Thầy giáo thắp sáng tương lai cho học sinh vùng cao

GD&TĐ - Nhiều năm giảng dạy ở miền núi, thầy Hợi đã cống hiến sức trẻ vì sự phát triển giáo dục với mong muốn học sinh trưởng thành, phục vụ quê hương.

Nhiều năm gắn bó với giáo dục miền núi, thầy Hợi luôn nỗ lực, tận tâm vì học trò.
Nhiều năm gắn bó với giáo dục miền núi, thầy Hợi luôn nỗ lực, tận tâm vì học trò.

15 năm dốc sức “trồng người”

Thầy giáo Bùi Văn Hợi (giáo viên dạy môn Địa lý, Trường THPT Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, bản thân sinh ra ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nhưng đã bén duyên, sinh sống ở huyện miền núi Đakrông hơn 15 năm. Năm 2006, khi vừa tốt nghiệp đại học, thầy Hợi về công tác tại Trường THPT Đakrông (thị trấn Krông KLang, huyện Đakrông). Lúc mới về công tác, ngôi trường này mới 5 năm tuổi.

“Khi đó, vùng Tà Rụt chưa có trường phổ thông nên học sinh nơi đây đi học rất xa. Không có phương tiện đi lại, các em phải ở trọ để học tập. Thế nhưng, trên địa bàn chỗ trọ cũng thiếu thốn nên học sinh phải dựng lán ven suối để tiện cho việc học tập. Sau này nhà trường đã bố trí cho các em dãy phòng ở trong trường để tiện việc sinh hoạt. Tôi ở khu tập thể sau trường, cũng gần với các em. Mỗi lần đến thăm, động viên học sinh, tôi đều thấy xót xa. Các em chỉ ăn cơm trộn muối, măng rừng mang từ nhà theo, thức ăn không có. Thỉnh thoảng các em đi chợ thì bữa ăn mới có thịt, cá”, thầy Hợi nhớ lại.

Với vai trò Tổ trưởng chuyên môn, thầy Hợi đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới việc dạy học.

Với vai trò Tổ trưởng chuyên môn, thầy Hợi đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới việc dạy học.

Trước đây, nhận thức của người dân nơi đây còn hạn chế. Phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con cái nên phó mặc cho địa phương và nhà trường. Chính vì vậy, công tác vận động học sinh trở thành việc làm thường xuyên trong mỗi năm học.

Thầy Hợi không thể nhớ cụ thể bao nhiêu lần trèo đèo lội suối đến từng bản vận động phụ huynh cho con đến trường. Những chuyến đi vận động học sinh có thể kéo dài từ 2-3 ngày, vào tận những địa bàn xa xôi như: Tà Long, Húc Nghì, Ba Nang... Thời điểm đó, đường giao thông nhiều nơi chưa thông suốt như bây giờ nên phải đi bộ, vượt núi, lội suối đến các bản.

“Thầy, cô giáo trong trường phải bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan để vận động học sinh đến lớp. Qua những chuyến đi thực tế vận động học sinh, thầy, cô giáo hiểu thêm về hoàn cảnh khó khăn của các em để tìm cách giúp đỡ”, thầy Hợi tâm sự.

Quan tâm giúp đỡ học sinh khó khăn

Được giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp, thầy giáo Bùi Văn Hợi có điều kiện để sát cánh với học sinh, theo dõi các em trong từng bước trưởng thành, kịp thời uốn nắn các em. Không chỉ dạy về kiến thức, thầy còn thay mặt phụ huynh để chăm lo cho các em từng chút, giúp các em yên tâm học tập.

Trong công tác chuyên môn, nhằm giúp học sinh tiếp thu hiệu quả bài giảng, thầy Hợi luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức thực hiện các chuyên đề dạy học các cấp đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thầy Hợi còn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh tham gia thi nghiên cứu KHKT, thi “Sáng tạo trẻ”; tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, hoạt động tình nguyện...

Đặc biệt, thầy giáo Bùi Văn Hợi đã hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu KHKT năm 2020-2021 đạt giải Nhì cấp tỉnh, với đề tài: Hệ thống cảnh báo và ngăn chặn tự động tại các ngầm tràn vào mùa mưa lũ. Đề tài trên được thầy và trò nghiên cứu xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương.

Thầy Hợi tham gia hướng dẫn học sinh thi Khoa học kỹ thuật và đạt giải cao.

Thầy Hợi tham gia hướng dẫn học sinh thi Khoa học kỹ thuật và đạt giải cao.

Theo đó, tại nhiều tuyến đường giao thông ở các địa bàn vùng núi, nông thôn có nhiều ngầm tràn qua sông, qua suối. Đây là công trình cống thoát nước kết hợp đường giao thông được xây dựng ngang qua sông, suối. Vào mùa mưa lũ, nước qua ngầm tràn vừa sâu, vừa chảy xiết, vì vậy việc đi lại của người dân và các phương tiện giao thông rất nguy hiểm.

Dù một số ngầm tràn đã lắp đặt cột thủy chí và biển cảnh báo mức nước ngập, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ngầm tràn chưa có thiết bị cảnh báo, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Hệ thống ngăn chặn và cảnh báo tự động việc qua lại ở các ngầm tràn khi nước lũ dâng cao để hạn chế những tai nạn bị lũ cuốn có thể xảy ra với người dân khi cố vượt qua các ngầm tràn vào mùa mưa lũ.

Trường THPT Đakrông có đông đảo học sinh là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô theo học, nên yếu tố chất lượng luôn được nhà trường quan tâm hàng đầu. Vào các năm học, nhà trường luôn xây dựng kế hoạch giúp đỡ học sinh, bồi dưỡng bổ sung kiến thức để các em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhờ đó, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp nâng lên hàng năm.

Nhiều năm công tác tại miền núi, thầy Hợi hiểu thêm về đời sống văn hóa địa phương, đồng thời nhận thấy cuộc sống của nhân dân có thay đổi, nhận thức của bà con về việc cho con em đi học được nâng lên. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến phong tục, lối sống của bà con khiến thầy còn nhiều điều trăn trở.

“Đối với học sinh trên địa bàn, đối tượng học sinh tốt nghiệp cấp THCS còn nhiều nhưng nhiều em không đi học tiếp, một số ít đi học nghề, còn đa số nghỉ học đi làm thuê, làm công nhân. Học sinh nữ thì lập gia đình, từ đó nảy sinh nạn tảo hôn…”, thầy Hợi cho hay.

Nhằm giúp đỡ học sinh, Trường THPT Đakrông đã kết nối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ các em về đồ dùng học tập và các vật dụng cần thiết, trao học bổng hỗ trợ học tập; vào mỗi năm học đều cho các em ở xa mượn phương tiện đến trường... Thầy Hợi cũng là cá nhân tích cực trong hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ học sinh khó khăn.

Quá trình công tác, thầy Bùi Văn Hợi đã được trao tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị, Giấy khen của Sở GD&ĐT và nhiều danh hiệu khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ