Thay màu áo mới

GD&TĐ - Ngày 23/5, ông Anthony Albanese, 59 tuổi, lãnh đạo Công đảng, chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Australia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ông Albanese xuất thân từ gia đình mẹ đơn thân, khuyết tật và sống trong nhà ở xã hội của chính phủ tại Camperdown, ngoại ô Sydney. Sở hữu bằng cử nhân kinh tế, song ông Albanese sớm bộc lộ mối quan tâm và mục tiêu theo đuổi sự nghiệp chính trị.

Với xuất thân khiêm tốn, tân Thủ tướng Australia được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi lớn lao cho đất nước sau khi chấm dứt 9 năm lãnh đạo của đảng Tự do.

Ngay sau buổi tuyên thệ, ông Albanese lên đường sang Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh QUAD vào ngày 24/5 cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp Nhật Bản, Ấn Độ.

Tân Thủ tướng khẳng định, chuyến thăm này là phù hợp với 3 trụ cột chính của chính sách đối ngoại Australia gồm liên minh với Mỹ, cam kết với khu vực và ủng hộ các diễn đàn đa phương. Đáng chú ý, 4 quốc gia có thể xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Hội nghị với các lãnh đạo QUAD là ưu tiên của Australia và cho phép chúng tôi gửi thông điệp đến thế giới rằng có sự thay đổi trong chính quyền và một số thay đổi trong chính sách, đặc biệt liên quan đến biến đổi khí hậu và cam kết của chúng tôi với thế giới về những vấn đề này”, ông Albanese cho biết.

Thông điệp của Thủ tướng Albanese một lần nữa nhấn mạnh thái độ ủng hộ và cam kết của ông trước vấn đề biến đổi khí hậu nhằm cải thiện hình ảnh của nước này. Chính phủ mới sẽ đưa ra một số thay đổi trong chính sách liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và tăng cường tham gia trong các diễn đàn quốc tế về lĩnh vực trên.

Cam kết đưa Australia trở thành “siêu cường về năng lượng sạch”, ông Albanese cũng bày tỏ mong muốn thay đổi đất nước và thay đổi cách chính trị vận hành. Mục tiêu hiện tại của tân Thủ tướng là “làm việc mỗi ngày để gắn kết người dân Australia với nhau và lãnh đạo một chính phủ xứng đáng với người dân Australia”.

Để làm được điều này, chính phủ mới của Công đảng sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực đầu tư cơ bản gồm cải tạo hệ thống dịch vụ trông giữ trẻ, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, tăng cường cơ sở hạ tầng, sản xuất trong nước và các sáng kiến năng lượng sạch.

Tuy nhiên, chính quyền mới của Thủ tướng Albanese sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt sau 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội Australia.

Nền kinh tế Australia đã bị thâm hụt hàng trăm tỷ USD do tác động trong khi lạm phát, lãi suất đang tăng cao. Australia cũng đang bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề xã hội như bất bình đẳng giới, bạo lực tình dục trong giới chính trị, đầu tư cho giáo dục quốc tế...

Mặt khác, vấn đề loại bỏ than đá cũng đang gây tranh cãi trong nội bộ Australia. Là một trong những nhà sản xuất than và khí đốt hàng đầu thế giới, Australia đã phải đối mặt với những lời kêu gọi chống lại khí thải và nhiên liệu hóa thạch một cách nghiêm túc, sâu sắc hơn.

Thủ tướng Albanese đã tranh luận về cách loại bỏ các nhà máy điện than địa phương nhưng đã ngừng đề cập thêm các hạn chế đối với lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.