Thế giới ngày càng bất ổn trước mâu thuẫn Nga – Mỹ

GD&TĐ - Sau những cáo buộc Nga hỗ trợ chính quyền Syria trong vụ tấn công hóa học dân thường mà Mỹ và phương Tây cho rằng do Damascus thực hiện (dẫn đến cuộc trả đũa bằng tên lửa của liên quân Mỹ - Anh – Pháp hôm 14/4), Mỹ đã lên tiếng tuyên bố đang cân nhắc những chế tài bổ sung để trừng phạt Nga. 

Thế giới ngày càng bất ổn  trước mâu thuẫn Nga – Mỹ

Đáp lại, Điện Kremlin cũng khẳng định sẽ đáp trả lệnh trừng phạt Mỹ bằng các biện pháp “chính xác, gây đau đớn”.

Con dao hai lưỡi

Cụ thể hôm 18/4 theo giờ Moscow, bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Thượng viện Nga, đã lên tiếng cảnh báo: “Sự đáp trả của Nga đối với các biện pháp trừng phạt, mà chúng tôi gọi là phản trừng phạt, sẽ chính xác, gây đau đớn và chắc chắn sẽ tương ứng chính xác với những quốc gia áp đặt các biện pháp chế tài đối với Nga”.

Hãng tin Interfax dẫn lời bà Matvienko: “Trừng phạt là con dao hai lưỡi và những người dùng đòn trừng phạt nên nhớ rằng các biện pháp trừng phạt đối với các nước, đặc biệt là những nước như Nga, đi kèm với những nguy cơ, là sẽ có hậu quả nghiêm trọng cho chính những bên áp dụng chúng”. Cuối cùng, bà nhấn mạnh, như một lời nhắn nhủ tới Nhà Trắng và các đồng minh: “Đừng có ai đó nuôi ảo tưởng”.

Không chỉ dọa suông, nguồn tin báo chí cho biết các nhà lập pháp ở Hạ viện Nga đã soạn luật cho phép chính phủ Nga cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ, từ thuốc men cho đến phần mềm và động cơ tên lửa. Tuy nhiên, không có thông tin về việc liệu Điện Kremlin có ủng hộ các biện pháp trên hay không.

Trước đó, vào rạng sáng 17/4 theo giờ Việt Nam, Nhà Trắng ra thông báo cho biết đang xem xét việc tăng cường trừng phạt đối với Nga, liên quan đến nghi án tấn công bằng khí độc tại Syria, nhưng chưa có quyết định cụ thể về chế tài cũng như thời điểm thực hiện.

Dù phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders không cho biết lý do áp đặt thêm chế tài, nhưng vào hôm 15/4, bà Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã nêu rõ Hoa Kỳ đang chuẩn bị những chế tài mới đối với Nga vì Nga đã ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nếu chế tài của Mỹ được công bố, đây sẽ là loạt đòn trừng phạt thứ hai trong vòng một năm qua, nhằm chống lại chương trình vũ khí giết người hàng loạt của Syria mà Nga phải gánh chịu, với lý do hỗ trợ cho ông Assad – Tổng thống hợp pháp của Syria nhưng không được Mỹ và phương Tây hoan nghênh.

Ông Trump muốn gột rửa tai tiếng “thân Nga”?

Nên biết chỉ mới hồi đầu tháng này, Hoa Kỳ đã bổ sung thêm một số công ty và quan chức Nga vào danh sách đen để đáp trả điều mà Hoa Kỳ gọi là “các hoạt động xấu độc” của Điện Kremlin, phần nhiều liên quan đến nghi vấn Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh, dẫn đến khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh giữa Nga và các nước phương Tây.

Đợt trừng phạt nêu trên được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 6/4, với các chế tài được áp dụng cho 38 cá nhân và công ty của Nga trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt mà các quan chức chính quyền cấp cao gọi là “phản ứng lại các hoạt động phá hoại thâm hiểm của Nga” trên khắp thế giới.

Các biện pháp trừng phạt này áp dụng đối với 7 nhà tài phiệt Nga – trong đó có ông Oleg Deripaska, một nhà tài phiệt ngành nhôm và thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin - và 12 công ty do các nhà tài phiệt này sở hữu hoặc kiểm soát. Ngoài ra còn có 17 quan chức chính phủ Nga, cũng như một công ty kinh doanh vũ khí do nhà nước sở hữu cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Theo các biện pháp trừng phạt nói trên, tất cả tài sản của các nhà tài phiệt Nga nằm trong quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng, và công dân Hoa Kỳ bị cấm “giao dịch kinh doanh” với các đối tượng bị chế tài. Bất kỳ ai sở hữu từ 50% trở lên tài sản của các nhà tài phiệt này cũng sẽ bị chế tài.

Song hành với các chế tài này là việc Nhà Trắng trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga để trừng phạt vụ đầu độc điệp viên hai mang ở London. Ít ngày sau lại diễn ra cáo buộc đầu độc dân thường ở Syria, ông Trump đã nêu đích danh Nga để chỉ trích rằng đứng sau chính phủ “giết người” Syria. Sau đó thì ai cũng biết, bất chấp đe dọa trả đũa của Nga và Iran, tên lửa của Mỹ cùng Anh và Pháp dội lửa xuống Syria…

Xem ra, ông Trump đang cố gắng để chứng minh những cáo buộc thân Nga của ông là hoàn toàn sai lầm. Vấn đề ở chỗ những đòn trừng phạt và chỉ trích sẽ leo thang tới đâu thì không ai dám chắc, trong khi thế giới ngày càng thêm bất ổn vì mâu thuẫn khó hàn gắn giữa hai “ông lớn” này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.