Học mới ôn cũ song song
Cô Lê Thị Bích Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho hay, toàn trường đang có tổng số 1.163 học sinh; riêng khối 9 có 290 em. Hiện nay, song song với việc hoàn thành chương trình theo thời khóa biểu, các giáo viên đang tăng cường khâu ôn tập cho các em cuối cấp theo hướng dẫn của thành phố để đạt hiệu quả cao nhất.
Là giáo viên Toán khối 9 của trường, cô Lưu Thị Nguyệt Minh chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của ban giám hiệu, thầy cô sẽ tăng cường các tiết học ôn tập theo chủ đề, đầu giờ truy bài hoặc cuối giờ để hỗ trợ về kiến thức, các kĩ năng làm bài cho học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để mỗi tối sẽ nhắc nhở, kiểm tra bài vở của các em. Nếu có học sinh chậm tiến bộ, cô sẽ cho ở lại cuối buổi để kèm và hỗ trợ cho đến khi xong công việc.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm trong một giờ học trên lớp. |
"Thực tế tại trường cho thấy, đa số phụ huynh rất phối hợp với giáo viên trong quản lý, nhắc nhở con cái. Đây là thời điểm quan trọng, các em cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10, thầy cô làm hết việc chứ không hết giờ nên nhiều giáo viên cũng hay về muộn tới 7 - 8h tối. Thời điểm này, các thầy cô tăng cường luyện đề cho các em theo dạng đề ở các năm trước để học sinh hiểu được cấu trúc, cách làm đề để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới" - cô Lê Thị Bích Thúy nhấn mạnh.
Còn tại Trường THCS Phú Cường (huyện Ba Vì), dù sĩ số học sinh thấp khi chỉ có 73/291 học sinh khối 9 đang theo học, nhà trường cũng có kế hoạch ôn luyện cho các em ngay từ đầu năm học.
Thầy trò cùng tăng tốc ôn luyện sẵn sàng cho thi vào lớp 10. |
Cô Nguyễn Thị Hải Hằng - Hiệu trưởng trao đổi: Thời điểm này, nhà trường tiến hành ôn tập thêm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho các em vào buổi chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Đa số học sinh là con em thuần nông, một số gia đình lao động tự do, lao động nước ngoài nên chưa thực sự sát sao, quan tâm đến việc học tập của con cái.
Trong bối cảnh đó, thầy cô giáo phải động viên các em học tập và đồng hành. Ban giám hiệu lên lớp cùng giáo viên để dạy và chấm chữa bài cho các em lớp 9. Ngoài ra, tiến hành rèn các dạng đề những năm gần đây của Hà Nội cũng như một số tỉnh/thành khác, cho học sinh làm đi làm lại để biết cấu trúc đề thi. Nhờ đó, thầy trò cùng nhau hệ thống hóa lại các kiến thức đã học, hướng dẫn học sinh cách thức làm bài.
Rèn luyện kỹ năng làm bài
Hiện tại, Trường THCS Sơn Tây đang hoàn thành chương trình theo thời khóa biểu các môn học để tập trung ôn luyện cho học sinh khối 9. |
Đang có 21 lớp với tổng số 950 học sinh, Trường THCS Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây), hiện tại cả 4 khối đều đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ 2 năm học 2022-2023. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết, các thầy cô đang tiến hành chấm bài, vào điểm để chuẩn bị cho báo cáo cuối năm, bế giảng năm học. Chương trình chính khóa thực hiện đến hết ngày 19/5.
Bên cạnh đó, với học sinh khối 9 thì được hoàn thành điểm sớm hơn để các em có kết quả đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. Ngày 28/4, các trường đã phải hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 để báo cáo lên Phòng GD&ĐT thị xã theo lịch của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhà trường vẫn đang tập trung triển khai ôn luyện cho học sinh cuối cấp để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng trong tháng 6 tới.
Cô Nguyễn Thị Hải Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường trực tiếp đứng lớp ôn luyện cho các em khối 9. |
Về cách ôn luyện hiệu quả, cô Nguyễn Thị Hải Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường (huyện Ba Vì) cho rằng, việc ôn tập bám sát chương trình từ những kiến thức cơ bản là điều vô cùng quan trọng, bởi cấu trúc bài thi luôn có sự phân hóa phù hợp đối với các nhóm năng lực khác nhau của học sinh.
Tuy nhiên, giữa các câu khó và câu dễ không có sự chênh lệch quá lớn về điểm số, mức độ cơ bản chiếm từ 50 – 70% cấu trúc bài thi, nếu lơ là với những kiến thức cơ bản sẽ đánh mất phần lớn số điểm bài thi. Nhiều học sinh có tâm lý sợ những câu khó nên chỉ tập trung ôn những kiến thức nâng cao, xao nhãng các kiến thức cơ bản nên dễ bị mất điểm bài thi một cách đáng tiếc. Do đó, các em cần có định hướng và kế hoạch ôn tập rõ ràng.
"Về công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 9, hàng năm nhà trường đều tổ chức tư vấn hướng nghiệp để các em có nhiều hướng đi. Học sinh có thể vào lớp 10 công lập hay tư thục, GDTX hoặc đi học trung cấp, cao đẳng nghề để giảm áp lực học tập cho các em và gia đình. Địa phương cùng vào cuộc tuyên truyền để phụ huynh hiểu được sức học của con, từ đó tự lựa chọn con đường học tập phù hợp với năng lực học sinh" - cô Nguyễn Thị Hải Hằng cho hay.