Alexaner Koltypin cho rằng ngay từ thời cổ đại đã xuất hiện loại xe địa hình khổng lồ, dấu vết còn để lại đến tận ngày hôm nay cho thấy đã qua 12-14 triệu năm.
Tiến sỹ Koltypin nhận định, những đường rãnh bí ẩn ở thung lũng Phrygian ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ là do nhân tạo chứ không phải được tạo ra từ quá trình tự nhiên.
"Giả sử rằng bánh xe của người tiền sử đã đi qua một bề mặt đất xốp mềm, ẩm ướt. Và vì trọng lượng rất lớn của xe nên độ lún cực sâu. Sau đó những đường lún này và toàn bộ bề mặt xung quanh dần hóa đá, bảo toàn mọi bằng chứng.
Những trường hợp thế này đã được biết đến trong địa chất, ví dụ dấu chân khủng long được "bảo tồn tự nhiên" theo cách tương tự", Koltypin nhận định.
TS. Koltypin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học tự nhiên tại Đại học quốc tế độc lập Moscow, vừa trở về từ chuyến đi thực tế đến Anatolia với 3 cộng sự.
TS. người Nga này cho rằng, các nhà khảo cổ tránh va chạm vấn đề này vì nó sẽ làm hỏng tất cả lý thuyết kinh điển của họ. "Tôi cho rằng chúng ta đang tìm thấy dấu hiệu của một nền văn minh tồn tại từ rất sớm trên thế giới này", ông nói.
Liên quan đến dấu vết để lại, Koltypin cho hay khoảng cách giữa mỗi cặp rãnh rất đều và phù hợp với khoảng cách giữa hai bánh xe ô tô trong xã hội hiện đại.
Độ sâu tối đa của rãnh là khoảng 1 mét.
"Là một nhà địa chất học, tôi có thể chắc chắn với bạn rằng dấu xe địa hình bí ẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ có từ 12-14 triệu năm trước đây", Koltypin tuyên bố.
Koltypin tốt nghiệp ĐH địa chất học khảo sát từ thời Xô Viết, sau đó làm việc như một nhà khoa học chính thống.
Mới đây, ông đã viết sách và khuyến khích những cuốn sách về bí ẩn khoa học thường thức.