Trong khoảng thời gian ấy, tôi có thử việc cho tờ báo ở Vinh nhưng không thành, rồi về làm nhân viên ở khách sạn Xanh – Cửa Lò.
Thế rồi, tôi được chú Phúc – một người bạn lính thân thiết của bố tôi, cho biết thông tin Trường Nghi Lộc 2 đang cần tuyển thêm giáo viên. Sau đó, đích thân chú dẫn tôi đến nộp hồ sơ cho thầy Ngô Trí Sỹ – khi ấy đang là quyền hiệu trưởng.
Trên đường đi, tôi cứ hồi hộp tưởng tượng, nhà thầy hiệu trưởng chắc phải to đẹp lắm và không biết khi gặp thầy có gây khó dễ gì không… Nhưng khi đến nơi, hiện ra trước mắt tôi là một căn nhà nhỏ cấp bốn (sau này, tôi mới biết từ căn nhà nhỏ đơn sơ ấy thầy đã nuôi dạy cả bốn người con ăn học thành tài) có khu vườn trồng rất nhiều loại rau. Và đặc biệt, tôi ấn tượng về hình ảnh một người thầy giản dị, dễ gần đến xuề xòa. Thầy xem hồ sơ, biết tôi từng đi lính, có bố cũng là thương binh từng tham gia các trận đánh ác liệt ở thành cổ Quảng Trị nên dường như thầy càng quý tôi hơn. Trong suốt buổi chuyện trò, lúc nào cũng thấy thầy cười một cách tự nhiên, ấm áp, miệng nhai trầu móm mém. Thầy kể về bề dày thành tích của trường, về bản thân cũng là một người lính từng vào sinh ra tử với niềm say mê, tự hào…
Hơn một tháng sau, thầy Sỹ gọi điện hẹn tôi ngày lên trường ký hợp đồng và nhận quyết định. Lần thứ hai gặp thầy ở trường vẫn vẹn nguyên cảm giác như lần đầu tiên - ấm áp, chân tình, cởi mở. Lần này, thầy trao đổi thêm với tôi về vấn đề chuyên môn. Thầy căn dặn, chỉ bảo tôi cách soạn giáo án, chuẩn bị một số tiết dạy để tuần sau có thể lên lớp luôn.
Thầy về hưu. Nhiều đồng nghiệp thấy trống trải, nhớ thầy – nhớ dáng người nhỏ bé, nhớ giọng nói, nụ cười hiền hậu. Nhớ đến thầy hiệu trưởng gần gũi, bao dung (dường như tôi chưa thấy thầy giận ai lâu); nhớ đồng nghiệp lúc nào cũng dí dỏm, lạc quan… Về hưu rồi nhưng thi thoảng vào dịp lễ 20/11 thầy vẫn đến thăm trường, thăm đồng nghiệp.
Dịp gần nhất thầy đến thăm trường là nhân kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22/12. Dịp đó, tôi được nhà trường phân công tổ chức chương trình cho buổi lễ. Tôi đã nghĩ ngay đến việc mời thầy tham gia buổi nói chuyện với học trò để ôn lại những năm tháng không thể nào quên. Khi tôi đến nhà, mặc dù sức khỏe thầy không tốt nhưng biết tin thầy vẫn rất vui vẻ nhận lời. Trong buổi chuyện trò hôm sau, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đầy cảm động trong cuộc đời binh nghiệp của thầy. Trong đó, xúc động nhất vẫn là câu chuyện đầy ân tình sau…
“Tôi khắc sâu ân tình của một người bạn Lào đã góp phần cứu sống mình, trong một trận chiến đấu tại thị xã Không Xê Đôn, cạnh đường 13, Nam Lào. Tháng 6/1972, đơn vị tôi đánh vào bản Na-ca-đao cạnh ngã ba Thăng bèng (trên đường 13). Địch bố phòng lực lượng mạnh, quyết giữ hai vị trí chiến lược này, để thông đường 13. Đơn vị quyết định đánh trận cuối, nhằm nghi binh địch, rồi rút quân sang bên kia sông, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho chiến dịch tới. Tôi bị thương, máu ra nhiều, đi lại khó. Mất liên lạc với đồng đội, đơn vị đã tổ chức tìm tôi nhiều lần, nhưng không gặp. Đêm tối, mất phương hướng, phía nào cũng nghe súng nổ và hầu như đều có địch. Tôi nằm im chờ sáng. Người bị thương ra nhiều máu thì khổ nhất là khát nước. Cách đó mươi mét, một cây chuối rừng trổ hoa đỏ tươi. (Nên nhớ, chuối rừng hoa đỏ như màu cờ, chứ không đỏ nhạt như chuối ta. Lúc này, tôi mới hiểu câu thơ của Tố Hữu “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” (Việt Bắc). Tôi lê đến bên cây chuối và dùng răng cắn vào thân cây. Một cảm giác mát lạnh, sung sướng, khi nước chuối thấm vào miệng. Lúc sau, cây chuối đổ. Hoa chuối cách chỗ tôi nằm gần chục mét. Lại phải cố sức trườn đến chỗ đó. Ăn hết hoa chuối, thoải mái vô cùng, vừa no bụng vừa đỡ khát, lại sức được phần nào. Sau đó, tôi lết đi tìm những “bao gạo - cơm” (Thứ gạo được sấy chín, khi cho nước lạnh vào là thành cơm), của địch bỏ lại, để ăn.
Thầy Ngô Trí Sỹ tham gia nói chuyện giáo dục truyền thống nhân ngày 22/12/2023 tại Trường THCS Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: NVCC |
Chờ tối, tôi đánh liều vào nhà dân ở bản gần đó, gặp cụ già và nói rằng: “Con bị thương, lạc đơn vị, nhờ bố đưa qua bên kia sông”. Cụ già hoảng hốt, chỉ bốn hướng và nói nhỏ với tôi: “Địch rất đông, có công sự, chúng đi tuần thường xuyên”. “Bố đừng sợ, con còn có súng, có đạn và lựu đạn, chúng ta sống chết có nhau. Giờ, cùng xuống sông, lấy thuyền, bố con mình bơi qua bên kia”. “Không được con ơi! Hồi chiều, địch đã gom tất cả thuyền của dân, dùng dây thép buộc chặt, không lấy ra được?”. “Ta cùng đến đó xem sao!” (Tất nhiên là ra mật hiệu và thì thầm bằng tiếng Lào. Anh lính nào cũng phải tích cực học tiếng Lào để làm công tác dân vận và xin ăn).
Tôi và ông lão trườn xuống sông. Đúng là địch đã buộc các thuyền với nhau bằng dây thép chắc chắn. Chúng tôi dùng hết sức dún đi, dún lại nhiều lần, rồi cũng bẻ gãy được dây thép, lấy một thuyền ra. Hai người nằm lên thuyền ba lá, dùng bốn cánh tay làm bơi chèo khuấy nước, từ từ qua sông. Cách bờ bên kia dăm mét, địch quyét đèn, phát hiện được chúng tôi. Hàng tràng các kiểu đạn vây kín con thuyền. Tôi nhào xuống sông, lặn xa chỗ đó, mặc cho đạn thù xối xả. Cụ già cũng quẫy nước mất hút. Địch hết bắn, tôi lợi dụng bụi cây sà xuống mặt sông, cố nhoài người trườn lên bờ. Rất may, gặp đường dây hữu tuyến của đơn vị thông tin. Thế là thoát chết! Chắc chắn sẽ gặp cánh lính đi cuốn dây. Nằm đè lên dây điện, nhưng lại sợ quân mình tưởng địch, bất thần nổ súng thì nguy. Dây động đậy, tôi nhanh chóng nằm dựa vào gốc cây, ra mật hiệu. Lính thông tin nhận ra quân mình qua mật khẩu, chạy đến và nói với tôi: “Anh chờ đấy, em đi cuốn dây, chốc nữa sẽ có đội vận tải đến đưa anh về trạm phẫu”. Một giờ sau, tôi được khiêng về điều trị ở bệnh viện dã chiến tiền phương. Chẳng biết cụ già có mệnh hệ gì. Tôi nhiều lần hỏi thăm nhưng không ai biết. Tôi lúc đó đã quên không kịp hỏi tên cụ, sau này cứ ân hận mãi. Nếu không may cụ bị hy sinh thì nhân dân Lào ghi nhớ công lao một người vô danh, đã cứu sống một bộ đội Việt. Tôi chỉ mong được một lần thăm lại chiến trường xưa. Tôi sẽ đến nơi này, để tìm gia đình cụ, để trọn đời nhớ nghĩa cưu mang của người dân nước bạn”.
Ban Giám hiệu Trường THPT Nghi Lộc 2 chúc mừng thầy Ngô Trí Sỹ nhân buổi nói chuyện về truyền thống Quân đội Việt Nam. Ảnh: NVCC |
***
Cách đây mấy tháng, vào một buổi sáng trống tiết, tình cờ đọc lời động viên của một học trò cũ đăng trong nhóm giáo viên của trường, bây giờ cũng là một đồng nghiệp, tôi mới hay bệnh thầy trở nặng hơn phải chuyển ra bệnh viện tuyến trên điều trị. Tôi gọi điện cho thầy, vẫn vậy, thầy cười khà khà (dù rằng tôi biết thầy đã yếu hơn trước rất nhiều), chưa kịp nói gì thầy đã hỏi thăm nào gia đình, vợ con, nào chuyện viết lách… Và thầy bảo, dự định lần này khỏe bệnh sẽ cùng tôi viết một bài báo, về những kỉ niệm đẹp với trường để chuẩn bị kỉ niệm ngôi trường 60 tuổi. Tôi nghe giọng thầy phấn khởi, lạc quan khi nhắc đến dự định ấy. Tôi hiểu niềm vui của thầy khi nghĩ về mái trường mà thầy đã cống hiến, hi sinh tuổi xuân, gắn bó trọn đời. Tối ấy về, tôi có viết bài thơ nhỏ đăng lên Facebook tặng thầy với mong muốn thầy sẽ giữ mãi sự lạc quan để vượt qua bệnh tật. Con trai thầy đọc được có nhắn cho tôi: “Cám ơn thầy Ánh đã động viên ba tôi, một liều thuốc tinh thần trong thời khắc nghiệt ngã…”. Tôi có nhắn hỏi cụ thể thêm về bệnh tình của thầy, anh nói cho tôi biết… và dặn tôi đừng cho ai biết thông tin…
Đêm về khuya tĩnh lặng nghe rõ tiếng tích tắc từng giây của chiếc đồng hồ nhỏ, tôi có cảm giác vẫn vẹn nguyên phút đầu tiên gặp thầy – gần gũi, lạc quan, dí dỏm. Cúp máy từ hồi sáng mà trong tôi giờ đây vẫn còn hiện hữu nụ cười hiền hậu, ấm áp từ thầy. Ốm đau, bệnh tật sẽ không làm thầy gục ngã phải không thầy? Tôi tin thầy sẽ đủ mạnh mẽ vượt qua bạo bệnh như thầy từng vượt qua những lần sinh tử nơi chiến trường để trở về trong chiến thắng, trở về trong nụ cười gieo vào lòng biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp ở mái trường xưa…