Thay đổi đáng chú ý trong quy chế mới thi chọn HS giỏi quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Khi được ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT.

Quy chế thi quy định về: công tác chuẩn bị thi; công tác đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo, xử lý kết quả thi; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và khen thưởng của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT và kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.

Thêm hình thức thi

Theo dự thảo, hằng năm Bộ GD&ĐT tổ chức 2 kỳ thi: kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT (gọi tắt là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) và kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic).

Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chỉ tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 5 đơn vị đăng ký dự thi.

Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính hoặc lập trình trực tuyến trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ. Các môn khác thi theo hình thức viết trên giấy.

Riêng các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học có thêm hình thức thi thực hành trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hai buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ; có một buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Thời gian làm bài thi của buổi thi viết và buổi thi môn Tin học là 180 phút.

Thời gian làm bài thi của buổi thi nói đối với các môn Ngoại ngữ: thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có hai buổi thi đối với mỗi môn thi; riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm một buổi thi thực hành. Thời gian làm bài thi đối với môn Tin học là 300 phút/buổi thi, môn Toán là 270 phút/buổi thi, các môn còn lại là 240 phút/buổi thi.

Thời gian làm bài thi của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học: thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Sửa đổi quy định về số lượng thí sinh trong đội tuyển

Nội dung thi nằm trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông, nội dung dạy học các môn chuyên cấp trung học phổ thông hiện hành; riêng Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, tiếp cận với nội dung thi Olympic quốc tế và khu vực.

Về số lượng thí sinh, dự thảo quy định: Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi được đăng ký dự thi với số lượng tối đa 10 thí sinh (riêng đơn vị dự thi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số lượng tối đa mỗi đội tuyển là 20 thí sinh).

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Số lượng thí sinh dự thi mỗi môn do Bộ GD&ĐT quyết định theo từng năm, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy chế này.

Quy định này thay đổi so với Thông tư số 02/2003/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Cụ thể, theo Thông tư số 02, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

Về địa điểm tổ chức coi thi, dự thảo quy định: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức coi thi tại mỗi đơn vị dự thi hoặc ghép các đơn vị dự thi cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ghép các đơn vị dự thi của các tỉnh khác nhau. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Tăng tỷ lệ giải

Theo dự thảo, chỉ xếp giải cá nhân (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích), theo từng môn thi. Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp, để xếp giải.

Tỷ lệ giải đối với mỗi môn thi được quy định: Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

(Theo quy định hiện hành, tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 50% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải).

Trên cơ sở phương án xếp giải do các Tổ chấm thi đề xuất, Chủ tịch Hội đồng chấm thi và Thường trực Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia xây dựng phương án xếp giải, trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Quyền lợi của học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng.

Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của Quy chế thi tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành.

Học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký và được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.