Thầy trò dồn sức ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Trường THPT ở Bắc Giang đẩy mạnh ôn tập giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tới đây.

Học sinh Bắc Giang tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (TL).
Học sinh Bắc Giang tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (TL).

Dạy học, ôn tập phù hợp

Đến thời điểm này, 409 học sinh khối 12 trường THPT Lục Ngạn số 3 (huyện Lục Ngạn) đang bước vào giai đoạn ôn tập nước rút của học kỳ 2 (năm học 2022 -2023).

Thầy Đồng Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 3 cho biết, việc ôn tập được thầy trò nhà trường chú trọng ngay từ đầu năm học cùng với chương trình học tập. Đặc biệt, từ đầu học kỳ 2 đến tháng 5/2023 là giai đoạn nước rút ôn tập kiến thức cốt lõi, từ 10/5 - 20/6 là giai đoạn củng cố kiến thức và rèn kỹ năng làm bài thi.

"Cùng với lựa chọn giáo viên có tinh thần trách nhiệm và chuyên môn khá, giỏi nhiều kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp, trường THPT Lục Ngạn số 3 cũng đổi mới phương pháp dạy và học. Qua đó nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, rèn phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh...", thầy Thắng chia sẻ.

Theo thầy Thắng, sau 3 lần tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12, so sánh đối chiếu kết quả học tập các đợt kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh. Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy và ôn tập phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, nhà trường chú ý học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT để tăng cường bồi dưỡng.

Thầy Đồng Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 3 chia sẻ về công tác ôn tập học sinh lớp 12.

Thầy Đồng Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 3 chia sẻ về công tác ôn tập học sinh lớp 12.

Để giúp học sinh ôn tập tốt hơn, trường THPT Lục Ngạn số 3 xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học. Đồng thời, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.

"Dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học và đối tượng học sinh. Nhà trường chú trọng bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và giúp đỡ học sinh còn yếu...", thầy Thắng nhấn mạnh.

Được biết, ngay trong học kỳ 2, trường THPT Lục Ngạn số 3 đã lập danh sách có năng lực yếu kém theo từng môn. Từ đó, giao cho giáo viên bộ môn giảng dạy ở lớp đó lên kế hoạch và phụ đạo cho học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp tổ chuyên môn kiểm tra sát sao việc bồi dưỡng và kết quả thực hiện đối với nhóm học sinh này.

Em Lê Quang Vinh - lớp 12A1 (trường THPT Lục Ngạn số 3) cho biết, được thầy cô cho ôn luyện thật kỹ kiến thức trong sách giáo khoa kết hợp việc đọc thêm tài liệu từ bên ngoài, học đến đâu nắm chắc đến đó. "Có hiểu một cách bản chất, chắc chắn kiến thức sách giáo khoa thì mới có thể vận dụng tốt nhất vào bài thi...", Quang Vinh đặt quyết tâm.

Quang Vinh cũng cho biết, thầy cô cũng hướng dẫn phân bổ giờ học, ngày học cho phù hợp để đạt hiệu quả nhất. "Bố mẹ và các thầy cô thường xuyên nhắc nhở ăn ngủ điều độ, giữ tâm thế thoải mái để khỏe, ôn thi đạt hiệu quả cao...", Quang Vinh chia sẻ.

Chú trọng hướng nghiệp

Phó Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 3 Đồng Văn Thắng cũng cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp của nhà trường trong những năm qua luôn đạt 100%, trong đó có khoảng 30% học sinh nhà trường vào các trường Đại học, Cao đẳng số còn lại đi học nghề và đi làm.

Học sinh lớp 12A1 trường THPT Lục Ngạn số 3 tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tới đây.

Học sinh lớp 12A1 trường THPT Lục Ngạn số 3 tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tới đây.

Bởi vậy, ngay sau khi các trường Đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trường THPT Lục Ngạn số 3 tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. "Nhà trường nắm bắt chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh của các trường đại học. Đồng thời xác định nhu cầu sử dụng của xã hội đối với các ngành nghề để tư vấn, hướng dẫn cho các em tìm hiểu ngành nghề đào tạo cho phù hợp...", thầy Thắng nói và cho biết nhà trường cũng mời các trường Đại học, Cao đẳng về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Là giáo viên phụ trách bộ môn Lịch sử, thầy Hồ Quốc Hòa - GV bộ môn Lịch sử (trường THPT Lục Ngạn số 3) cho biết, khoảng 80% học sinh khối 12 nhà trường theo tổ hợp xã hội thi tốt nghiệp. Cùng với giảng dạy, giáo viên bộ môn cũng chủ động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn mục tiêu học tập và cơ hội nghề nghiệp sau khi vào Đại học, Cao đẳng.

"Tháng 5 và 6 được coi là thời gian nước rút ôn tập. Việc xét tuyển vào các trường đại học hiện nay không còn quá áp lực với học sinh bởi cơ hội học tập rất nhiều. Tuy nhiên để lựa chọn ngành, trường học phù hợp đúng với năng lực sở trường và nhu cầu xã hội thì vẫn đang là bài toán khó...", thầy Hòa bày tỏ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh, ôn tập cho học sinh lớp 12 là nhiệm vụ xuyên suốt của các trường THPT được thực hiện ngay từ đầu năm học. Ban giám hiệu các nhà trường lựa chọn những giáo viên có chất lượng chuyên môn, uy tín, phẩm chất, năng lực tốt và kinh nghiệm để giảng dạy cùng ôn tập cho học sinh lớp 12.

"Từ việc dạy học kiến thức chương trình đến ôn tập là khắc sâu kiến thức với tinh thần học đến đâu thì vững chắc đến đó. Tất cả học sinh đều được trang bị những kiến thức nền tảng cốt lõi nhất...", ông Bạch Đăng Khoa lưu ý.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng nhấn mạnh, các trường chú trọng việc kiểm tra, giám sát, phân loại đối tượng học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hơn, đặc biệt là học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng phân luồng, hướng nghiệp bởi có khá nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không đi học lên Đại học, Cao đẳng mà chọn học nghề bằng, cao đẳng nghề cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm.

Sở GD&ĐT Bắc Giang tổ chức 2 kỳ thi thử chính thức, dịp cuối tháng 3/2023 là để rà soát tổng thể lại kiến thức cho học sinh lớp 12. Qua đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh biết năng lực học tập của các em để kịp thời điều chỉnh. Kỳ thi thử thứ 2 là sau khi đã có số báo danh, phòng thi để học sinh củng cố kiến thức, rèn thêm kỹ năng làm bài.

"Với 2 kỳ thi thử chính thức được Sở tổ chức bài bản. Bên cạnh đó, tổ chuyên môn và đặc biệt là chuyên viên phụ trách các bộ môn của Sở thường xuyên có những bộ đề để các nhà trường đưa ra cho học sinh làm và rèn luyện. Học sinh được trang bị kiến thức và trải qua vòng ôn tập, thi thử của trường, Sở trước đó sẽ tự tin làm bài thi tốt…", ông Bạch Đăng Khoa tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.