Trường đại học 12 năm “tiếp lửa” 50 tiến sĩ

GD&TĐ - 10 mái ấm đẹp như mơ của các giảng viên trẻ mà cả vợ và chồng đều là tiến sĩ; hoặc một người tiến sĩ, người còn lại là nghiên cứu sinh có lẽ chỉ có ở Trường ĐH Đồng Tháp.

Trường ĐH Đồng Tháp
Trường ĐH Đồng Tháp

Trong câu chuyện của họ, có thể thấy những hành trình đầy gian khó, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là trái ngọt. Trái ngọt từ tình yêu đôi lứa và từ “mối tình” sâu đậm với ngôi trường mình gắn bó.

Thi đậu nghiên cứu sinh mới về ... cưới vợ

Giảng viên Hà Thị Thanh Nga "truyền lửa" trên giảng đường 

Vợ chồng tiến sĩ Phạm Đình Văn và thạc sĩ – nghiên cứu sinh Hà Thị Thanh Nga đều sinh ra trên mảnh đất miền Trung nắng gió. Họ quen nhau khi nàng là sinh viên sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Đồng Tháp, còn chàng đang ôn để dự thi cao học ở Trường ĐHSP Huế. 

Ban đầu chỉ là bạn bè, anh em “đồng hương”, sau dần dần tình yêu nảy nở, và những lá thư tay cứ thế vượt gần 2.000 km nuôi dưỡng tình yêu. Cho đến khi cả hai cùng về Trường ĐH Đồng Tháp công tác, rồi nên vợ, nên chồng, những lá thư ấy vẫn được nâng niu, gìn giữ như báu vật.

Tiến sĩ Phạm Đình Văn nhớ lại: Gần nhau và đã thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm “hoãn” cưới để tiếp tục học. Lúc đó, phải vượt qua không ít trăn trở về cơm - áo - gạo - tiền.

Năm 2008, tôi quyết định ra Hà Nội dự thi nghiên cứu sinh với lời hứa: Thi đậu thì về mới cưới vợ! Còn Nga ôn thi cao học. Cuối cùng, lời hứa được thực hiện và sau 6 năm quen, biết, yêu nhau, chúng tôi chính thức nên duyên.

Cuộc sống hôn nhân bắt đầu với một phòng trọ gần 10 m vuông nhưng vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, sau ngày cưới, hai vợ chồng vẫn tiếp tục đi tìm “con chữ”, rồi lại xa nhau hàng ngàn cây số. 

Năm 2011, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, Nga ra Hà Nội học nghiên cứu sinh. Có những lúc cả hai vợ chồng cùng đi học nên việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt khó khăn vô cùng. Ngay cả chuyện con cái cũng phải “hoãn”, đến khi bố bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thiên thần nhỏ mới chào đời.

Sinh con lúc mẹ đang học nghiên cứu sinh, nên mỗi lần vợ đi học lại cần thêm bố hoặc bà ngoại đi cùng hỗ trợ. Đến cháu nhỏ, vì thường xuyên cùng mẹ hết máy bay lại ô tô từ Đồng Tháp ra Hà Nội nên dường như cũng quen với những cung đường xa, quen với những chuyến đi của mẹ.

Hỏi nhỏ vợ chồng tiến sĩ: Có khi nào thấy khó khăn quá mà nản việc học? Tiến sĩ Phạm Đình Văn cười hiền: Với giảng viên trẻ như chúng tôi và các bạn đồng nghiệp, chuyện khó khăn, thiếu thốn về kinh tế để đi học, trang trải cuộc sống dường như là lẽ thường. 

Nhưng rất may mắn khi đi học, nhà trường luôn tạo điều kiện “ứng trước trả sau”, rồi hai bên gia đình cùng hỗ trợ. Con đường đi đã gần tới đích và chúng tôi vẫn sẽ không ngừng tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.

Thua keo này, ta bày keo khác

Đã làm công tác giảng dạy ở đại học thì phải học tập để nâng cao trình độ, việc này làm được càng sớm càng tốt. Quan niệm như vậy nên năm 2007, giảng viên Huỳnh Vĩnh Phúc xin đi làm nghiên cứu sinh tại ĐH Huế. Ngay năm sau, giảng viên Hoàng Thị Nghiệp cũng làm hồ sơ dự thi, tiếp bước theo chồng.

Không may, đúng ngày đi thi đầu vào, giảng viên Hoàng Thị Nghiệp lúc đó đang mang thai, bác sĩ khuyến cáo không được di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì. Vậy là kế hoạch bị tạm thời bỏ lỡ, phải làm đơn cam kết với ĐH Huế xin nghỉ thi.

Nhớ lại khi ấy, chị Nghiệp cho biết mình buồn ghê gớm, rồi tự nhủ lòng “thua keo này ta bày keo khác”. Năm 2009, con nhỏ vừa 4 tháng tuổi, nữ giảng viên trẻ quyết tâm gửi bé nhờ bà ngoại chăm để ra Huế ôn tập để được làm nghiên cứu sinh.

“4 năm với khó khăn bộn bề vì học xa, con quả nhỏ, tài chính lại eo hẹp. Cứ đến đợt đi học, hai vợ chồng lên xin nhà trường ứng tiền, ứng mãi, ứng mãi cho đến ngày bảo vệ xong, con số tạm ứng của trường lên tới gần 150 triệu đồng. Nhưng cuối cùng, gian khó cũng được bù đắp khi năm 2012, cả hai vợ chồng cùng được nhận học vị tiến sĩ, yên tâm làm việc để “trả nợ” cho trường, cho tỉnh Đồng Tháp.” – giảng viên Hoàng Thị Nghiệp kể lại.

“Thoát nghèo” nhờ nghiên cứu khoa học

Nỗ lực nhận được học vị tiến sĩ, nhưng với Phó Trưởng khoa Sư phạm Vật lý Huỳnh Vĩnh Phúc, đó mới chỉ là khởi đầu cho việc nghiên cứu khoa học. Thầy Phúc cho biết: Tôi từng tự hỏi, làm khoa học và học tiến sĩ cái nào khó hơn; rồi lại tự trả lời: Cái nào cũng khó, nhưng học tiến sĩ có thầy hỗ trợ, còn làm khoa học thì phần lớn phải tự lực.

Tận dụng mọi thời gian có thể cho nghiên cứu khoa học, bao công sức đầu tư, thai nghén, cuối cùng, chỉ trong 2 năm (2012 – 2013), vợ chồng tiến sĩ Huỳnh Vĩnh Phúc liên tiếp trúng thầu hai đề tài cấp Bộ và một đề tài Nafosted. Không chỉ là niềm vinh dự của bản thân, phần nhỏ góp thêm công sức vào xây dựng thương hiệu cho Trường ĐH Đồng Tháp, thành quả này còn giúp trang trải một phần kinh tế cho gia đình.

Thầy Phúc nói vui: Chúng tôi thường nói đùa với nhau, làm khoa học cũng giống như coi bóng đá. Khi ý tưởng thăng hoa, khi bài báo được hoàn thành, được nhận đăng, được xuất bản; khi đề tài được phê duyệt thì tác giả cũng làm đủ các động tác ăn mừng như vừa nhảy, vừa hét, vò đầu, bứt tóc,… giống như cổ động viên ăn mừng khi đội mình yêu thích ghi bàn thắng vậy.

Một số thầy trong trường thường đùa, khen vợ chồng nhà Phúc - Nghiệp giàu lên nhờ khoa học. Tiến sĩ Nghiệp, nay đã là Trưởng bộ môn khoa Sư phạm Hóa – Sinh, thì hay “cãi” lại: Không phải giàu lên nhờ khoa học, mà nhờ khoa học nên tụi em tuyên bố thoát nghèo. Như vậy, làm khoa học có thể coi là động cơ tích cực, mà khi đã có động cơ tích cực, người ta chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn.

12 năm, có thêm 50 tiến sĩ

Thế mạnh với sức trẻ

Trong số 596 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Đồng Tháp, có đến 80% dưới 40 tuổi. Sức trẻ, nhiệt huyết chính là thế mạnh giúp nhà trường không ngừng phát triển năng động.

Nhà trường sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện, trọng dụng nhân tài, mức thu nhập tương ứng với trình độ khoa học, thành tích giảng dạy, nghiên cứu và quản lý.

Câu chuyện của mỗi “cặp đôi” tiến sĩ tại Trường ĐH Đồng Tháp, dù khó khăn mỗi khác, nhưng cùng chung một điểm là nỗ lực đặc biệt, sự quyết tâm phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình. Chính họ đã làm nên sự đổi thay từng ngày của trường đại học nằm trên cùng đất cửa ngõ sông Tiền.

PGS.TS. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đệ tự hào chia sẻ: Những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Đồng Tháp chỉ vỏn vẹn 165 cán bộ, giảng viên, với 21 người tốt nghiệp sau đại học. Nhưng nay, sau chưa đầy 12 năm, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường đã khá hùng hậu với 596 người; trong đó có 3 giáo sư và phó giáo sư, 50 tiến sĩ. 

Trong số 286 thạc sĩ của trường hiện nay, đang có 78 người làm nghiên cứu sinh; đồng thời, có 56 người đang học cao học. Đặc biệt, toàn trường có 36 người đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Do vậy, số giảng viên có trình độ sau đại học đã lên tới 89%.

Hiện, ĐH Đồng Tháp là trường có sự phát triển đội ngũ nhanh và năng động với 435 lượt người đi học nâng cao trình độ, tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng từ sự hỗ trợ đặc biệt của tỉnh Đồng Tháp.

Riêng với các giảng viên trẻ, họ vẫn luôn tâm niệm, những khó khăn, thử thách và cả cơ hội luôn chờ đợi mình ở phía trước. Nhưng với hành trang cuộc sống được gom góp từ sự nỗ lực phấn đấu, từ tình yêu, hạnh phúc, từ khích lệ, giúp đỡ to lớn của nhà trường và sự động viên của gia đình, bạn bè,… họ sẽ vẫn sẽ không ngừng cố gắng với niềm tin vào tương lai, hạnh phúc, thành công.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ