Thấy gì qua cuộc gặp lịch sử Trump-Putin?

GD&TĐ - Ngày thứ sáu (7/7), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hamburg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin có cuộc gặp mặt đầu tiên. Đây là cuộc gặp hết sức quan trọng, được dư luận chờ đợi từ lâu, bởi Nga và Mỹ là hai cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất tới hòa bình và an ninh của thế giới.

Thấy gì  qua cuộc gặp lịch sử  Trump-Putin?

Kịch bản của Washington bị…phá sản

Theo kịch bản được dàn dựng từ Washington thì cuộc gặp Donald Trump- V.Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức) chỉ kéo dài 30 phút. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc đàm đạo đầu tiên giữa Trump và Putin kéo dài tới 2h17’.

Còn nhớ vào đêm trước khi Donald Trump lên đường sang dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hamburg và có cuộc gặp với Tổng thống Nga, báo chí Mỹ đã đăng tải “gói kiến nghị” của nhóm nghị sĩ Mỹ gửi Tổng thống, theo đó, họ đề nghị ông Trump “không được tỏ ra thân thiện” với V.Putin, đặc biệt, không trả các ngôi nhà bị niêm phong ở Mỹ trước đó cho Bộ Ngoại giao Nga.

Tuy nhiên theo Sputnik, phát biểu sau cuộc gặp gỡ, Donald Trump khẳng định: Được gặp ông Putin là điều may mắn! Giải thích tại sao cuộc đàm đạo kéo dài hơn dự kiến, cả hai bên đều khẳng định là do câu chuyện Nga có tấn công cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay không.

Theo lời ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nội dung cuộc đàm đạo đầu tiên của donald Trump và V.Putin gồm 4 nội dung.

Thứ nhất, hai Tổng thống Nga và Mỹ nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở phía tây Syria (khu vực Daraa, Quneitra và Suwayda). Lệnh ngừng bắn là có hiệu lực vào lúc 12:00 ngày Chủ Nhật (9/7). Nên nhớ rằng ở Syria với sự trung gian của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hiện đang được tạo ra bốn khu vực được bảo vệ bởi quân đội nước ngoài.

Thứ hai, Mỹ và Nga đã đồng ý để tạo ra một “kênh hai chiều” cho Ukraine. Trước đó, Moskva và Washington có một cuộc đối thoại trực tiếp về vấn đề này thông qua các phụ tá Tổng thống Nga, ông Vladislav Surkov và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland. Tuy nhiên, sau sự thay đổi của chính quyền Mỹ, bà Nuland rời khỏi Bộ Ngoại giao. Vào ngày thứ Sáu, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bổ nhiệm đại diện đặc biệt của Mỹ ở Ukraine- cựu đại sứ tại NATO Kurt Volker. Sergey Lavrov đã mời ông đến thăm Moskva.

Chủ đề thứ ba của các cuộc đàm phán là an ninh mạng. Rex Tillerson thông báo rằng Donald Trump bắt đầu cuộc trò chuyện với người đồng cấp Nga với chủ đề: Cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ. V. Putin cam đoan với Donald Trump rằng không có sự can thiệp. Sergey Lavrov cũng cho biết, vấn đề an ninh mạng sẽ được một nhóm công tác đặc biệt của Liên bang Nga và Mỹ cùng tham gia hợp tác. Cũng theo lời Rex Tillerson, sẽ dẫn đến một hiệp định khung về hoạt động của nhóm này.

Thứ tư, theo lời Sergei lavrov, V.Putin và Donald Trump đã đồng ý thúc đẩy quá trình bổ nhiệm đại sứ mới.

Cuối cùng, theo Sergei Lavrov, trong cuộc đàm phán, ông đã nêu ra chủ đề về tài sản ngoại giao của Nga bị phong tỏa ở Mỹ. Tuy nhiên, tại cuộc gặp song phương này, chuyện trả lại tài sản ngoại giao cho Nga chưa được Mỹ xem xét.

Những khác biệt trong đánh giá cuộc gặp Trump-Putin

Báo chí Nga đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp gỡ mà họ cho là lịch sử này. Theo tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức) thì kênh truyền hình nhà nước Nga hân hoan thông báo rằng “Melania Trump hầu như không thể kéo chồng ra khỏi Putin”. Còn tại Talk-show “60 phút” của Evgeny Popov, cụm từ “số phận của thế giới được quyết định tại Hamburg” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Cuối cùng, hầu như tất cả đều khẳng định: Nga đã trở lại chính trường thế giới với tư cách của một siêu cường. Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ quốc tế của Câu lạc bộ “Valdai” Fyodor Lukyanov tin rằng cuộc gặp giữa Trump và Putin là sự kiện chính của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, bởi nó cụ thể hơn các sự kiện còn lại.

Theo Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về các vấn đề quốc tế Konstantin Kosachev, cuộc gặp gỡ đã mang lại một “bước đột phá” trong quan hệ giữa hai siêu cường. Còn tờ “Moskovsky Komsomolets” ví cuộc gặp này như cuộc hội ngộ Nga-Mỹ trên sông Elbe sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Nói thì nói vậy nhưng không ít các nhà phân tích ở Nga tỏ ra khá thận trọng với Donald Trump. Theo họ, một con người có thâm niên “tiền hậu bất nhất” như ông Trump thì chưa vội…mừng!

“Chúng tôi vẫn chưa thể biết rằng Trump sẽ thực hiện được bao nhiêu điều khoản cụ thể trong thỏa thuận, bởi “vấn đề nước Nga” vẫn còn khá nặng nề ở Washington. Tất cả những gì ông ấy nhất trí đang bị nghi ngờ ở Washington”- Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Andrei Kortunov nhận định.

Tuy nhiên, ở “bên kia chiến tuyến”, dư luận đánh giá cuộc gặp Trump-Putin lại hơi khác. Phóng viên Julian Hans của tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung cho rằng: “Moskva đang ngày càng hưng phấn và ở Washington - căng thẳng”.

Một trong những đại diện hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, ông Chak Shumer gọi là cuộc gặp gỡ giữa Trump và Putin là “điểm thấp nhất” của Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Theo ông, các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Tổng thống Nga đã cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, và “Trump, rõ ràng đã thừa nhận thực tế của Putin và như vậy gần như chắc chắn đã bật đèn xanh cho việc can thiệp vào các cuộc cuộc bầu cử trong tương lai”.

Tuy nhiên, dù muốn hay không, cái bắt tay của Donald Trump và V.Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hamburg sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ. Nói như Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert McMaster thì “đây là sự khởi đầu của một cuộc đối thoại về một số vấn đề phức tạp hơn mà chúng tôi bắt đầu làm việc với nhau”. Thiết nghĩ, nhận định như vậy là đúng mực.

Theo Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về các vấn đề quốc tế Konstantin Kosachev, cuộc gặp gỡ đã mang lại một “bước đột phá” trong quan hệ giữa hai siêu cường. Còn tờ “Moskovsky Komsomolets” ví cuộc gặp này như cuộc hội ngộ Nga-Mỹ trên sông Elbe sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Nói thì nói vậy nhưng không ít các nhà phân tích ở Nga tỏ ra khá thận trọng với Donald Trump. Theo họ, một con người có thâm niên “tiền hậu bất nhất” như ông Trump thì chưa vội…mừng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ