Thế giới phát sốt vì Ebola

5 sân bay lớn ở Mỹ tăng cường kiểm tra hành khách đến từ Tây Phi sau khi một bệnh nhân Ebola tử vong tại nước này

Thế giới phát sốt vì Ebola

Cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh nỗ lực đối phó Ebola sau khi có thêm những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh này tiếp tục lan rộng.

Ca nhiễm tăng theo cấp số nhân

Số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 8-10 cho biết dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 3.900 người trong tổng số 8.033 ca nhiễm bệnh. TS David Nabarro, điều phối viên cấp cao của Liên Hiệp Quốc (LHQ), lo ngại: “Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu vì khi virus Ebola lây lan sang người, nó cũng có khả năng lây lan sang bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì thế, các quốc gia trên thế giới cần hỗ trợ những nước bị ảnh hưởng càng nhanh càng tốt. Số ca nhiễm Ebola ngày càng tăng theo cấp số nhân”.

Thi thể một bệnh nhân tử vong do Ebola được đưa lên xe tải ở thủ đô Monrovia - Liberia Ảnh: AP

Thi thể một bệnh nhân tử vong do Ebola được đưa lên xe tải ở thủ đô Monrovia - Liberia Ảnh: AP

Nỗi lo càng tăng khi xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm Ebola bên ngoài Tây Phi. Nhà chức trách Úc hôm 9-10 xác nhận một nữ y tá 57 tuổi đã bị cách ly tại TP Cairns vì nghi nhiễm Ebola sau khi kết thúc thời gian điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus này ở Sierra Leone. Nữ y tá đã trở về quê nhà hôm 4-10 và được đưa vào bệnh viện sau khi bị sốt nhẹ.

Tại Tây Ban Nha, thêm 3 nhân viên y tế đã được đưa vào bệnh viện để theo dõi Ebola hôm 8-10, trong đó có 2 bác sĩ từng tiếp xúc với một y tá nhiễm Ebola ở nước này. Giới chức Tây Ban Nha cho biết họ đang theo dõi khoảng 50 người khác - hầu hết là nhân viên y tế, những người đã tiếp xúc với nữ y tá vừa nêu - như một biện pháp đề phòng.

Trong khi đó, nước Mỹ hôm 9-10 ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Ebola. 5 sân bay lớn ở nước này lập tức cho biết sẽ bắt đầu kiểm tra thân nhiệt của các hành khách đến từ Guinea, Liberia và Sierra Leone - 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola.

Mỹ, Anh hỗ trợ

Trong ngày 9-10, các nhà lãnh đạo của Guinea, Liberia và Sierra Leone đã có cuộc gặp với người đứng đầu LHQ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) để thảo luận về nỗ lực đối phó Ebola. Cả 3 nước Tây Phi này đều đang tìm kiếm thêm trung tâm điều trị, thiết bị bảo vệ, tiền trả cho nhân viên y tế. Ngoài ra, họ còn kêu gọi sự hỗ trợ tài chính khi dịch Ebola đang làm suy yếu kinh tế và cạn kiệt ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng hối thúc các quốc gia đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực chung ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola nhưng không phải bằng cách đóng cửa biên giới hoặc cấm các chuyến bay tới khu vực Tây Phi mà ngược lại. Điều đó có nghĩa phải mở cửa biên giới và tăng các chuyến bay chở bác sĩ, chuyên gia y tế, hàng viện trợ và thuốc men tới khu vực này. “Ebola là cuộc khủng hoảng toàn cầu, vì vậy chúng ta cần phải có hành động phản ứng khẩn cấp” - ông Kerry nói.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, Lầu Năm Góc đã gửi 100 lính thủy đánh bộ cùng 6 máy bay đến Liberia. Anh cũng quyết định cử 750 binh lính, 1 tàu y tế và 3 máy bay trực thăng Merlin tới Sierra Leone. Ngoài ra, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bổ nhiệm 3 nhân vật làm việc với chính phủ các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone để bảo đảm một phản ứng quốc tế nhanh chóng, hiệu quả đối với “cuộc khủng hoảng Ebola”.

Hãng tin Reuters dẫn lời TS Nabarro cho rằng dịch Ebola có thể được ngăn chặn nếu cộng đồng quốc tế nhanh chóng xây dựng các trung tâm điều trị tại 3 nước Tây Phi nêu trên, đồng thời đưa nhân viên y tế đến đó giúp đỡ.

“Thảm họa” nếu phản ứng chậm trễ

WB hôm 8-10 cảnh báo nếu dịch Ebola lan sang một số nền kinh tế lớn của châu Phi, thiệt hại về tài chính tại lục địa này có thể lên đến 32,6 tỉ USD vào cuối năm 2015. Báo cáo của WB nhấn mạnh tác động của Ebola đối với kinh tế 3 nước Guinea, Liberia, Sierra Leone là “rất nghiêm trọng” và sẽ trở thành “thảm họa” nếu phản ứng chậm trễ.

WB cũng nhận định rằng Nigeria và Senegal đã thành công trong việc khống chế Ebola. Điều này chứng tỏ dịch bệnh có thể được ngăn chặn nếu có chính sách đúng đắn và hệ thống y tế hiệu quả.

Theo Người Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.