100 ngày tiếp theo của Tổng thống Trump

Nhiều chuyên gia nhận định, 100 ngày cầm quyền sắp tới của Tổng thống Donald Trump có thể chính là “bản sao hoàn hảo” của 100 ngày cầm quyền đầu tiên.

Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence xuất hiện cùng nhau hôm 29-4 đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence xuất hiện cùng nhau hôm 29-4 đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump. Ảnh: AP

Hủy bỏ Obamacare, đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xây dựng bức tường biên giới với Mexico, cắt giảm thuế, xây dựng lại các tuyến đường và sân bay… được xem là những ưu tiên cần phải làm trong 100 ngày cầm quyền tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump cho biết, trong 100 ngày đầu tiên, ông sẽ bãi bỏ Obamacare, bắt đầu xây dựng bức tường biên giới với Mexico, tăng cường huấn luyện các sĩ quan cảnh sát, làm lại NAFTA và tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ... Tổng thống không làm được gì trong danh sách đầy tham vọng này, một phần bởi vì ông không thể vượt ải Quốc hội, chẳng hạn như việc thông qua kế hoạch thuế và cả việc bãi bỏ Obamacare.

Không có vấn đề nào được hiện thực hóa trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền của ông Trump - nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không xảy ra trong 100 ngày tiếp theo. Với những thách thức trong 100 ngày qua, 3 tháng nắm quyền tiếp theo của ông có thể sẽ chính là “bản sao hoàn hảo” của 100 ngày cầm quyền đầu tiên: hứa nhiều làm ít.

Bức tường biên giới Mexico, NAFTA

Dù các nhà đàm phán tại Quốc hội đạt thỏa thuận trong việc phân bổ gói ngân sách trị giá hơn 1.000 tỷ USD nhưng họ từ chối điều khoản cấp tiền cho chính phủ Mỹ xây bức tường biên giới với Mexico, vốn dự tính tiêu tốn hơn 20 tỷ USD.

Trong bối cảnh vấp phải nhiều chỉ trích về việc này, Tổng thống Trump đã rút lui. Nhưng ông chủ Nhà Trắng hứa sẽ xây dựng bức tường biên giới này tại một thời điểm nào đó trong tương lai - dưới một hình thức nào đó - bất chấp sự hoài nghi của nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa của ông. Trên thực tế, ông Trump sẽ phải giải quyết vấn đề tăng cường an ninh biên giới như một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn về nhập cư.

Ngoài bức tường biên giới, mối quan hệ của Mỹ với Mexico còn xoay quanh NAFTA. Sau khi Nhà Trắng lần đầu tiên phát đi tín hiệu trong tuần này về việc sẽ chấm dứt NAFTA, ông Trump phản ứng và nói sẽ chỉ thương lượng lại hiệp định thương mại khổng lồ này với Mexico và Canada. Đây là một nhiệm vụ khổng lồ: Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với cả hai nước láng giềng. Chuỗi cung ứng giữa hai nước có mối liên hệ sâu sắc, vì vậy bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp Mỹ.

Cải cách thuế, chăm sóc sức khỏe

Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ ban hành luật cải cách thuế trong 100 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, trước thềm đánh dấu 100 ngày đầu tiên, ông tuyên bố kế hoạch này đã bị phá vỡ. Trong những tuần tới, có thể ông Trump sẽ hợp tác với Quốc hội để đưa đề xuất này trở thành luật. Ông Trump muốn cắt giảm 35% thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%, nâng mức thuế thu nhập cao nhất dành cho người Mỹ giàu nhất (470.000 USD cho một cặp vợ chồng) lên đến 35% và loại bỏ thuế bất động sản.

Ngoài cải cách thuế, Tổng thống Trump hứa sẽ ký một đạo luật để bãi bỏ Obamacare “ngay lập tức”, cho thấy, ông sẽ làm như vậy trong những ngày đầu tiên của ông trong nhiệm kỳ. Ông đã nỗ lực rất nhiều nhưng lại không thể vượt ải Quốc hội. Và chắc chắn ông sẽ thúc đẩy vấn đề này trong 100 ngày tiếp theo.

Triều Tiên

Nhà Trắng đã phát đi thông điệp sẽ cứng rắn hơn với Triều Tiên. Phó Tổng thống Mike Pence hồi tuần trước nhấn mạnh: “Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt”. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Tổng thống Trump cảnh báo có khả năng xảy ra “xung đột rất lớn” với Triều Tiên.

Trong những tuần và tháng tới, Nhà Trắng sẽ thúc đẩy Trung Quốc chấm dứt các mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên, quốc gia vốn dựa vào gã hàng xóm khổng lồ của mình khoảng 70% tổng thương mại. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Rex Tillerson cảnh báo, Mỹ sẵn sàng hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng nhưng vẫn sẵn sàng đàm phán.

Theo CAĐN

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...