ - Cuối tuần qua, Hồng Kông lại rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình. Ở một ga tàu điện ngầm, một đám đông được trang bị dùi cui cũng tấn công người dân.

Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông cuối tuần qua
Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông cuối tuần qua

45 người nhập viện

Tình trạng bất ổn xảy ra sau khi hàng chục nghìn người xuống đường vào cuối tuần thứ Bảy liên tiếp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị với nguyên nhân là dự luật dẫn độ - hiện đã được đình chỉ. Trên một số mạng xã hội xuất hiện các clip cho thấy một nhóm người đàn ông đeo mặt nạ, mặc áo phông trắng, đã tấn công những người mặc đồ đen - màu sắc của cuộc biểu tình, trên sân ga và bên trong toa tàu ở ga tàu MTR Yuen Long, phía Bắc thành phố, cách nơi diễn ra cuộc biểu tình khoảng một giờ ô tô chạy. 45 người đã phải nhập viện, trong đó có một người lâm vào tình trạng nguy kịch. Năm người khác vẫn trong tình trạng nghiêm trọng.

Vụ việc làm dấy lên lo ngại một số băng đảng tội phạm có tổ chức hoạt động ở ngoại ô thành phố đang tham gia vào cuộc khủng hoảng chính trị. Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, cảnh sát cho biết họ sẽ không dung thứ “hành vi bạo lực” và đã tích cực theo dõi hai vụ việc trên “để đưa những kẻ phạm tội ra công lý”.

Người biểu tình và những người ủng hộ đã chỉ trích cảnh sát vì phản ứng chậm trễ đối với bạo lực ở Yuen Long. Nhà lập pháp đảng Dân chủ và ủy viên hội đồng quận Yuen Long, Zachery Wong Wai-yin phàn nàn rằng cảnh sát đã lái xe đi sau khi ông báo cáo với họ mình đang bị đe dọa. Ông cũng cáo buộc các sĩ quan đã hợp tác với các băng đảng địa phương, được gọi chung là Hội Tam Hoàng. “Chúng tôi tin rằng cảnh sát và Hội Tam Hoàng đã liên kết với nhau để quản lý Hồng Kông”, ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh địa phương, Tổng Giám đốc quan hệ công chúng John Tse Chun Chung của ngành cảnh sát cho biết, cảnh sát đã không thực hiện bất kỳ vụ bắt giữ nào vì khi đó, hai sĩ quan có mặt tại hiện trường “không có hơi cay bảo vệ” và đang chờ tiếp viện.

Từ ôn hòa trở nên dữ dội

Bạo lực ở Yuen Long xảy ra khi một số lượng lớn người biểu tình đối mặt với cảnh sát ở các quận trung tâm và Sheung Wan của thành phố. Thoạt đầu, cuộc biểu tình bắt đầu như một cuộc tuần hành ôn hòa. Các nhà tổ chức ước tính rằng hơn 400.000 người tham gia, trong khi cảnh sát cho biết chỉ có 138.000 người đã tham gia. Vào buổi chiều, hàng nghìn người đã bất chấp lệnh của cảnh sát và diễu hành vượt quá điểm cuối mà họ được phép tiếp cận tính từ văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc. Người biểu tình phun sơn lên các bức tường gần tòa nhà, xóa mất biểu tượng của tòa nhà, sau đó rút lui khi sự hiện diện của cảnh sát ngày càng tăng.

Những cuộc giao tranh không liên tục tiếp diễn khi đám đông tiến về trung tâm thành phố. Nhân viên cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay để giải tán một nhóm lớn các nhà hoạt động, chủ yếu là thanh niên. Một số người có mặt tại hiện trường đã chứng kiến cảnh sát sử dụng đạn cao su chống lại người biểu tình, ngược lại, người biểu tình ném gạch vào cảnh sát.

Trong một tuyên bố, chính quyền Hồng Kông cho biết họ “lên án mạnh mẽ những người biểu tình đã ngang nhiên thách thức chính quyền bằng cách bao vây và gây bão dữ dội” tòa nhà văn phòng liên lạc.

Vẫn còn nguy cơ

Mặt trận Nhân quyền Dân sự, đã tổ chức cuộc tuần hành, đang yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về những gì mà họ gọi là chiến thuật tàn bạo không cần thiết của cảnh sát, cũng như đòi thả những người bị bắt trong các vụ đụng độ trước đó.

Các cuộc biểu tình ban đầu được châm ngòi bởi sự phản đối mạnh mẽ của công chúng đối với dự luật dẫn độ. Các nhà phê bình lo ngại rằng dự luật này sẽ cho phép các nhà hành pháp được dẫn độ người tới Trung Quốc đại lục để đối mặt với những phiên tòa có tỷ lệ kết án 99%. Ngày 18/6, Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho biết dự luật đã “chết” và “không có kế hoạch” tái lập nó. Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng điều đó là không đủ và kêu gọi rút toàn bộ và chính thức dự luật, yêu cầu bà Lam từ chức, kêu gọi các cải cách dân chủ khác ở Hồng Kông. Khi những yêu cầu này chưa được đáp ứng, các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực.

Vào tối thứ Sáu tuần qua, cảnh sát cũng đã đột kích một địa điểm được nghi ngờ là nơi chế tạo bom trong một khu công nghiệp của thành phố. Ba người đàn ông đã bị bắt, cảnh sát thu hồi trong đó 2 kg chất nổ công suất cao, bao gồm triacetone triperoxide (TATP), và nhiều vũ khí khác. Tờ rơi liên quan đến các cuộc biểu tình dự luật chống dẫn độ cũng được tìm thấy ở địa điểm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ