Đáng nói, những bức bích họa này không chỉ làm đẹp cho trường học, làng xóm…, mà còn truyền tải thông điệp tình yêu quê hương, đất nước.
Bàn tay không mỏi
Những mảng tường cũ gần Trường Tiểu học Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) vừa khoác lên mình “tấm áo” mới. Đường làng như sáng đẹp với hàng chục bức tranh màu nước sống động. Nét vẽ tỉ mỉ, kỳ công của các thầy cô không chỉ khắc họa khung cảnh làng quê yên bình, mà còn mở ra cả một không gian văn hóa.
Cô Nguyễn Thị Mơ, Bí thư Đoàn Trường Tiểu học Cao Xá, chia sẻ: Với mong muốn tô điểm sắc màu cho cổng trường, tạo ngôi trường an toàn - thân thiện cho học trò, các thầy cô cùng đoàn viên đã tự tay vẽ những bức bích họa để truyền tải những thông điệp này. Hiểu được ý nghĩa thiết thực nên học sinh, phụ huynh, người dân đã đón nhận đầy trân trọng.
Cùng đó, đoàn viên nhà trường còn phối hợp với Đoàn xã Cao Xá vẽ nhiều bức bích họa trên tường trong các khu dân cư, nhà văn hóa thôn... để tuyên truyền sâu rộng về công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã. Quá trình thực hiện, nhóm giáo viên luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ chu đáo của nhà trường, chính quyền và người dân địa phương. Sự khích lệ tinh thần giúp các thầy cô tự tin theo đuổi ý tưởng làm đẹp quê hương.
Cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Sa Đéc, thị xã Phú Thọ nằm trong số các thầy cô tâm huyết với phong trào vẽ bích họa - chia sẻ: Trẻ em cần không gian thoáng đãng, gần gũi để vui chơi sau giờ tan trường. Trong khi đó, nhiều nơi công cộng, đường làng lại xuất hiện không ít cột điện, bức tường bị bôi bẩn. Từ thực tế này, tôi nảy sinh ý tưởng biến những góc “chết” này thành tác phẩm nghệ thuật bắt mắt.
Một bức bích họa đã được hoàn thiện bởi nhóm giáo viên Trường THCS Sa Đéc (thị xã Phú Thọ). |
Các bức bích họa do cô Phượng vẽ không chỉ đẹp, mà còn mang nội dung gần gũi, thân thuộc với học sinh, người dân và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa. Có bức vẽ là sự tái hiện lại nét đẹp làng quê xưa hòa quyện với diện mạo nông thôn mới, các di tích lịch sử văn hóa địa phương; có bức lại như thúc giục người dân hăng say lao động sản xuất, tích cực tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe...
Trong quá trình triển khai các bức bích họa, cô Phượng luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người. Thậm chí, địa phương, nhà trường còn hỗ trợ kinh phí để cô mua sơn màu, cọ vẽ. Cô Phượng bên cạnh đóng góp công sức cũng tự nguyện mua sắm thêm nguyên vật liệu.
Theo cô Phượng, điều may mắn với cô là lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc phù hợp, ủng hộ ý tưởng chỉnh trang trường lớp khang trang… nên thuận lợi hơn khi triển khai công việc.
“Ngoài ý nghĩa làm đẹp quê hương, điều tôi cũng mong muốn khi thực hiện các bức bích họa tường là truyền cảm hứng, đam mê hội họa tới học sinh. Tôi sẵn sàng hướng dẫn các em vẽ khi cần; tìm tòi và tạo các sân chơi, cuộc thi nghệ thuật bổ ích để học sinh phát huy năng khiếu...”, cô Phượng chia sẻ thêm.
Nói về dự định thời gian tới, cô Nguyễn Thị Phượng cho biết, tiếp tục phấn đấu có nhiều bức bích họa để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Đặc biệt, cố gắng tạo ra các bức bích họa sinh động ở nhà trường từ đó truyền tải thông điệp ý nghĩa, giúp học sinh cảm thụ và tăng thêm niềm đam mê hội họa. “Sự đón nhận, hưởng ứng của học sinh, người dân là niềm vui để tôi tiếp tục hành trình ý nghĩa”, cô Phượng hào hứng chia sẻ.
400 chân cột điện tại thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) biến thành các tác phẩm nghệ thuật. |
Lan tỏa thông điệp
Bí thư Đoàn xã Cao Xá, anh Đỗ Trường Thọ cho hay, thời gian qua, đoàn viên, giáo viên các nhà trường trên địa bàn đã chung sức làm đẹp quê hương, tích cực truyền tải thông điệp xây dựng nông thôn mới nâng cao thông qua vẽ tranh bích họa tại các trường học, nhà văn hóa, khu dân cư.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương, Ban Chấp hành Đoàn xã Cao Xá đã đăng ký thực hiện các công trình, phần việc như: Xây dựng điểm vui chơi thể thao cho thanh, thiếu nhi tại nhà văn hóa các khu dân cư; làm đường hoa, hàng cây thanh niên và bức tranh bích họa tuyên truyền, cổ động tại các khu trung tâm, trục đường chính, trường học...
Ban Chấp hành Đoàn xã Cao Xá đã chỉ đạo 15/15 chi đoàn khu dân cư và 4 chi đoàn trường học thực hiện nhiệm vụ. Thời điểm này, Ban Chấp hành Đoàn xã tổ chức vẽ điểm tại Nhà văn hóa khu dân cư số 9 và 4 trường học trên địa bàn.
Không chỉ ở huyện Lâm Thao hay thị xã Phú Thọ, phong trào tô điểm nhà trường, làng quê bằng những bức bích họa với nhiều thông điệp ý nghĩa đang lan tỏa ra các địa phương tỉnh Phú Thọ. Tại huyện Thanh Sơn, với tài năng và tâm huyết, 14 giáo viên Mỹ thuật trong 1 tháng đã biến 400 chân cột điện thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đây là hoạt động thiết thực của nhóm giáo viên để chào mừng sự kiện kỷ niệm 190 năm thành lập huyện.
Thầy giáo Mỹ thuật Nguyễn Nhật Tiếp (thị trấn Thanh Sơn) chia sẻ: Dù khối lượng công việc lớn, thời gian thi công ngắn, điều kiện thời tiết nắng nóng nhưng các bức bích họa đều được thực hiện một cách trau chuốt, tỉ mỉ. “Các bức tranh đa dạng về màu sắc với các chủ đề thiên nhiên, phong cảnh; biểu tượng mang thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... Việc làm đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và đông đảo nhân dân”, thầy Tiếp thông tin.
Tranh bích họa không chỉ làm đẹp cho những bức tường rêu phong, cũ kỹ tại các trường học, mà hơn thế đã truyền tải, gửi gắm nhiều thông điệp về cổng trường an toàn giao thông, hoạt động nhà trường... Qua đó góp phần tuyên truyền nâng cao nếp sống người dân, chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. - Cô Nguyễn Thị Mơ