Thầy chủ nhiệm

GD&TĐ - Chỉ còn vài năm nữa, thầy Nhân sẽ nghỉ hưu, con đường quen thuộc thầy vẫn cần mẫn đi, về sớm hôm, sẽ trôi vào kỷ niệm...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

- Thầy Nhân ơi, ra đưa học sinh lớp thầy vào. Nhanh lên, kẻo tôi cũng không giữ được đâu.

Phía điện thoại bên kia, bác bảo vệ dường như đang gấp gáp.

Mới đầu giờ sáng, thầy Nhân vừa đến trường đang trong phòng Hội đồng chờ đến giờ lên lớp. Nghe bác bảo vệ gọi, dù tay còn đang cầm chén nước chè, thầy đành bỏ dở đi ra cổng.

Thầy Nhân đã hơn 50 tuổi, dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Thầy làm việc đầy trách nhiệm và luôn chỉn chu. Chưa bao giờ thầy cho phép mình ăn mặc xuề xòa trước học trò.

Sự chỉn chu cũng thể hiện trong cả những cuốn vở của học sinh lớp thầy dạy, phải được giữ gìn sạch sẽ, trình bày bằng những màu mực khác nhau. Mực đỏ để ghi đầu bài và ý chính. Màu mực đen hoặc xanh ghi nội dung bên trong. Thầy bảo học trò, khi trình bày như vậy, phần ghi chép đã là một dàn ý đầy đủ, giúp các em tiếp thu bài nhanh chóng.

Sát giờ vào lớp, cổng trường không còn học sinh. Từ xa, thầy Nhân thấy bác bảo vệ và Nga đang gắng kéo chiếc xe đạp về phía mình.

Nga là học sinh lớp 10A8, lớp thầy Nhân chủ nhiệm. Nghe kể năm học cấp hai Nga học rất giỏi, em thường có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Nhưng không hiểu vì lý do gì, càng gần ngày thi cấp ba, Nga càng có những biểu hiện lạ: Học hành sa sút, tâm lý bất ổn, nhiều khi không đủ tỉnh táo để nhận định mọi việc xung quanh.

Em luôn kêu đau đầu và mệt. Gia đình đưa Nga đi khám chữa thì được bác sĩ kết luận: Căng thẳng, áp lực học hành, thi cử nên rơi vào trầm cảm. Từ đó, Nga ngồi học trong lớp nhưng không chú tâm, thỉnh thoảng cười lơ đễnh và có những hành động tự ý ra vào mà không xin phép giáo viên.

Nga hay bỏ học ra công viên ngồi trên ghế đá cả buổi. Dường như trong đầu Nga, thầy cô, bạn bè, lớp học đã trôi vào miền nào đó xa lắc.

Để phù hợp với sức khỏe của Nga, khi lên cấp ba, gia đình đã chủ động xin cho em học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Đó chính là cơ duyên để Nga gặp thầy Nhân. Từ đầu năm học, không biết bao nhiêu lần thầy Nhân được gọi: “Ra đưa học sinh lớp thầy vào”.

- Thầy có nhanh ra giữ lấy nó, để tôi đánh trống vào tiết kẻo lại muộn giờ.

Vừa nói, bác bảo vệ vừa trao lại chiếc xe đạp bác đang cố giữ, để chạy vội ra đánh trống vào tiết đầu.

Nhìn thấy thầy Nhân, Nga buông chiếc xe, đầu cúi xuống, tay vân vê gấu áo đồng phục, rồi ngước ánh mắt lên nhìn thầy vẻ biết lỗi.

Thầy Nhân không nhìn vào Nga mà lôi chiếc điện thoại bấm số gọi cho lớp trưởng:

- Em ổn định lớp, kiểm tra bài tập các bạn làm giúp thầy, thầy có việc xin phép các em vào muộn mấy phút.

Lúc này, thầy Nhân mới nhìn Nga và nhẹ nhàng bảo:

- Em vào lớp học cho kịp giờ.

Nói rồi, thầy dắt chiếc xe để gọn vào phía sau phòng bảo vệ, nói với:

- Tôi vội lên lớp, nhờ bác đưa chiếc xe ra dãy nhà xe 10A8 giúp tôi nhé.

Thầy Nhân vừa nói với bác bảo vệ, vừa quay người nhìn theo bóng cô học trò đặc biệt. Thầy bước đi mà không kịp nhìn thấy cái lắc đầu đầy cảm thông mà bác bảo vệ dành cho mình.

Bác bảo vệ quá quen thuộc với hình ảnh thầy Nhân ra tận cổng đưa Nga trở lại lớp học. Nhớ lần đầu, thầy Nhân quát lớn, bắt con nhỏ vào lớp, nó không những không nghe mà phản ứng quyết liệt. Nó vùng vẫy, cào cấu, đập phá. Hôm đó, thầy Nhân phải gọi gia đình Nga đến đón nó về.

Tưởng rằng sau lần ấy, thầy Nhân sẽ ý kiến lên nhà trường không nhận học sinh có yếu tố kích động quá mức như vậy. Nhưng không, thầy vẫn cần mẫn làm công việc chủ nhiệm lớp. Trường hợp của Nga, thầy còn đặc biệt quan tâm hơn.

Lại có lần, bác bảo vệ mải chỉ đạo học sinh xếp xe đúng chỗ, Nga đã lẻn ra ngoài lúc nào không hay. Hôm đó, thầy Nhân không có tiết đầu, nhưng khi trống vào lớp được một lúc, bác bảo vệ thấy thầy Nhân gọi mở cổng. Cạnh thầy là cái Nga.

Thầy bảo, nó ngồi ghế đá ngoài công viên. Người đi thể dục thấy đứa học sinh có vẻ không bình thường, cứ thơ thẩn nên đến hỏi. Nó bảo không nhớ đường về lớp. Người ta bảo đọc số điện thoại để họ gọi bố mẹ đến đưa về thì nó lại đọc số thầy Nhân.

Cứ như vậy, thầy Nhân luôn theo sát cô trò nhỏ của mình. Thầy dùng tình yêu thương để chở che cho cô học trò non nớt không chịu nổi áp lực học tập nên thiệt thòi. Thầy không thể quên giọt nước mắt hối hận của những người làm cha, làm mẹ khi nói về con mình:

- Em hối hận lắm thầy ơi. Biết thế này, em đã không ép cháu học. Giờ mọi việc xảy ra rồi vợ chồng em khổ tâm lắm. Bác sĩ bảo, cháu bị áp lực học hành nên rối loạn tâm lý, chỉ cần giảm áp lực, để cháu học tập trong môi trường nhẹ nhàng, thoải mái sẽ dần bình phục. Thầy giúp em cho cháu được đi học cùng các bạn, chứ nghỉ ở nhà, em sợ cháu cô độc, cháu càng bị bệnh nặng hơn.

Người mẹ, nước mắt ngắn dài nói như van lơn thầy Nhân. Thực ra, sau lần đầu chứng kiến cái Nga có tâm lý bất ổn, thầy đã gặp gia đình để trao đổi. Định bụng khuyên gia đình cho cháu đến nơi thích hợp hơn, nhưng khi hiểu nguyên nhân Nga bị bệnh thì thầy xót thương. Mà ngẫm ra cái Nga không phá phách gì, nó chỉ thỉnh thoảng dắt xe bỏ đi ngay khi vừa đến trường, nó đi người không bỏ lại balo trong ngăn bàn.

Dường như nó sợ sách vở, sợ tiếng thầy cô, nó muốn đến một nơi thoáng đãng là công viên để không bị những cơn co giật nhức nhối ở hai bên thái dương hành hạ. Rồi sau đó, nó ngồi lơ đễnh rất lâu mà không nhớ đường về hay không muốn về thì cũng không rõ.

Từ hôm thầy Nhân bảo nếu không nhớ đường về thì nhớ số điện thoại này gọi cho thầy, trong đầu nó chỉ nhớ duy nhất số thầy Nhân. Cũng kỳ lạ, số của bố mẹ, nó không nhớ, nhưng thầy Nhân bảo có một lần nó lại thuộc làu. Chính vì vậy, thầy Nhân luôn là người nhận được cuộc gọi đến đón Nga về.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tuần trước, bố mẹ Nga đến xin phép cho nó nghỉ để sang Hà Nội điều trị. Thỉnh thoảng, Nga vẫn có những đợt điều trị dài như thế. Gia đình Nga chưa bao giờ từ bỏ ý định chữa chạy cho con. Hôm Nga đi, nó níu tay thầy Nhân: “Em sẽ về”. Câu nói ấy khiến cả thầy và bố mẹ nó đều bất ngờ. Bởi từ khi bị bệnh, Nga chưa bao giờ chủ động nói với ai. Nó chỉ miễn cưỡng trả lời khi được hỏi, còn thì luôn im lặng với tất cả.

Hai tuần Nga nghỉ học, lớp học có vẻ yên tĩnh hẳn. Thằng Dũng xấc nấc nói oang oang trước lớp:

- Cái Nga hâm nó nghỉ, lớp mình buồn hẳn chúng mày nhỉ?

Đúng lúc đó thầy Nhân bước vào. Thầy nghiêm giọng gọi thằng Dũng lên chấn chỉnh: “Em tuyệt đối không được gọi bạn như vậy. Bạn Nga gặp áp lực học tập nên bị rối loạn tâm lý, rất cần chúng ta cảm thông và hòa đồng. Thầy nghĩ, bạn Nga vì áp lực nên thu mình lại trong vô thức. Đây là bệnh về mặt tâm lý, có thể điều trị kết hợp nhiều cách, thầy không phải là bác sĩ nên không rõ, nhưng thầy biết chắc chắn một điều, nếu chúng ta cảm thông, đối xử với bạn bằng sự chân thành thì bệnh của bạn sẽ mau khỏi”. Nghe thầy nói vậy thằng Dũng chỉ biết lý nhí:

- Vâng thưa thầy. Em hiểu rồi ạ.

Trời đã sang Đông, lòng người man mác, mỗi khi bước vào lớp, thầy Nhân có cảm giác trống trải. Từ hôm trò Nga nghỉ, thầy Nhân vẫn hay nhìn về phía bàn nơi nó ngồi.

Hôm nay, chỗ đó không còn trống nữa, cái Nga đã trở về. Nó đi lâu hơn dự kiến, nhưng dù sao nó đã quay lại lớp học sau mấy tuần điều trị. Hôm nay, bác bảo vệ cũng không phải gọi thầy Nhân ra đưa nó vào nữa. Nga đã ngồi yên trong lớp, nó bình thản nhìn thầy, ánh mắt trong chứ không vô hồn.

Thầy Nhân thấy vui, đó là tín hiệu cho thấy Nga đã ổn định hơn. Thầy nhận ra không còn nét căng thẳng, lo lắng đến kích động trên khuôn mặt của Nga. Nét mặt ấy nhẹ nhõm dù chưa hẳn hồn nhiên. Thầy Nhân thấy sự cố gắng của mình, sự chia sẻ của các giáo viên bộ môn và của cả lớp đã đem lại hiệu quả.

Mẹ Nga bảo lần ra điều trị này, bác sĩ nói gia đình đi đúng hướng, phản ứng của Nga đã ổn định hơn nhiều, mọi thứ đang hồi phục rất tích cực.

- Thầy ơi.

Thầy Nhân đang loay hoay dắt chiếc xe máy ra về thì nghe tiếng gọi. Thầy ngoảnh lại: “Nga ư!” “Nga chủ động gọi thầy ư!”. Thầy Nhân hơi bất ngờ nhưng vẫn ôn tồn hỏi:

- Nga chưa về hả em? Có chuyện gì thế?

- Dạ không. Nga ngập ngừng một lúc rồi nói:

- Em cảm ơn thầy ạ.

“Ồ, mình có nghe nhầm không nhỉ!”, Thầy Nhân nghĩ thầm. Trong tích tắc, tâm trạng của thầy đi từ ngạc nhiên, bất ngờ, rồi vui mừng, sung sướng: “Nga hồi phục thật rồi, Nga khỏe rồi”. Nghĩ vậy nhưng thầy cố giữ vẻ bình thản để nghe cô trò nhỏ.

- Em cảm ơn thầy đã vất vả vì em trong gần một học kỳ qua. Thầy ơi, áp lực học tập năm cuối cấp hai với em lớn quá thầy ạ. Em sợ những tiếng chì chiết, quát tháo của bố mẹ. Em sợ ánh mắt của cô đội tuyển khi em không làm tốt bài. Em luôn phải gồng mình để lao vào học cho các kỳ thi. Em không có thời gian chơi, đến ăn cũng phải vội.

Rồi hôm em biết mình không được giải trong kỳ thi cấp tỉnh thì em hoảng loạn, em sợ bố mẹ, sợ lời trách móc của cô, sợ sự chế giễu của bạn bè. Em càng nghĩ càng căng thẳng, càng đau đầu và rồi đầu em rỗng rễnh, mông lung. Em không biết mình tỉnh hay mê, em không biết mình làm gì, em không làm chủ được hành vi.

Thầy Nhân vẫn chăm chú nghe từng lời của cô trò nhỏ, thầy đưa tay vỗ vỗ vai Nga như muốn an ủi: “thầy hiểu mà”.

Nga vẫn tiếp tục:

- Em muốn ra công viên để được hít thở, để không phải trông thấy bài vở, không phải gồng mình vì những con số. Tất cả điều này, em đều làm trong vô thức. Và kỳ lạ trong vô thức, em luôn thấy hình ảnh thầy. Em như nghe thấy thầy an ủi: “Không sao đâu em, không cần trốn nữa, về lớp học với thầy nào”.

Thầy Nhân vội ngoảnh đi chỗ khác, tránh để Nga thấy thầy xúc động. Nga đâu biết mỗi lần đến đưa Nga quay lại lớp học, thầy đều nói câu ấy. Giọng Nga vẫn đều đều.

- Em sẽ không ra công viên nữa. Bác sĩ tư vấn cho em nhiều và bảo em không được trốn chạy, phải đối mặt và học cách phản bác những gì không phù hợp với mình thầy ạ. À thầy biết không, bạn Dũng không gọi em là Nga hâm nữa đâu. Em hòa nhập được với lớp rồi phải không thầy?

- Ừ, em hòa nhập rồi, em khỏe thật rồi. Thầy Nhân nắm chặt hai bàn tay Nga, giọng rưng rưng, vui sướng.

Nga nhoẻn miệng cười rất tươi, trên khuôn mặt nó không hề thấy dấu hiệu của một bệnh nhân từng bị trầm cảm.

Trên đường về, nắng trải dài, dù có chút hanh hao nhưng nó lại đem đến sự ấm áp. Chỉ còn vài năm nữa, thầy Nhân sẽ nghỉ hưu, con đường quen thuộc thầy vẫn cần mẫn đi, về sớm hôm, sẽ trôi vào kỷ niệm. Trong những ngăn kỷ niệm về cuộc đời giáo viên của thầy, chắc chắn không thể thiếu hình ảnh Nga, cô học trò nhỏ, non nớt, đáng thương nhưng cũng rất kiên cường, mạnh mẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ