Thầy Hiệu trưởng dành lương giữ lửa bếp ăn học trò

GD&TĐ - “Thầy ơi, thầy đừng chuyển đi trường khác nhé. Không có thầy, trường không còn bếp ăn nữa, chắc con tôi phải nghỉ học thôi thầy ạ!”.

Ấm áp tình thầy cô với bữa trưa của học sinh nghèo Trường Tiểu học Đăng Hà.
Ấm áp tình thầy cô với bữa trưa của học sinh nghèo Trường Tiểu học Đăng Hà.

Lời nhắn gửi tha thiết của một phụ huynh khiến thầy Phan Công Hiếu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Hà (huyện Bù Đăng), ngôi trường thuộc xã nghèo nhất của tỉnh Bình Phước – lại mấy đêm không ngủ…

Mất ngủ vì thương học sinh

Thầy Hiếu nhớ như in ngày đầu tiên được điều động về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Hà. Định về nhà sau giờ làm việc buổi sáng, thầy Hiếu nhìn thấy nhóm học sinh ngồi chụm lại một góc cùng ăn trưa. Em thì đùm cơm trong lá chuối, em thì đùm trong lá rừng. Nắm cơm không có gì ngoài rau và một ít vừng, muối.

Hỏi học sinh sao không về nhà ăn cơm, thầy Hiệu trưởng nghẹn lòng khi nghe những câu trả lời ngây thơ: Nhà em xa lắm, bố mẹ cũng đi làm rất xa, sáng em dậy sớm tự nấu cơm đùm theo nên không có thức ăn gì; Em ở với ông bà, bố mẹ em mất rồi thầy ạ; Hôm nay trời mưa, em bị trượt chân té nên cơm rơi xuống bùn bẩn hết không ăn được...

Mấy ngày sau đó, buổi sáng, đang làm việc tại văn phòng, một cô giáo hớt hải chạy lên báo cáo thầy có em học sinh bị ngất xỉu trên lớp. Hốt hoảng chạy xuống, thì ra học sinh này bị lả đi vì đói quá. Sau khi được cô giáo pha mì tôm, em ăn liền hai bát và trở lại lớp học.

Vừa về trường chưa được bao lâu, những hình ảnh như vậy đã khiến giấc ngủ của thầy Hiếu cứ chập chờn, và sau đó là mắt mở chong chong, trằn trọc suy nghĩ: Phải làm sao đây, nếu ăn còn chưa no, làm sao các em có thể học tốt? Làm sao có thể nâng chất lượng giáo dục?...

Thầy cô nhường phòng ở làm bếp ăn

Sau nhiều đêm mất ngủ, thầy Hiếu lóe lên ý tưởng: Nhà trường tự xây dựng bếp ăn cho học sinh. Có thể lấy một phòng tập thể để làm nơi nấu cơm và cho học sinh ăn trưa, vừa sạch sẽ, vừa đảm bảo học sinh có đủ cơm ăn, không bị đói nữa.

Ngay hôm sau, ý tưởng này được đem ra bàn bạc với Chi ủy, Hội đồng nhà trường. Thầy cô giáo ai cũng đồng tình hưởng ứng, sẵn sàng chia sẻ. 

Trước đây, giáo viên mỗi người một phòng, nay phòng đó ngăn ra làm hai, nhường chỗ làm nơi cho học sinh ăn trưa. Rồi cả trường cùng quyên góp chén, bát, xoong, chảo, đũa, thìa, gạo.. Thế là bếp ăn dù còn rất đơn sơ đã thành hình.

Thầy Hiếu tâm sự: Trường nghèo, thầy cô cũng nghèo, nhưng tình yêu thương thì nhiều lắm. Người nấu ăn cho các em không ai khác chính là thầy giáo, cô giáo, nhân viên tổ văn phòng. Các thầy cô vừa thu xếp công việc dạy học, vừa tranh thủ lo bếp núc. 

Vất vả hơn nhiều, nhưng niềm vui cũng nhân lên gấp bội. Tôi thật sự xúc động khi nhìn những chén cơm đầu tiên được chuẩn bị cho 12 học sinh nghèo nhất trường. Các em đã đền đáp lại bằng cách đi học chuyên cần, ngoan ngoãn, lễ phép, cố gắng học tập hơn.

Dành lương mua lương thực duy trì nhà bếp

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng bếp ăn từ thiện của Trường Tiểu học Đăng Hà đã giúp không ít học sinh nghèo yên tâm đến trường. Có em trong số đó đã xuất sắc đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều em, sau 5 năm ăn học ở trường đã được xét chọn vào học tại Trường dân tộc nội trú của huyện.
Trường Tiểu học Đăng Hà có hơn 50% học sinh là con hộ nghèo; trên 80% là người dân tộc, phụ huynh học sinh đa số làm nông nghiệp; trên địa bàn trường đóng không có bất cứ một công ty, xí nghiệp hay doanh nghiệp nào, nên ai cũng nói, việc mở bếp ăn cho học sinh là hết sức mạo hiểm, bấp bênh.

“Thành lập và duy trì được bếp ăn ở một ngôi trường còn rất nghèo, lại thuộc xã vùng sâu, vùng xa của huyện, nơi được cho là nghèo nhất tỉnh không hề dễ dàng. 

Tôi từng lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì không biết những ngày tiếp theo lấy tiền đâu, lương thực, thực phẩm đâu để duy trì nấu ăn cho các em; trong khi đó lại bộn bề các công việc của trường, của lớp. 

Thời gian đầu, tôi còn phải lấy lương của mình để mua lương thực, thực phẩm cho học sinh, để bếp ăn không tắt lửa” - Thầy Hiếu tâm sự.

Nhưng cái khó ló cái khôn, được một thời gian, thầy Hiếu bàn bạc với các thầy cô giáo đi quyên góp gạo các nhà làm xay xát trong thôn; rồi tổ chức hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao nhân các dịp lễ kêu gọi quyên góp, ủng hộ bếp ăn cho học sinh nghèo. Nhà trường cũng tổ chức trồng rau xanh trong khuôn viên để có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn.

Rồi nhà trường mạnh dạn phát hành tờ rơi, thư ngỏ đến các tổ chức đoàn thể nhờ sự giúp đỡ; thậm chí đánh liều liên hệ với Đài Truyền thanh, truyền hình huyện Bù Đăng; gặp gỡ báo chí để nhờ viết bài, làm phóng sự, đưa tin đến các tổ chức, cá nhân xa gần biết đến bếp ăn tình thương của trường và có sự chung tay, góp sức.

Cứ như thế, bếp ăn tình thương của Trường Tiểu học Đăng Hà đã bền bỉ giúp đỡ học sinh nghèo được 8 năm. Từ 12 em ban đầu, nay đã có 53 học sinh đặc biệt khó khăn được ăn trưa tại trường. 

Nhưng, thầy Hiệu trưởng vẫn ngày đêm trăn trở bởi còn không ít học sinh khó khăn vẫn cần được giúp đỡ; vì một ngày nào đó, nhỡ đâu, bếp ăn không đủ điều kiện hoạt động... 

“Tôi chỉ mong có một tổ chức nào đó đứng ra đỡ đầu toàn diện cho bếp ăn của trường, giúp đỡ học sinh nghèo, điều đó cũng giúp chúng tôi yên tâm hơn làm công việc chuyên môn của mình.” - Thầy Hiếu chia sẻ ước mơ giản dị.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuồn chuồn tre thật 'dễ vỡ', nếu để rơi từ nóc TV hay chấn song cửa số xuống dưới đất. Ảnh: Tuấn Kiệt

Trò chơi của tuổi thơ!

GD&TĐ - Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày tôi có bạn: Hôm ấy là một ngày mưa trước Trung thu cách đây khoảng 5 năm trước.

Ảnh minh họa: ITN

Truyện ngắn: Quà Trung Thu cho con

GD&TĐ - Con bé Hiền len lén nhìn mẹ rồi rón rén đưa tay mân mê mấy cục bột trên bàn. Bỗng nó vội rụt ngay tay lại bởi bị mẹ phát hiện.

Minh họa/INT

Sốt và sốt kéo dài

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng sốt thì không tốt, sốt là bệnh. Nhưng thực ra, sốt cũng có những đặc điểm tích cực của nó.