Thầy trò vùng ATK khắc phục khó khăn trước năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024 đang đến gần, các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới.

Thầy trò vùng khó ATK nỗ lực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới.
Thầy trò vùng khó ATK nỗ lực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới.

Tạo cảnh quan, môi trường thân thiện sạch đẹp

Quy Kỳ là xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc tộc số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với trên 90% người dân tộc thiểu số, đời sống vật chất tinh thần và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thầy và trò vùng căn cứ cách mạng kháng chiến (ATK) xưa kia đã và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng bước vào năm học mới.

Cô giáo Chu Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Quy Kỳ, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học 2023 – 2024, trường có 11 nhóm lớp với 239 học sinh, trường có 1 điểm chính và 1 điểm lẻ. Chỉ còn một vài ngày nữa là tới Lễ khai giảng năm học mới, để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để đón trẻ đến trường nhà trường đã rà soát phòng học, trang thiết bị vệ sinh của lớp.

Tất cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cố gắng, sắp xếp, trang trí phòng học sao cho đẹp, thu hút ánh nhìn của trẻ, tạo được môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, muôn sắc màu tạo ấn tượng, niềm vui và tâm thế thoải mái cho trẻ khi đến lớp.

Theo cô Thoa, đối với lứa tuổi các bé mầm non thì trang trí, sắp xếp môi trường học tập cho trẻ là một khâu rất quan trọng, nhằm kích thích trẻ tư duy, chủ động, tích cực tìm tòi, khám phá, trải nghiệm thế giới xung quanh.

Ở trường mầm non sau mỗi chủ đề giáo dục thì các lớp được sắp xếp, trang trí với những hình ảnh đẹp, ngộ nghĩnh, dễ thương, có nhiều trò chơi thú vị và có nhiều hoạt động làm các bé thích thú khi đến lớp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ giúp cho nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ năm học và tạo sự an tâm cho phụ huynh khi gửi gắm con em vào trường.

Chia sẻ về những khó khăn trước thềm năm học mới, cô Thoa cho rằng năm học tới trường bắt đầu thực hiện chương trình GDPT 2018 và ứng dụng steam, tuy nhiên cơ sở vật chất ở điểm trường lẻ chưa đồng bộ, bên cạnh đó giáo viên mầm non với đặc thù phải chăm sóc lứa tuổi nhỏ nhất nên các cô phải dành nhiều thời gian, phụ cấp còn hạn chế nên đời sống của nhiều giáo viên còn vất vả.

Cô giáo Hà Thị Vân Huyền trường mầm non Quy Kỳ, huyện Định Hoá chia sẻ: Mặc dù được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở trường lớp học ngày càng được đầu tư khang trang, thiết bị dạy học được cấp phát khá đầy đủ, tuy nhiên đối với giáo viên mầm non do dành toàn thời gian công tác tại trường, nên các thầy cô đều mong sẽ có thêm phần hỗ trợ trực trưa, để yên tâm công tác.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra cơ sở vật chất khu vực bếp ăn trường Mầm non Quy Kỳ, huyện Định Hoá.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra cơ sở vật chất khu vực bếp ăn trường Mầm non Quy Kỳ, huyện Định Hoá.

Khắc phục khó khăn sẵn sàng bước vào năm học mới

Cô giáo Ma Thị Hồng Yến Hiệu trưởng trường tiểu học Quy Kỳ, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Để bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, ngay sau khi học sinh nghỉ hè, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các trường nhanh chóng triển khai thực hiện.

Triển khai Tiểu dự án 1 Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư nâng cấp, trang thiết bị được cấp phát đầy đủ. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo sát sao từ phía lãnh đạo địa phương, phòng GD&ĐT và sự đồng thuận của phụ huynh, trường đã thực hiện thành công dồn ghép điểm trường, hiện trường có 27 giáo viên và thiếu 1 giáo viên tin học, thiết bị dạy học cấp phát tương đối đầy đủ với 11/15 lớp có tivi, đường mạng được lắp đặt đầy đủ, các lớp đều được kết nối để triển khai thực hiện việc dạy học.

Tuy nhiên, bước vào năm học mới trường còn một số khó khăn như: Phòng tin học đã đưa vào sử dụng từ năm 2017, với 20 chiếc máy tính, hàng năm trường đã tu sửa, đến hiện tại chỉ còn 12 máy sử dụng được, nhưng vẫn chậm yếu, học sinh phải dùng chung 3 – 4 em một máy tính. Do đó, nhà trường cũng mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đầu tư từ các cấp để có đủ máy tính cho học sinh học tập.

Đối với việc thiếu giáo viên dạy môn tin học, Phòng Giáo dục cũng đã đề xuất bù lấp giáo viên bằng cách bổ sung giáo viên dạy liên trường, tuy nhiên nhà trường cũng mong muốn trong năm học tới, trường sẽ có thêm biên chế giáo viên môn học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.