Thay đổi tuyển sinh THCS đáp ứng yêu cầu thực tiễn

GD&TĐ - GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - ủng hộ nội dung trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông Bộ GD&ĐT mới công bố xin góp ý rộng rãi và cho rằng, đây là thay đổi cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thay đổi tuyển sinh THCS đáp ứng yêu cầu thực tiễn

- Theo GS, việc mở ra quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường THCS có số học sinh đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu có là cần thiết?

Trên thực tế, có những trường THCS gặp khó khăn trong tuyển sinh vào lớp 6 vì có số hồ sơ đăng ký vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trong trường hợp như vậy, các trường này buộc phải có động tác là tìm cách giảm bớt số lượng để lấy đủ học sinh mình có thể tiếp nhận. Vậy, việc Bộ GD&ĐT mở ra quy định này là cần thiết.

- Vậy các trường này có thể lựa chọn học sinh bằng cách nào, thưa GS?

Cách thứ nhất là dựa vào phân loại kết quả học tập ở tiểu học và có ưu tiên theo kết quả cao thấp của học bạ. Đây là giải pháp có nhiều ý nghĩa, vì nó tạo động lực để nâng cao chất lượng quá trình học tập. Tuy nhiên, trường có số lượng thí sinh đăng ký đông là trường chất lượng đào tạo tốt, phần lớn thí sinh đăng ký vào các trường này đều là học sinh có thành tích học tập nên việc lựa chọn khó khăn.

Vì khó khăn trên, nên phải vận dụng cả điểm ưu tiên. Nhưng có những trường dù đã sử dụng điểm ưu tiên nhưng danh sách học sinh đủ điều kiện vào vẫn nhiều hơn khả năng tiếp nhận. Đó là chưa kể, cách làm này có thể dẫn tới bệnh thành tích, “mưa giải thưởng” như đã từng diễn ra.

Nếu các trường sử dụng 2 cách trên mà vẫn số thí sinh vẫn nhiều hơn chỉ tiêu thì có thể bổ sung thêm phép chọn. Và trong thông tư sửa đổi, cách mà Bộ GD&ĐT đưa ra là: “Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh".

Cách này tôi cho là hợp lý trong điều kiện hiện nay.

- Có ý kiến băn khoăn cách làm này sẽ dễ dẫn tới một cuộc thi ở cấp THCS, là cơ hội phát triển luyện thi, dạy học thêm. GS nghĩ sao?

Thực tế, đã có một số trường thực hiện như dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT và khắc phục được băn khoăn nói trên. Ví dụ như Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) đã tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận. Việc đánh giá năng lực mà trường này thực hiện gần như bài phỏng vấn, kiến thức tổng hợp bằng Tiếng Anh. Với những bài thi như vậy, học sinh đi học thêm cũng không làm được.

- Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ