Thầy giáo Vật lý tỏa sáng nơi núi rừng Tây bắc

GD&TĐ - NGƯT. Ngô Quang Tuấn, Trường THPT Chuyên Sơn La được học sinh yêu mến và có nhiều thành tích cao trong đào tạo học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế.

Thầy Tuấn (thứ 2 bên trái) đang hướng dẫn các em học sinh tại lớp học.
Thầy Tuấn (thứ 2 bên trái) đang hướng dẫn các em học sinh tại lớp học.

Sinh ra trong gia đình nhà giáo

Thầy Tuấn sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm nghề giáo ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 1989, thầy Ngô Quang Tuấn nộp hồ sơ vào ngành sư Vật lý, Trường Đại học Sư phạm II (Vĩnh Phúc) và đỗ thủ khoa. Sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy lên Sơn La nhận công tác và được phân công giảng dạy môn Vật lý tại Trường Chuyên văn toán (thị xã Sơn La). Năm 1995, thầy Tuấn nhận công tác tại trường Năng khiếu tỉnh (nay là Trường THPT Chuyên ở TP. Sơn La).

Thầy Tuấn cho hay: “Vật lý là môn học trừu tượng với nhiều công thức, định luật, khái niệm. Bởi vậy, nhiều học sinh thường lo lắng. Các em cho rằng kiến thức nhiều, khó, khô khan. Để có bài giảng cuốn hút, tôi đã tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, thường xuyên lên các diễn đàn tìm những cách giải hay để rút kinh nghiệm”.

“Trong giảng dạy, tôi luôn chủ động tiếp cận học sinh bằng việc chia nhóm, để các em cùng chất vấn, trao đổi, sau đó kiểm tra, đánh giá. Nhờ vậy, các tiết học của tôi không còn căng thẳng với nhiều kiến thức trừu tượng nữa, học trò có những giây phút thoải mái để tiếp nhận kiến thức”, thầy Tuấn nói.

Theo thầy Tuấn: "Ngoài việc giảng dạy, tôi còn được Sở GD&ĐT phân công ôn luyện và phụ trách đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý các cấp. Trong ôn luyện đối tượng học sinh giỏi, năng lực học tốt, đôi lúc mình cũng khá áp lực khi bồi dưỡng cho các em. Có khi mất nhiều đêm để ra đề ôn, vậy mà hôm sau chỉ “ào” một cái các em đã giải xong".

Trong quá trình ôn luyện, thầy tổ chức giảng dạy theo cách định hướng, khơi dậy niềm đam mê, dẫn dắt. Không những vậy, thầy Tuấn còn mượn thêm sách, tài liệu của một số thầy cô ở các trường chuyên nổi tiếng, phô tô mang về cho các em nghiên cứu.

Thầy Tuấn trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với vợ cùng công tác chung trường.

Thầy Tuấn trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với vợ cùng công tác chung trường.

Em Nguyễn Thị Hồng Hà, học sinh lớp 11 chuyên Lý, cho biết: “Em được thầy Tuấn hướng dẫn rất tận tình. Thầy luôn định hướng, tạo điều kiện tối đa cho chúng em phát huy năng lực của mình. Em sẽ cố gắng tích cực trau dồi kiến thức, hy vọng đạt thành tích cao trong học tập. Đó cũng là món quà em muốn tặng người thầy, em vô cùng quý trọng”.

Đào tạo học sinh "giật" nhiều giải thưởng

Nhiều năm gắn bó với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Tuấn đã đưa bảng thành tích học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THPT Chuyên Sơn La ngày càng dày lên. Tính đến nay, trường có 127 giải học sinh giỏi cấp tỉnh (16 giải nhất, 30 giải nhì, 38 giải ba, 43 giải khuyến khích); 23 giải học sinh giỏi quốc gia (3 giải nhì, 9 giải ba, 11 giải khuyến khích).

Đặc biệt, trong các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế và khu vực năm 2012, 2013 đã giành 5 huy chương, gồm: 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế (Ipho); 1 HCV, 1 HCB Olympic Vật lý châu Á (Apho) và 1 HCB Olympic Vật lý thế giới (Wpho). Nhưng thầy giáo Tuấn luôn khiêm tốn cho rằng, đó là kết quả của cả tập thể nhà trường và sự nỗ lực của học sinh.

Toàn cảnh buổi họp chuyên môn của thầy Tuấn và đồng nghiệp.

Toàn cảnh buổi họp chuyên môn của thầy Tuấn và đồng nghiệp.

Em Nguyễn Đình Vũ, lớp 12 chuyên Lý, cho biết: “Trong môn học của thầy Tuấn em thấy rất thoải mái, không bị áp lực bởi tính trừu tượng của nó. Phương pháp giảng dạy của thầy Tuấn giúp em hào hứng, không thấy căng thẳng trong học tập”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy môn Vật lý, thầy Tuấn nói: "Để phát hiện tài năng, bồi dưỡng các em đi thi học sinh giỏi, nhất là thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế là một quá trình dài và khó, bởi kiến thức thi rất rộng. Vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn vững, người làm công tác bồi dưỡng phải luôn chủ động nghiên cứu, tham khảo, học hỏi nhiều tài liệu chuyên môn cả trong nước và nước ngoài.

Từ đó chọn lọc, tích hợp vào kiến thức ôn tập cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng cần linh hoạt, đổi mới cách truyền đạt kiến thức, sẵn sàng lắng nghe, đồng hành với các em trong quá trình học tập, ôn luyện để trò thêm vững vàng, tự tin trước mỗi kỳ thi".

Là một trong những học sinh xuất sắc đang được thầy Tuấn bồi dưỡng nâng cao, em Trần Văn Phong, lớp 12 chuyên Lý cho hay: "3 năm học tại trường THPT Chuyên, dưới sự hướng dẫn của thầy, em đã trau dồi được nhiều kiến thức của môn Vật lý. Thầy luôn đồng hành cùng em trong suốt thời gian em ôn tập, dự thi và đoạt giải Ba quốc gia môn Vật lý, năm học 2022 - 2023".

Cúp, huy chương về thành tích dạy tốt của thầy Tuấn và người vợ được cất giữ trong tủ.
Cúp, huy chương về thành tích dạy tốt của thầy Tuấn và người vợ được cất giữ trong tủ.

Nhiều năm liền, Sở GD&ĐT phân công thầy Tuấn làm giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THPT; ra đề thi và chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài công tác giảng dạy, thầy Tuấn còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận và áp dụng trong ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THPT Chuyên và Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh.

Ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy, thầy giáo Ngô Quang Tuấn đã được tặng danh hiệu Nhà giáo Uu tú và được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen. Với thầy giáo Tuấn, phần thưởng cao quý nhất là thành tích của học trò trên đấu trường Vật lý quốc gia, quốc tế. Hạnh phúc nhất của thầy Tuấn là được cống hiến cho sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh Sơn La.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.