Bên trong ngôi trường dành cho học sinh đặc biệt

GD&TĐ - Cô Sharon Donaldson thở dài khi một cậu bé đóng rầm cửa và hét lên. Cô hỏi: “Sao hôm nay em tức giận vậy?” rồi tất cả những gì cô nhận lại là một câu văng tục của cậu... Sharon chỉ biết nhún vai…

Bên trong ngôi trường  dành cho  học sinh đặc biệt

Khó nhất là để trẻ diễn tả cảm xúc

Sharon Donaldson là hiệu trưởng của trường Rosebery School – một trường lưu trú ngắn ngày ở Kings Lynn, Norfolk, Anh dành cho trẻ em bị đuổi học. Cậu bé trong câu chuyện trên là Harvey. Cậu đã bị đuổi học hơn 15 lần và lần cuối cùng diễn ra sau sinh nhật 7 tuổi của cậu. Harvey là học sinh mới của Rosebery.

Sharon đã từng chứng kiến hết những cảnh tương tự như vậy và phản ứng của Harvey không phải là hiếm.

Một bộ phim tài liệu mới mang tên “Bị đuổi học ở tuổi lên 7” mô tả lại những học sinh của trường Rosebery, các vấn đề về hành vi và nhiệm vụ khó khăn của giáo viên trong việc cố gắng sửa chữa những vấn đề đó để giúp học sinh có thể đi học trở lại.

Những lý do khiến học sinh (chủ yếu là học sinh nam) bị đuổi học rất đa dạng, từ: “Suýt nữa thì em làm gãy lưng giáo viên” cho tới “em trả lời câu hỏi sai và em đánh mọi người”. Tuy nhiên, các em đều dính líu tới bạo lực với chính mình, với người khác hoặc với tài sản của nhà trường. Có những em dính líu tới cả 3 điều này.

Sharon và nhóm của cô xử lý không quá 14 trẻ em một lúc. Các em được chia thành các lớp, mỗi lớp 7 em. Nơi đây hành vi của các em được theo dõi chặt chẽ và mỗi bài học được điều chỉnh theo nhu cầu của học sinh. Nhiều học sinh được đưa tới Rosebery bị tự kỷ hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý, do đó nhà trường phải giúp các em học theo thời khóa biểu, kiềm chế ngôn ngữ không phù hợp của các em với hy vọng có thể tìm một trường học sẵn sàng chấp nhận các em lâu dài.

Theo cô , một trong những thách thức lớn nhất là khiến trẻ diễn tả cảm xúc bằng lời. Để các em giải thích mình đang cảm thấy như thế nào về nhà mình và trường học phức tạp hơn rất nhiều so với những trẻ khác. Nhưng đây lại là bước đầu tiên để giúp các em học tập.

Sharon chỉ vào một bé gái sợ hãi phải đi học ở trường cấp cao hơn vào năm sau. Bằng cách gặp gỡ cô bé này vào các buổi chiều, một trong những giáo viên nữ của trường đã dạy bé cách chải tóc, sơn móng tay để bé không cảm thấy bị cô lập ở “trường lớn”. Trong những buổi gặp này, bé đã cởi mở và giáo viên có thể nói cho phụ huynh biết điều gì đang khiến bé lo lắng.

Cậu bé ít tuổi nhất của trường mới 5 tuổi, cậu đang có những vấn đề nghiêm trọng ở nhà và cũng bị đuổi đi. “Cậu bé không thể giải thích mình cảm thấy thế nào. Nhiệm vụ của chúng tôi là tháo rời những mảnh kép và sắp xếp chúng với nhau đúng chỗ” – nói – “Chúng tôi vẽ tranh với bé và trên đó chúng tôi viết về cảm xúc của bé”. Cô hiệu trưởng chỉ một con chim lớn màu tím và xanh, nó nói rằng “tôi lúc nào cũng hạnh phúc nếu tôi không có điều gì phải lo lắng” và “tôi muốn ở trường học nhiều hơn”.

Những hy sinh đáng giá

Một điều ngạc nhiên về trường Rosebery là sự thay đổi tích cực của học sinh. Khi chúng tôi đi xem trường, một bé có vẻ nhút nhát tiến lại gần chúng tôi và mời bánh ngọt trong liên hoan cuối học kỳ.

Dạy về sự đồng cảm và tự kiểm soát là phần cốt lõi trong hoạt động giáo dục trẻ em. Giáo viên Richard Edmonds của trường nói: “Chúng tôi sử dụng những buổi đọc sách để giúp các em thư giãn khi lớp học bắt đầu có dấu hiệu cư xử không đúng mực. Đôi khi có học sinh buộc phải rời khỏi lớp học. Tuy nhiên, chúng tôi phải phát hiện ra những dấu hiệu trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Một số dấu hiệu đó là học sinh nắm tay lại, mặt nhăn nhó… Lúc đó một số học sinh có thể ra ngoài để bình tĩnh lại, một số cần ngồi vào trong góc…”

Nếu cư xử thật là tồi tệ, các bé có thể bị gửi về nhà nhưng những hình phạt ở đây rất phù hợp, trẻ biết chúng sẽ bị phạt nếu có hành vi xấu và được thưởng nếu có hành vi tốt. Đây là một phần quan trọng trong quá trình dạy dỗ trẻ. “Rất nhiều em cảm thấy thế giới giả tạo với mình nên chúng tôi phải luôn luôn trung thực, bất kỳ điều gì chúng tôi nói hay làm đều phải thể hiện sự thật” – Sharon nói - “Có những đứa trẻ đến từ các gia đình có bạo lực gia đình và chúng tôi đang phải lập thời gian biểu phù hợp cho những em này”.

Một trong những phụ huynh đã hiểu về công việc vất vả để biến những đứa trẻ khó bảo thành những học sinh ngoan là cô Mel. Con trai Alfie của cô là một đứa trẻ nghịch ngợm, từng khoét những cái hố ở cửa, đấm, đá và thậm chí kéo một người bạn xuống cầu thang. “Con tôi là một cậu bé rất bạo lực, luôn tức giận và không kiểm soát được” – cô Mel nói.

Alfie 7 tuổi khi vào học ở Rosebery và khi sinh nhật lần thứ 9 của cậu đang đến gần, cậu đã trở thành một cậu bé khác. Tuy rằng cậu mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý nhưng giờ đây cậu có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Tới tháng 9 này, Alfie sẽ bắt đầu theo một trường học đặc biệt. “Tôi không biết chúng tôi sẽ ra sao nếu không có trường Rosebery” – mẹ cậu nói.

Ở trường, các thầy cô giáo phải dành nhiều thời gian để điều chỉnh chương trình học quốc gia cho phù hợp với từng đứa trẻ. Những giáo viên ở đây phải làm việc 10 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường, ngoài ra còn phải lên kế hoạch vào các buổi tối, cuối tuần và ngày lễ. Tuy nhiên những sự chuyển đổi có được như ở Alfie khiến những hy sinh này rất đáng giá. “Những đứa trẻ đó là niềm tự hào và niềm vui của chúng tôi. Tôi thường khóc khi các em rời trường đi” – cô giáo Julie tâm sự.

Những buổi chia tay ở trường là nỗi buồn ngọt ngào. Bọn trẻ hiểu rằng các bé sẽ phải tiếp tục tiến lên và coi việc xa rời môi trường quen thuộc này đánh dấu sự trưởng thành của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ