Đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTQ) là nhóm người xuất hiện từ lâu ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Tùy vào văn hóa, luật pháp mỗi quốc gia mà nhóm người này được thừa nhận hay phải chấp nhận sống trong… im lặng. Đối với thế hệ trẻ, điều này là không thể chấp nhận và họ đang quyết tâm thay đổi quan niệm của cả cộng đồng…
Một phần của cộng đồng
Theo ước tính, nhóm người đồng tính và song tính chiếm từ 3 - 5% dân số và có khoảng 2 - 3% dân số là người chuyển giới. Tại hội thảo mới đây về tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đại diện Bộ Y tế đưa ra con số cả nước có xấp xỉ 300.000 người chuyển giới và số người mong muốn được chuyển đổi giới tính còn rất nhiều.
Cũng như nhiều nước khác, từ năm 2015, Việt Nam đã chính thức công nhận quyền của người chuyển giới. Đây là sự kiện đáng nhớ với người chuyển giới và cả cộng đồng LGBT bởi nó mở ra nhiều hy vọng cho nhóm người yếu thế, lâu nay vốn không được công khai thừa nhận. Họ phải sống “trong bóng tối” với những thiệt thòi về chăm sóc y tế, giáo dục và việc làm bởi sự phân biệt, kỳ thị của nhiều người, trong đó có người thân, bạn bè, thậm chí cả nhân viên y tế.
Với chủ đề “Thủ đô tự hào - Capital of Pride”, trong suốt Tuần lễ Hanoi Pride 2017 đã diễn ra hơn 25 sự kiện lớn nhỏ cùng sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức cũng như dự kiến mở rộng về quy mô so với những năm trước. Điều đặc biệt, tại Tuần lễ Hanoi Pride 2017 sẽ đặc biệt chú trọng tới nhóm LGBT trung niên, cao tuổi. Đây là một điều chưa từng có trong cộng đồng LGBT Việt Nam.
Anh Hoàng Giang Sơn, đại diện truyền thông của Tuần lễ Hanoi Pride 2017 cho biết: “Trong tuần lễ đặc biệt này, chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng tới những người LGBT trung niên, cao tuổi. Chúng tôi muốn cả xã hội biết được những khó khăn mà họ đã và đang gặp phải trong cuộc sống xoay quanh vấn đề giới tính của mình. Đây là nhóm đối tượng mà những năm trước rất ít được nhắc tới nhưng năm nay họ sẽ được quan tâm nhiều hơn”.
Tại sự kiện Hanoi Pride 2017, hàng nghìn người đã để lại toàn bộ sự khác biệt về giới tính, tuổi tác, sở thích để cùng nhau hòa mình vào các tiết mục âm nhạc, nghệ thuật sôi động. Cũng tại sự kiện, những quy định kỳ thị đã được phổ biến rõ để đem đến sự tôn trọng, cảm thông và yêu thương cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam.
Hành trình tự hào
Năm 2012, lần đầu tiên lá cờ cầu vồng đã tung bay trong lễ hội Pride ở Hà Nội. Sau 5 năm liên tục được tổ chức thành công, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo mọi người, Hanoi Pride (trước đây là Việt Pride Hà Nội) đã trở thành một sự kiện thường niên kêu gọi xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTQ tại Việt Nam, góp phần tạo không gian an toàn, tôn vinh tình yêu, sự tự do và đa dạng cho tất cả mọi người.
Cũng theo anh Hoàng Giang Sơn, điểm sáng nhất của Hanoi Pride năm nay chính là sự kiện diễu hành và sân khấu tự hào. Hơn 4.000 người già có, trẻ có từ khắp mọi miền Tổ quốc. Họ là những người đồng tính, song tính, chuyển giới... hay đơn giản là các bạn trẻ luôn ủng hộ hết mình cho quyền của cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam. Ngoài ra, sự xuất hiện của các Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ hay các công ty đa quốc gia tại sự kiện như một phần khẳng định sự quan tâm của cả xã hội tới cộng đồng LGBT.
Lý giải cho việc năm nào cũng tổ chức sự kiện, thư ký của Hanoi Pride, anh Vương Khả Phong cho rằng, sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ sẽ chẳng bao giờ là không cần thiết. Có lẽ ở Hà Nội thì mọi người có thể tiếp cận nhiều thông tin hơn, nghe thấy hay đọc được nhiều bài viết về cộng đồng LGBTQ hơn, tuy nhiên đối với những bạn ở các tỉnh thành khác thì sao. Hanoi Pride không chỉ là một sự kiện dành cho cộng đồng LGBTQ tại Hà Nội, mà còn là một sự khẳng định, một sự kiện đánh dấu sự phát triển của phong trào vận động quyền của người LGBTQ trên cả nước. Nếu như Hanoi Pride được tổ chức thành công và được công chúng rộng rãi ủng hộ thì đây chính là niềm cảm hứng đối với các nhóm tổ chức khác trên khắp Việt Nam.
Thành viên cộng đồng người song tính tại Việt Nam (Bisexual in Vietnam), anh Hoàng Hải chia sẻ: Đây là lần thứ 6 mình tham dự Pride ở Hà Nội. Năm nào cũng vậy, mình luôn háo hức mong chờ tham dự Pride vì đây là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của bản thân mình cũng như của cả cộng đồng LGBTQ. Năm 2012, anh Hải lần đầu dám công khai xu hướng tính dục ở nơi công cộng và đây cũng là lần đầu tiên anh Hải cảm thấy an toàn và nhận được nhiều sự ủng hộ đến thế từ những người xung quanh.
“Thông qua sự kiện này, mình muốn nhiều hơn nữa những thành viên trong cộng đồng có những trải nghiệm giống mình, được thấu hiểu hơn, được sống đúng với mong muốn và sự lựa chọn của bản thân và chỉ có như vậy, phong trào vận động quyền của người LGBTQ mới có thể tiếp tục tạo thêm những thay đổi tích cực trong xã hội” - anh Hải khẳng định.