Thầy cô, mái trường suối nguồn trong trẻo qua những vần thơ

GD&TĐ - Năm tháng trôi qua, có biết bao bài thơ về mái trường thân yêu, đạo nghĩa thầy trò, bè bạn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lời lẽ, hình ảnh không cần hoa mĩ, khoa trương, những vần thơ viết về thầy cô, đạo nghĩa thầy trò cứ thế đi vào lòng người bằng tình cảm chân thành, thân thương nhất.

1.

Dường như tất cả các nhà thơ lớn để lại tên tuổi trên thi đàn ít nhất trong đời thơ của mình cũng có một bài viết về đề tài thầy cô, bè bạn. Huy Cận với chùm thơ trong trẻo Tựu trường, Học sinh, Nguyễn Bính với Học trò trường huyện, Tế Hanh với Những ngày nghỉ học và Quyển vở nháp; Xuân Tâm với Nghỉ hè, Tố Hữu với Trường tôi… Có thể xã hội, thời thế khác nhau nhưng bao giờ cũng thế, nỗi niềm, tình yêu, vẻ đẹp tuổi học trò, nghĩa tình thầy cô, truyền thống tôn sư trọng đạo… vẫn  mãi chan chứa, đong đầy.

Xin được bắt đầu bằng những vần thơ có lối viết mộc mạc, mặn mà của tác giả Định Hải trong bài Trồng cây xanh – tác phẩm đạt giải trong cuộc thi viết về “thầy giáo và nhà trường” do Báo Người giáo viên nhân dân tổ chức năm 1961:

Những hàng cây xanh tôi trồng tôi tưới

Đang bắt rễ vào lòng đất phì nhiêu

Đang cuốn nhựa xanh bên cành lá mới

Những học trò tôi đó rất thân yêu.

Hình ảnh một cô giáo trẻ cõng chữ lên non cất tiếng giảng bài giữa đại ngàn núi rừng thật đẹp, tỏa sáng cả không gian. Lời thơ của Vân Hải vì thế mà có duyên biết mấy:

Rừng xanh từ hôm ấy

Vang vọng tiếng i tờ

Dân làng vui biết mấy

Gọi chim hót mừng cô

Đó là tình cảm nồng ấm, mộc mạc như cây gỗ rừng, trong như nước suối, thoang thoảng mùi thơm các loài hoa trên rừng của người dân rẻo cao đối với người gieo chữ nơi bản làng.

Nhà thơ Định Hải - tác giả bài thơ “Trồng cây xanh” (giải Nhì - không có giải Nhất - Báo Người giáo viên nhân dân 1960).
Nhà thơ Định Hải - tác giả bài thơ “Trồng cây xanh” (giải Nhì - không có giải Nhất - Báo Người giáo viên nhân dân 1960).

2.

Cảm động biết bao những câu chuyện kể về đạo nghĩa thầy trò giữa vùng kháng chiến. Trong bài thơ Về một ngôi trường ở Quảng Phước nhà giáo Nguyễn Đình Trọng (tức nhà thơ Đông Trình) cất lên những điệp khúc nghe da diết cõi lòng khi viết về thầy giáo Tư với đám học trò:

Tư, hãy nói về những đêm ở lại

Nằm giữa học trò trong căn phòng tối

Dưới tấm phản dày, bao cát xung quanh

Câu chuyện cổ tích xin thầy đưa lối

Cho các em quên tiếng súng nổ gần

Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, dưới bom đạn kẻ thù, trường học vẫn cất lên lời giảng bài của thầy quyện trong mùi khói súng. Những đôi môi xinh tròn của em thơ vẫn vang tiếng đọc bài như họa mi hót trong làn mưa bão táp. Thầy thương lũ học trò nghèo, lo cho các em chịu bao đau thương trong chiến tranh loạn lạc. Những vần thơ của Nguyễn Đình Trọng thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng mà cứa vào ruột gan người đọc. Trân quý biết mấy tấm lòng của thầy giữa bão đạn chiến tranh. Vì những đôi môi xinh, vì ánh mắt em thơ… thầy miệt mài “đưa lối”, mang ánh sáng tri thức xua tan bóng tối.

Suốt bao năm tháng miệt mài, thầy cô lặng lẽ như người lái đò tận tụy, đưa hết chuyến này đến chuyến khác, để một ngày nhìn lại ta bỗng nhận ra Viên phấn ngắn dần cho bài học dài thêm/ Cho tóc em xanh tóc thầy thêm bạc… Như suối nguồn trong trẻo, không lên gân, tô điểm, tự bản thân lời thơ viết về thầy cô và mái trường đã làm lòng người xúc động.

Cất giữ trong tim bóng hình thầy cô cũ, nhà thơ Vũ Quần Phương kể về cô giáo mầm non bằng những lời đằm thắm, ngọt ngào:

Cô lấy lòng yêu dạy các con

Chữ  C: Trăng khuyết, chữ O: Tròn.

Con ơi trăng khuyết, trăng tròn lại

Riêng tấm lòng cô vẫn sớm hôm.

3.

Cuộc sống thăng trầm, dâu bể, đạo nghĩa thầy trò vẫn không hề đổi thay. Bài thơ Tình nghĩa thầy trò của Huy Cận như một nốt nhạc lòng cất lên từ trong sâu thẳm của niềm nhớ thương, biết ơn của một cậu học trò đã một lần được thầy dạy bảo. Giản dị vô ngần, thế mà lạ thay, những vần thơ của Huy Cận lại dạt dào cảm xúc, sáng lên giữa dòng chảy bất tận của đạo lý muôn đời Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy:

Có người ở quê ra

Đưa tin thầy học mất

Thầy Thự, thầy đầu tiên

Dạy tôi  đọc, tôi viết.

Nghẹn ngào trong nỗi đau tê tái khi nghe tin thầy mất. Lòng nghẹn ngào, con tim òa khóc. “Năm lăm năm” rồi, vậy mà hình ảnh người thầy đầu tiên vẫn khắc sâu vào khối óc, hiện diện trong tâm trí của người học trò xưa cũ. Thầy đã ra đi, mái tóc người trò nhỏ của thầy giờ cũng đã hai màu. Nhưng tình cảm và lòng tôn kính, biết ơn dành cho thầy thì mãi xanh tươi cùng năm, cùng tháng. Ở khổ thơ đầu, giọng điệu còn chậm rãi như đang trải lòng mình thì đến những khổ tiếp theo, tiếng thơ vỡ òa, nức nở: Một cuộc đời vụt tắt/ Nghe lòng con xót xa…

Chung niềm xúc cảm với nhà thơ Huy Cận, nỗi lòng của nhà thơ - cậu học trò Thái Dương Liễu nghe da diết đến nghẹn ngào. Bài thơ Thầy ra đời trong nỗi đau khôn nguôi đó:

Bạn em mới ở quê ra

Bảo thầy vẫn khỏe. Thế mà… thầy ơi!

Hôm nay tin đến rụng rời

Gió rung chiếc lá vàng rơi xuống rồi

Sông đầy sao nước chẳng trôi

Đường về sao lại xa xôi gập ghềnh?

Một đời chẳng kể công lênh

Tấm lòng như biển mênh mông: Lòng thầy

Thủy chung bao chuyến đò đầy

Âm thầm gieo hạt trồng cây cho đời.

Câu thơ vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào, nức nở. Thầy không còn nữa, con nghe lòng xa xót. Một đời gắn liền phấn trắng, bảng đen, một đời sống giản dị nhưng lòng thầy thì mênh mông.

4.

Đến với các bài thơ viết về thầy cô, học trò, mái trường, bè bạn… bao giờ ta cũng bắt gặp một nỗi nhớ ngọt ngào, da diết khôn nguôi. Hình bóng thầy miệt mài bên trang giáo án, hình ảnh thầy cô âm vang tiếng giảng bài… luôn gọi về những kỉ niệm thân thương của một thuở hồn nhiên mơ mộng.

Nỗi nhớ cảnh sắc mái trường - nơi có không gian lớp học, nơi lưu giữ những kỉ niệm đong đầy về thầy cô, bè bạn cứ bồn chồn, nghẹn lòng khó tả. Bài thơ Trường huyện của Nguyễn Bính để lại những dư âm dư vang trong trái tim tuổi học trò:

Học trò trường huyện ngày năm ấy

Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ

Những buổi học về không có nón

Đội đầu chung một lá sen tơ…

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng nói rất hay, rất xúc động về tâm trạng đó qua bài Chiếc lá đầu tiên, trong đó có những câu thơ như gói trọn cả nỗi hoài niệm nao nao, xốn xang:

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Bài hát đầu xin hát về trường cũ

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm.

Những bài thơ về mái trường, thầy cô bao giờ cũng được nhiều bạn đọc quan tâm và yêu thích. Bởi lẽ, trong cuộc đời, hầu như ai cũng được một lần cắp sách đến trường, đến lớp. Đọc những bài thơ về đề tài này ta lại nhớ đến những kỉ niệm của thời mộng mơ hồn nhiên, vô tư thật tươi đẹp bên bạn bè và thầy cô. Những năm tháng thanh xuân một đi không còn trở lại nữa. Vì thế, những vần thơ ấy nói hộ lòng ta, cất giữ giúp ta cả khung trời  hoa mộng.

Ơi áo trắng đi về mưa nắng

Sân trường thấp thoáng bóng em qua

Hương bay như thể tà áo ấy

Đăm đắm bao người theo ngút xa

                            (Nguyễn Trọng Hoàn)

Không dùng biện pháp tu từ, không ước lệ, biểu tượng… những bài thơ viết về thầy cô, mái trường bao giờ cũng có lời lẽ giản dị, ý tứ chân thành, bởi nó được viết ra từ trái tim, từ tình yêu, từ lòng biết ơn và nỗi nhớ… nên có sức sống lâu bền theo thời gian và trong lòng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ