(GD&TĐ) - Một thẩm phán ở miền nam Italia đang đi tiên phong trong chương trình nhằm giúp con em của các ông trùm mafia thoát khỏi vòng tội phạm bằng cách tách chúng khỏi cha mẹ ngay khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên.
Ông chủ mafia có tên Salvatore Coluccio, bị bắt năm 2009 – là một trong nhiều mafia theo chân cha mình và gia nhập "Ndrangheta |
“Chúng ta cần tìm một cách để phá vỡ vòng truyền tải những giá trị văn hóa tiêu cực từ cha xuống con” – Roberto di Bella, Chánh án Tòa án dành cho thanh thiếu niên ở Reggio Calabria, nói.
Cha truyền con nối
Nơi đây tập hợp những mafia khét tiếng nhất cả nước – một mạng lưới tội phạm có tên là ‘Ndrangheta – gồm những kẻ buôn lậu cocain lớn nhất ở châu Âu.
Mafia luôn xây dựng những mối quan hệ máu huyết, đặc biệt là trong trường hợp của ‘Ndrangheta, khiến cho các lực lượng an ninh rất khó xâm nhập vào các nhóm của nó.
"Có một loại thử thách theo kiểu tôn giáo và thử thách của mafia được thực hiện khi bạn tới một độ tuổi nhất định” – Antonio Nicaso, người viết về gia đình ‘Ndrangheta nói. Theo ông “điều này có nghĩa là thông thường, con em của những ông chủ, đặc biệt là con đầu, sẽ phải theo bước chân của cha mình”.
Những cô con gái đôi khi bị thuyết phục cưới con trai của những ông chủ khác để kết nối các nhóm riêng rẽ với nhau thông qua các mối quan hệ huyết thống.
“Có bức thư từ những người phụ nữ viết về con gái mình bị buộc kết hôn với người mà họ không yêu, chỉ với mục đích tăng cường sức mạnh gia đình” – Nicaso cho biết.
Dọc theo eo biển Messina, mafia Sicilia đang bị cản trở bởi “Pentiti” – những kẻ ăn năn kết hợp với cảnh sát và thông báo về đồng bọn của mình. Tuy nhiên, các nhóm của Ndrangheta đã tạo ra tương đối ít những kẻ ăn năn như vậy và những quy tắc ứng xử được truyền một cách đơn giản từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Phá vỡ vòng tròn phạm tội
Trong những năm gần đây, tòa án của thẩm phán Di Bella đã xử lý con trai của các mafia – những người mà ông tuyên án từ khi còn là thanh thiếu niên hồi những năm 90. Do đó năm ngoái, ông quyết định rằng cần phải làm một điều gì đó..
Tòa án bắt đầu tập trung hơn vào trẻ em ở độ tuổi 14 - 15 của các gia đình mafia nổi tiếng, những cô cậu đã bắt đầu nhiễm tư tưởng mafia với những tội danh nho nhỏ.
Đến nay đã có khoảng 15 em như vậy, hầu hết là con trai – đã được tách khỏi người thân và mang đến những nơi chăm sóc. Đây không phải là nhà tù và chúng có thể trở về thăm nhà vài tuần một lần.
“Điều này luôn bắt đầu với một vụ án ở tòa. – Di Bella nói – Khi những trẻ em này bị buộc tội bắt nạt người khác, phá hoại xe hơi hay xe cảnh sát, các gia đình không làm gì thì chúng tôi sẽ can thiệp. Mỗi lần tôi phải mang một đứa nhỏ đi khỏi gia đình là mỗi lần tôi phải quyết định rất khó khăn”. Nhưng ông cho biết, đôi khi tòa án kết luận rằng không còn lựa chọn nào khác.
“Mục tiêu của chúng tôi là để những chàng trai trẻ được tự do về hẳn nhà, khi 18 tuổi, và các em sẽ chọn không bước vào thế giới tội phạm nữa” – Di Bella cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên những thanh thiếu niên từ các gia đình có vấn đề được quan tâm chú ý. Điều mới mẻ là quyết tâm của ông Di Bella khi can thiệp sớm và kết hợp chặt chẽ hơn với những nhân viên xã hội, các nhà tâm lý và những người khác để tạo cho những em nhỏ này một khởi đầu mới.
Chương trình trên vẫn được xem là “thử nghiệm” nhưng Di Bella hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều thanh thiếu niên sẽ được tách khỏi các gia đình mafia trong thời gian sắp tới. Sau đó chương trình này sẽ được nhân rộng tại nơi khác ở Italia.
Trẻ em bị lôi kéo vào ‘Ndrangheta như thế nào? ‘Ndrangheta lôi kéo trẻ em từ bên ngoài vào hàng ngũ của mình. “Họ đi xung quanh các vùng lân cận để tìm những đứa trẻ khỏe mạnh nhất, dũng cảm nhất rồi lựa chọn đứa tốt nhất. – Mario Nasone, một nhân viên xã hội có kinh nghiệm xử lý con em của ‘Ndrangheta cho biết - Chúng được “học việc một thời gian” và chứng tỏ rằng mình là người đáng tin cậy rồi ra mắt những ông chủ. Ai đưa những đứa trẻ này đến sẽ chịu trách nhiệm về chúng. Các em được làm cho tin rằng ‘Ndrangheta là một tổ chức gồm những người đặc biệt với một sự sùng bái và vinh dự”. |
Hà Châu (Theo BBC)