Thầy Huyền của tôi

GD&TĐ - Hàng chục thế hệ học sinh đi qua, thầy Nguyễn Đình Huyền (Quảng Bình) nay tóc đã bạc trắng vẫn lưu đủ hàng ngàn cái tên học sinh trong tim.

Thầy Nguyễn Đình Huyền cùng học trò.
Thầy Nguyễn Đình Huyền cùng học trò.

40 năm gắn bó với nghề giáo

Các thế hệ học sinh đã từng học đều luôn ấn tượng với thầy bởi từng bài giảng với từng lời văn bay bổng, nhẹ nhàng. Thầy nói rằng học văn là phải thấy được cái thần thái, linh hồn của văn, phải cảm được cái ý nhị sâu xa mà nhà văn gửi gắm. Học văn sẽ học được cái đẹp, cái oai hùng và cả cái bi thương, …

Chúng tôi nhớ thầy bởi hình ảnh nàng Kiều tài sắc. Chúng tôi ấn tượng với thầy trong hình ảnh thầy say sưa giảng về dòng sông Đà hùng vĩ, những bài văn, những câu thơ tuôn ra đánh thức tất cả các cảm giác trong buổi sớm mai.

Ngoài những giờ dạy chuyên môn, thầy luôn để ý và giáo dục học sinh về nếp sống bởi với thầy học văn cũng là học lễ. Thầy nhắc nhở chúng tôi rằng Văn là cái hay cái đẹp, Lễ là cái chuẩn mực, cái thanh cao thể hiện phẩm chất, giá trị con người. Quan điểm đó không những được truyền qua những bài giảng của thầy mà qua cách sống, cách giáo dục thường ngày của thầy đối với học sinh.

Thầy luôn rất tâm lý và thương học sinh. Tôi nhớ có lần đi học phụ đạo để chuẩn bị thi tốt nghiệp, thầy đang giảng bài say sưa thì tôi bất chợt gục mặt xuống. Tôi thiếp đi thì nghe tiếng thầy rền vang “Lan à à à à!”. Tôi giật mình, trước mắt là khuôn mặt mồ hôi từng hàng dài chảy xuống hai bên má, khóe môi thầy lấm tấm bọt trắng. Thầy dừng bài giảng, tôi vẫn thoảng thốt, thầy ôn tồn nói “thầy có một đoạn thơ tặng Lan”. Rồi thầy đọc:

Dẫu vẫn biết cuộc đời không tròn trịa/ Thầy vẫn vui mỗi sáng bước lên lầu/ Hoa Lan nở trong giờ văn thầy giảng/ Thầy thêm vui tìm ý nghĩa thêm sâu

Thầy không nói gì thêm, vẫn cười với ánh mắt đầy thương cảm. Có lẽ thầy thương hoàn cảnh của tôi, biết tôi đã tranh thủ giờ trưa ra đồng cắt lúa đến chiều học thì không còn sức. Còn tôi sợ thầy buồn vì có đứa học trò chưa biết trân quý tâm huyết thầy trao.

Tôi bừng tỉnh, thấy mình thật có lỗi. Sâu trong ánh nhìn là vô vàn yêu thương và ái ngại từ thầy, sự mệt nhọc của tôi bỗng chốc tan biến. Theo một cách nào đó, khoảnh khắc ấy đã luôn bên tôi và trở thành động lực giúp tôi không ngừng cố gắng. Mãi sau này tôi mới biết thầy dùng cụm “không tròn trịa” tặng cho tôi như một người đồng cảnh mồ côi cha từ bé. Mới thấy, thầy quan tâm đến từng học trò chu đáo biết bao.

Ngoài kiến thức chuyên môn sâu rộng, tình thương, sự quan tâm sâu sắc, mọi người đều thán phục thầy bởi khả năng nhớ tên học sinh. Cách nay không lâu, vào ngày hội khóa, khi gặp lớp tôi, thầy điểm: Này An, Hiền, Hiển, Hưởng … Tú đâu, nó không về hả?.

Thầy nhìn mặt đọc tên từng đứa một trước sự ngỡ ngàng của cả lớp: “Thầy không chủ nhiệm, chỉ dạy mỗi môn Văn, hơn 20 năm rồi, làm sao mà thầy có thể nhớ hết tên cả lớp chúng em như thế?”. Chúng tôi xúc động hỏi. Thầy cười: “Mỗi em đều đã được sắp chỗ trong tim thầy, mà tim thầy có hàng ngàn ngăn cơ, ngăn nào thấy cũng lưu tên, đóng dấu rõ ràng”.

Thầy Nguyễn Đình Huyền có 40 năm gắn bó với nghề giáo.

Thầy Nguyễn Đình Huyền có 40 năm gắn bó với nghề giáo.

Trong mỗi học trò, thầy mãi thân thương

Nhắc đến thầy, anh Nguyễn Niềm - học sinh khóa 1998-2001 bồi hồi kể “Hồi đó thầy thấy mình nhỏ bé ốm nhom đi học thầy luôn ái ngại sợ học sinh của mình không đủ sức đạp xe (nhà chúng tôi cách trường gần 8 cây số). Thỉnh thoảng thầy xoa đầu và không quên những lời động viên, mình nhớ mãi hành động trìu mến đó của thầy.

Hôm về hội khóa gặp lại thầy ngạc nhiên: “Ôi em Niềm nhỏ xíu hồi nào đây à?, thầy ngạc nhiên quá!” rồi thầy hỏi thăm từng li từng tý làm mình xúc động lắm. Cho dù thời gian có trôi qua thì tình cảm chân thành của thầy vẫn in sâu trong tâm trí của lũ học trò chúng tôi”.

“May mắn được thầy chủ nhiệm và dạy trong suốt thời gian học THPT, mình cảm nhận thầy là đại diện tiêu biểu của một thế hệ giáo viên đầy nhiệt huyết và luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Không chỉ có kiến thức uyên bác, phương pháp dạy học dễ nhớ, dễ hiểu, thầy còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học sinh.

Mỗi khi nhớ về trường cũ thì hình ảnh của thầy luôn xuất hiện trong tâm trí mình với những ký ức vô cùng đẹp đẽ. Thầy như một người cha thứ hai, không chỉ với riêng mình mà còn với rất nhiều học sinh khác nữa”, anh Nguyễn Đức Thắng là một học sinh cũ của thầy chia sẻ.

“Điều làm mình ngạc nhiên nhất về thầy là dù ra trường 10 năm, 15 năm chưa lần gặp lại thì thầy vẫn nhớ từng đứa trò thân thương. Hóa ra thầy lưu nhớ từng tên, từng gương mặt, tính cách chúng mình trong tim”, chị Đoàn Phượng, một giảng viên, học sinh cũ của thầy nói.

Cũng theo chị Phương, thầy vẫn luôn dõi theo học sinh sau khi đã ra trường. Thầy xem chăm chú các chương trình có học trò của mình xuất hiện để động viên, khích lệ và góp ý, chỉ dẫn. Cả khi chúng mình đã học cao hơn, khi đã tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều người nổi tiếng, thành đạt thì thầy vẫn luôn là tri kỷ để tâm tình, chia sẻ với nhiều thế hệ học sinh.

Chúng tôi, những cô cậu học trò năm cũ nay đều cũng sắp tứ tuần, mỗi khi nhắc đến thầy vẫn nguyên cảm xúc “mỗi học sinh là một đứa con của thầy. Hàng ngàn cái tên và các nét thân thương luôn hiện hữu trong trí nhớ”.

Chúng tôi về hội khóa, thầy năm nay đã chạm ngưỡng 80, mái tóc thầy nay đã bạc trắng. Thầy đến bên, gọi tên từng đứa, thăm hỏi tỉ tê. Trong bài phát biểu dài, thầy nhắc từng kỷ niệm. Chúng tôi, lũ học trò ngày xưa lại tiếp tục ngỡ ngàng rồi hoan hỉ bởi những lời thầy dạy hôm nay.

Thầy Nguyễn Đình Huyền sinh năm 1943 tại Quảng Bình. Thầy từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Nam Lào và Kon Tum sau đó được cử đi học tại ĐH Sư phạm Vinh. Năm 1970, thầy tốt nghiệp Đại học và dạy Văn ở các trường THPT ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), Phan Rang (Ninh Thuận) và Trường THPT bán công Nam Quảng Trạch từ 1983-2003. Từ năm 2010 đến nay, thầy nghỉ chế độ hưu trí tại quê nhà.

Thầy Huyền từng nhận các bằng khen, thành tích: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba; Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba; Bằng khen giáo viên giỏi cấp tỉnh Thuận Hải; Bằng khen giáo viên giỏi của Sở GD&ĐT Quảng Bình; Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ