Nhân dịp này Bộ GD&ĐT quyết định tặng bằng khen cho 155 thầy cô giáo tiêu biểu năm học 2015-2016, các thầy cô đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục.
Đây cũng là dịp sơ kết 1 năm hoạt động của chuyên mục Cùng em đến trường.
Đến dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn GDVN Vũ Minh Đức, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn, cùng các thầy cô giáo từ khắp mọi miền trong cả nước.
Ghi nhận sự cống hiến của các thầy cô giáo
Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT gửi tới các cô giáo thầy giáo, cán bộ nhân viên ngành giáo dục lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bộ trưởng cho biết: Trong năm học 2015-2016, ngành Giáo dục tiếp tục nỗ lực cố gắng và đạt được nhiều thành tích quan trọng, được Đảng Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Có được kết quả đó là nhờ sự lao động sáng tạo không ngừng của các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trong toàn ngành ngày đêm chăm lo cho sự nghiệp trồng người; đặc biệt là các thầy cô giáo đang công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc chương trình |
Năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, ngành GD đứng trước những thuận lợi thời cơ nhưng cũng có rất nhiều khó khăn thách thức đan xen đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm nỗ lực hơn nữa.
Chúng ta đang nỗ lực đổi mới nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT, tập trung đầu tư cho giáo dục ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, bảo đảm bình đẳng về cơ hội đi học cho trẻ em trong cả nước.
Sứ mệnh cao cả này không thể thành công nếu thiếu vắng những người thầy cô giáo sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân tận tâm tận lực, hết lòng cống hiến vì học sinh thân yêu.
Cùng với nhiều hoạt động biểu thị sự tôn vinh các tâm gương nhà giáo, lễ tri ân thầy cô giáo hôm nay chính là sự trân trọng ghi nhận, đồng thời cũng là sự biểu thị những tình cảm tốt đẹp và sự tin tưởng mong đợi từ nhân dân đối với các thầy cô giáo trong công cuộc đổi mới phát triển giáo dục đào tạo nước nhà.
Chương trình Thay lời tri ân năm nay đồng thời là dịp sơ kết chuyên mục Cùng em đến trường. Đây là một chương trình có ý nghĩa, là lời động viên rất lớn đối với giáo viên và học sinh cả nước.
Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho các thầy cô giáo đang ngày đêm quên mình đến với những học sinh ở những vùng còn rất nhiều khó khăn trong cả nước.
Các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 giao lưu tại chương trình |
Những câu chuyện cảm động
Trong chương trình Thay lời tri ân năm nay, ngoài những tiết mục văn nghệ đặc sắc, khán giả được lắng nghe câu chuyện về sự nghiệp trồng người của những thầy, cô giáo tiêu biểu, trong đó có các thầy giáo ngày ngày mang kiến thức đến với các em học sinh vùng cao trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Tại ngôi trường ở vùng miền núi huyện Quế Phong, sát biên giới Việt Lào, đã từ lâu tất cả các giáo viên đang công tác tại 6 điểm trường của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đều là nam giới.
Các thầy không chỉ là người dạy dỗ, trao truyền kiến thức mà còn đảm trách luôn cả vai trò là cô giáo hiền, người mẹ đảm, hàng ngày chăm sóc các em nhỏ người Mông.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 gồm 1 điểm trường chính và 5 điểm trường nhỏ rải rác khắp sườn núi. Ở nơi sơn cùng thủy tận này các thầy thiếu thốn đủ điều: Không điện, không trạm y tế và không có chợ.
Cuộc sống tự cung tự cấp gần như tác biệt hẳn với phía bên ngoài dãy núi. Khi các em ốm đau các thầy bồng các em vượt núi về nhà để cùng người thân dùng bài thuốc gia truyền trị bệnh.
Như những người mẹ hiền, thầy nào cũng đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống cho các em nhỏ. Những công việc như rửa tay, cắt móng tay, thay quần áo, chăm sóc mỗi khi các em bị ốm… các thầy làm nhiều nên cũng thành quen.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Chia sẻ với khán giả truyền hình, thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Hùng Hiệp cho hay: Khi đi công tác xa như thế hầu hết anh em giáo viên đều rất nhớ gia đình, nhớ vợ con, nhớ người thân. Những lúc đó chỉ có cách duy nhất là mang điện thoại ra để xem hình người thân cho đỡ nhớ.
Cũng có cả những lúc các thầy phải lặn lội mấy chục cây số đường rừng, đi mất cả đêm để về nhà gặp vợ con rồi sáng sớm lại vội vàng “lên núi” để kịp giờ dạy.
Gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học và cũng gần 10 năm ở Tri Lễ nhưng thầy Hiệp chưa từng nhận được một bó hoa nào của học trò tặng vào ngày 20/11. Đơn giản vì các em học sinh còn không biết đó là… ngày gì.
Nhưng vượt qua mọi khó khăn, các thầy vẫn bám trường, bám lớp, dành tình thương yêu cho các em học sinh thân yêu.
Thầy Nguyễn Quốc Thắng giao lưu tại chương trình |
Còn thầy Nguyễn Quốc Thắng - Giáo viên Trường Tiểu học B An Hảo (huyện Tịnh Biên, An Giang) đã bỏ tiền lương hàng tháng của mình để nuôi các em học sinh ăn học. Thầy không chỉ dạy học mà còn cưu mang nhiều em học sinh.
Thầy Thắng chia sẻ: Gặp các em có hoàn cảnh đáng thương nên mình rất đồng cảm, nhớ lại hình ảnh của mình hồi xưa, đã từng nghèo khổ, từng không có cái để ăn.
Đối với bản thân mình thì không quan niệm về vấn đề bổng lộc hay danh vọng. Mình chỉ nghĩ rằng mình đã làm hết trách nhiệm của một người giáo viên, đã cháy hết mình, sống với lương tâm của một người thầy giáo.