Thầy cô "nước rút" cùng học trò vùng khó

Thầy cô "nước rút" cùng học trò vùng khó

Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô còn lên kế hoạch đưa rước, lo từng bữa ăn, chỗ ở cho thí sinh khi phải di chuyển đến điểm thi cách xa trường.

Tận dụng giai đoạn "nước rút"

Thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng – Lào Cai) cho biết: HS khối 12 vẫn tới trường và ôn tập 4 tiết/buổi sáng, buổi chiều giải đề thi trực tuyến 1 môn văn hóa. Trên cơ sở kết quả giải đề thi trực tuyến hằng ngày, trường điều chỉnh cách dạy của GV cho phù hợp với HS.

230 HS khối 12 của Trường THPT số 2 Bảo Thắng đã trải qua 4 lần kiểm tra, thi khảo sát. Với nhóm HS có điểm học lực yếu, nguy cơ không đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp, trường lọc riêng, giao GV giàu kinh nghiệm động viên, kèm cặp… đồng thời kết hợp nhóm HS học lực giỏi cùng giúp đỡ, bổ trợ.

Thầy Phạm Công Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa – Quảng Trị) chia sẻ: Hơn 90% HS của trường là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đời sống kinh tế khó khăn nên nhận thức và ý thức về học tập của HS chưa tốt. Dù trường tổ chức ôn tập miễn phí nhưng cũng chỉ có 50% trong tổng số 92 HS khối 12 đến ôn tập.

Mỗi tuần 3 buổi, HS dù tham gia không đông nhưng trường vẫn tổ chức lớp để củng cố kiến thức cho những HS đang nỗ lực, mặt khác cũng là cách để duy trì ý thức học tập của HS trong giai đoạn ôn thi.

HS Trường THPT Hướng Phùng đã tham gia kiểm tra chất lượng 2 lần và tỷ lệ đạt tốt nghiệp ở mức 30% - 40%. Tuy nhiên, thầy Phạm Công Hiền vẫn kỳ vọng với sự nỗ lực ôn tập của thầy và trò ở thời điểm "nước rút", tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn trường sẽ tăng lên ít nhất 50%.

Thầy Nguyễn Văn Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) bày tỏ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trường có 70 HS khối 12, công tác ôn luyện bước sang giai đoạn 2 vào các buổi sáng trong tuần.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Quảng Ninh, các trường sẽ phải chia HS theo nhóm, trình độ để ôn tập. Do số HS của trường ít, HS có năng lực và trình độ tương đối đồng đều nên trường giữ nguyên HS trong lớp để ôn tập, đồng thời có chế độ kèm thêm với em có học lực yếu.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Hà, tín hiệu đáng mừng khi thi theo cụm (trong đất liền), tâm lý HS không chủ quan và có sự nỗ lực cao trong ôn tập. Chính vì vậy, dù thời tiết ngoài đảo Quan Lạn khá nóng nực nhưng 100% HS đến lớp ôn tập. Nhà trường đẩy thời gian ôn buổi sáng sớm hơn 15 phút, bắt đầu từ 7 giờ sáng, kết thúc 11 giờ 15 phút để HS về nhà trước khi trời nắng gắt.

Thầy cô "nước rút" cùng học trò vùng khó ảnh 1
HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng – Lào Cai) thực hiện thi thử trực tuyến. Ảnh: NTCC

Theo sát học sinh trong ngày thi

Việc thi theo cụm trường đồng nghĩa HS sẽ phải di chuyển sang địa điểm khác. Với HS vùng khó, đây là cả vấn đề từ đi lại đến ăn ở. Chính vì vậy, sự chuẩn bị, hỗ trợ của nhà trường trong các khâu đưa đón, bố trí nơi ăn chỗ ở trong những ngày thi cho HS cũng phải tính toán kĩ càng.

Với HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng, cụm thi cách xa trường 12km. Nhà trường lên phương án thuê xe ô tô để đón đưa HS đến điểm thi và về. Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường tham mưu cho UBND huyện trong việc chỉ đạo trường nội trú huyện lo chỗ ăn ở cho HS có nhu cầu ở lại trong những ngày thi. HS ở khu nội trú được miễn phí chỗ ở, điện nước, tiền ăn 3 bữa thu với giá hỗ trợ (15.000 đồng/suất ăn sáng, từ 20.000 - 25.000 đồng/suất ăn trưa). UBND huyện sẽ cử trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn của HS hằng ngày.

Với những HS nhà gần, bố mẹ đưa đón trong những ngày thi, nhà trường yêu cầu đi theo nhómtừ 3 - 4 gia đình, tránh đi đơn lẻ để có thể hỗ trợ nhau trong những tình huống bất ngờ (xe hỏng, HS ngủ quên quá giờ thi....).

Thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng khẳng định: Dù số lượng HS đăng ký hỗ trợ chỗ ăn nghỉ, xe đưa đón trong kỳ thi nhiều hay ít, nhà trường vẫn bố trí xe đưa đón HS đầy đủ. Mặt khác, sẽ cử GV theo sát, hỗ trợ HS ở lại khu nội trú trong suốt quá trình thi. Với HS được gia đình tự đưa đón, trường sẽ có thông báo, nhắc nhở phụ huynh bảo đảm ăn uống, đi lại...

HS Trường THPT Quan Lạn sẽ vào đất liền dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Hải Đảo (Vân Đồn, Quảng Ninh). Thầy Nguyễn Văn Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn cho hay: Cũng như năm trước, ban giám hiệu nhà trường tiếp tục kêu gọi hỗ trợ tiền vé 300.000 đồng/2 lượt đi về/HS dự thi. Tổng số tiền nhà trường phải vận động cho 70 HS vào khoảng 21 triệu đồng.

Theo thầy Nguyễn Văn Hà, việc xin hỗ trợ kinh phí không quá khó, song điều lo nhất là không thể tổ chức cho HS ăn ở tập trung khi vào đất liền dự thi. Số HS đăng ký được hỗ trợ rất ít, đa số gia đình tự túc trong việc ăn ở. Như vậy, việc bảo đảm an toàn về thời gian đi lại trên bờ cũng như ăn nghỉ của HS, đến điểm thi đúng giờ… cũng khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, nhà trường sẽ cử GV túc trực tại điểm thi để hỗ trợ HS trong mọi tình huống cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ