Vực dậy sức học của những đứa trẻ vùng quê
Năm 1993, thầy Lê Công Thuận (SN 1972, trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tốt nghiệp Sư phạm Toán – Trường Đại học Sư phạm Vinh và được phân công về dạy tại các trường THCS trên địa bàn huyện Can Lộc.
Những năm đầu trở về trên mảnh đất quê hương công tác, thầy giáo trẻ luôn năng nổ trong mọi hoạt động của nhà trường và địa phương. Với những đóng góp của mình, thầy được giao nhiều nhiệm vụ từ Bí thư Đoàn trường, Tổ trưởng tổ chuyên môn, Phó hiệu trưởng, phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi...
Thầy Thuận luôn là người đi đầu trong các phong trào ở nhà trường và địa phương. |
Sau một thời gian công tác tại Trường THCS Thượng Lộc và Trường THCS Đặng Dung, với những thành tích xuất sắc về chuyên môn, thầy Thuận được điều động lên Trường THPT Đồng Lộc giảng dạy.
Ở môi trường cấp 3, thầy Thuận đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán. Sau đó, thầy được chuyển về trường chuyên cấp 2 trên địa bàn huyện Can Lộc.
“Những năm 1993 – 2013, khi công tác ở các trường trên địa bàn xã Trung Lộc, Quang Lộc, Tùng Lộc… thấy điều kiện học tập của các em học sinh vô cùng khó khăn nên học lực bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, tôi đã vận động nhiều phương pháp, giúp các em vươn lên trong học tập.
Thời điểm đó, nhiều em học sinh không có sách để học, vậy nên tôi phải thường xuyên tạo điều kiện cho các em mượn sách vở tài liệu để ôn bài. Ngoài ra, những học trò vùng quê sau buổi học phải giúp bố mẹ việc đồng áng, nên tranh thủ vào buổi tối, tôi gọi các em đến nhà để bồi dưỡng miễn phí thêm. Từ đó, học lực của các em dần cải thiện”, thầy Thuận chia sẻ.
Thầy Thuận thay mặt các nhà hảo tâm trao quà đến những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh. |
Năm 2014 đến nay, thầy Thuận về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Dung (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc). Thầy tâm sự: “Trước khi về Đặng Dung, trường xếp thứ 16 trong thành tích học tập khối THCS của huyện Can Lộc nhưng nay nhiều mặt nhà trường đã dẫn đầu”.
Như năm học 2018- 2019, Trường THCS Đặng Dung có 8 học sinh giỏi cấp tỉnh trong đó có 5 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba cấp tỉnh, phong trào hoạt động giáo dục được Đảng bộ, nhân dân xã Tùng Lộc, Phòng GD&ĐT Can Lộc, Hà Tĩnh đánh giá cao.
Đối với Trường THCS Đặng Dung, với trách nhiệm người đứng đầu, ngoài công tác quản lý, giảng dạy, thầy Lê Công Thuận đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương, huy động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng thành công trường đạt “Chuẩn quốc gia” sau 10 năm, giai đoạn 2016- 2020.
Năm học 2021-2022 ngôi trường thầy Thuận công tác được khen thưởng về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi. |
Nói về những nỗ lực trong quá trình truyền đạt kiến thức cho học trò và những kết quả đạt được, thầy Thuận bộc bạch: "Hạnh phúc của người cầm phấn là khi những sản phẩm, bài giảng của mình có thể truyền đạt hết đến học trò. Khi học trò thành công chính là khi mình vui nhất.
Ngoài ra, quá trình công tác, tôi luôn được đồng hành với những người thầy, người cô có ý thức xây dựng, ai cũng muốn góp sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng nhà trường, nơi mình đến công tác. Những thành công của tôi không chỉ một mình mà là cả tập thể".
Tính đến năm 2018, thầy Thuận đã có hàng chục đề tài sáng kiến khoa học đạt bậc 4, bậc 4 xuất sắc cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2004 – 2005, thầy Thuận đạt giải Nhất tỉnh Hà Tĩnh trong cuộc thi “Giáo viên giỏi” tỉnh Hà Tĩnh môn toán bậc THCS và có sản phẩm sáng tạo KHKT đạt giải Nhất cấp huyện, dự thi toàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đạt giải và được trưng bày ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh
Không chỉ giỏi về chuyên môn, quản lý, mà khoảng từ năm 2007 trở lại nay, thầy Lê Công Thuận đã thông qua nhiều phương tiện để kết nối các nhà hảo tâm, giúp đỡ được hàng chục hoàn cảnh đặc biệt éo le khó khăn trên địa bàn huyện Can Lộc và một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 2021, thầy Thuận kết nối các nhà hảo tâm và các tờ báo giúp đỡ hoàn cảnh học sinh Hà Thị Tân (Trường THCS Đặng Dung) số tiền hơn 500 triệu đồng. |
“Chính xác là từ năm 2004, tôi tranh thủ thời gian ngoài giờ công tác, tôi tham gia vào các nhóm thiện nguyện đi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Nói thật, thời điểm đó đồng lương giáo viên không đủ trang trải nên mình giúp sức cho các đoàn thiện như một tình nguyện viên thôi”, thầy Thuận kể.
Năm 2010, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra trận lũ lịch sử, nhiều gia đình nông thôn bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là sách vở, dụng cụ học tập của các em học sinh bị lũ cuốn trôi, việc khắc phục để học tập vô cùng khó khăn. Tình yêu thương học trò không cho phép thầy Thuận được ngồi yên nên thầy đã quyết tâm vận động các mạnh thường quân ở khắp mọi nơi để giúp học trò.
“Tôi đã bắt đầu kết nối với các nhà hảo tâm vận động áo quần, sách vở, máy tính cầm tay… để các em học sinh trên địa bàn huyện Can Lộc quay lại trường học tập sau những thiệt hại do thiên tai gây ra. Quá trình vận động, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, từ đó tôi mới thực sự bén duyên với công tác thiện nguyện”, thầy Thuận nhớ lại.
Theo thầy Thuận, từ năm 2006 - 8/2013, khi công tác tại Trường THCS Quang Lộc, thầy đã kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài ngành Giáo dục tặng 25 máy tính bàn, hai máy chiếu, một máy phô tô, nhiều máy tính casio cầm tay, hàng vạn quyển vở, hàng vạn cây bút viết, cặp sách, áo quần trị giá hơn 500 triệu đồng.
Nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà trường và các em học sinh nghèo ở xã Quang Lộc, đưa phong trào dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin, phong trào học sinh giỏi, nhất là giải toán trên máy tính casio của THCS xã Quang Lộc lên hàng đầu của huyện Can Lộc.
Ngoài việc kêu gọi giúp đỡ các em học sinh tại ngôi trường mà mình công tác, 15 năm qua, thầy Thuận cũng kết nối giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le, bệnh tật vươn lên trong cuộc sống. Thầy cũng vận động được các mạnh thường quân xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho người dân trên quê hương mà thầy sinh ra.
Như trường hợp của em Hà Thị Tân (SN 2010, học sinh Trường THCS Đặng Dung, trú xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc), năm 2021, mẹ của em Tân trong khi đi bắt ốc về nuôi 3 con thơ và một đứa cháu ăn học không may lên cơn động kinh ngã chết bên bờ ruộng.
Biết hoàn cảnh đáng thương của học trò, thầy Thuận đã kêu gọi các nhà hảo tâm và kết nối với một số tờ báo giúp đỡ hoàn cảnh trên với số tiền hơn 500 triệu đồng. Món quà lớn trên đã giúp các em vượt qua khó khăn vươn lên học tập.
“Tôi không thể thống kê được bao nhiêu hoàn cảnh mình đã kết nối giúp đỡ, với tôi làm được càng nhiều cho người kém may mắn thì càng tốt. Không chỉ các hoàn cảnh trên địa bàn huyện Can Lộc mà biết thông tin ở các huyện Hương Khê, Kỳ Anh… có người đặc biệt khó khăn tôi đều kết nối”, thầy Thuận chia sẻ.
Không chỉ kết nối giúp đỡ học sinh trên địa bàn, mà nhiều hoàn cảnh éo le nếu có thông tin thầy Thuận đều kết nối giúp đỡ. |
Đặc biệt, thầy Thuận luôn nhận được sự đồng tình từ gia đình, chính người vợ luôn động viên, chia sẻ để thầy thực hiện công tác thiện nguyện. Thầy Thuận thổ lộ: “Vợ thường giúp tôi bằng cách lên danh sách các trường hợp khó khăn mà cô ấy biết, lo việc ở trường, nuôi dạy con để chồng có thời gian lo công việc xã hội. Vì vậy mà 2 cháu của vợ chồng tôi đều học giỏi và ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ”.
Cũng theo thầy Thuận, để hoàn thành tốt chuyên môn và công tác thiện nguyện, thầy luôn có sự phân công cụ thể cho bản thân, không để hoạt động xã hội ảnh hưởng đến chuyên môn. Ngoài ra, thầy luôn được các cấp ngành và đồng nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ trong các hoạt động của mình.
“Tôi luôn đặt công việc được giao lên hàng đầu, còn khi làm thiện nguyện tôi muốn góp phần giáo dục lòng nhân ái, trách nhiệm của con người với con người trước hết cho học trò của mình. Từ đó mà lan tỏa tình yêu thương trong xã hội”, thầy Thuận tâm sự.