Thầy cô hạnh phúc từ niềm vui của học trò

GD&TĐ - Dốc lòng dốc sức với công việc, nhiều thầy cô giáo được bù lại bằng những niềm vui, hạnh phúc thật bình dị và đơn giản - niềm vui của trách nhiệm, của sự đồng cảm với học trò.

Cô giáo Ngô Thị Minh, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) bên các học trò
Cô giáo Ngô Thị Minh, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) bên các học trò

Thầy cô giáo trách nhiệm

Cô Đinh Thị Huyền, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) được nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò biết đến với tính cách chỉn chu, nhiệt thành, hết lòng trách nhiệm với công việc cũng như với mọi người.

Lặng lẽ tìm tòi học tập tự nâng cao nghiệp vụ, không ngừng trau dồi qua thực tiễn nhờ đồng nghiệp và trước học trò, cô Huyền dù là giáo viên luôn tiên phong trong việc xây dựng những bài dạy học chất lượng, tiếp cận những phương thức mới về dạy học online. Những video bài dạy môn Ngữ văn của cô Huyền được đưa lên sóng truyền hình tỉnh, làm học liệu cho không chỉ các trò trong trường mà còn nhiều nơi khác.

Với cô Huyền, niềm vui là được hết lòng hết sức cho công việc, toàn tâm toàn ý cho bài dạy, giúp học trò tiến bộ, trưởng thành. “Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi hiện nay, nhiều học sinh đã học lên THPT hoặc vào đại học vẫn không quên ghé thăm cô giáo cũ. Đáng nhớ nhất là những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá tính mạnh... Gương mặt rạng ngời, nụ cười tươi rói của các em khi về thăm thầy cô, trường cũ khiến tôi rưng rưng xúc động. Lúc ấy, lại thấy yêu nghề hơn bao giờ hết” - cô xúc động bày tỏ.

Cô giáo Nông Thị Thìn nhiều năm tận tụy với các em nhỏ ở điểm trường Đồng Tâm (Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên)
Cô giáo Nông Thị Thìn nhiều năm tận tụy với các em nhỏ ở điểm trường Đồng Tâm (Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên)

Trong khi đó, suốt gần 20 năm gắn bó và đồng hành với các em nhỏ HMông ở điểm trường Đồng Tâm (Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên), cô giáo Nông Thị Thìn đã dìu dắt, nâng bước để bao lớp trẻ ở đây được học hành và lớn lên.

Hình ảnh cô giáo hướng dẫn và các em nhỏ ngoan ngoãn làm theo khiến không khí ở điểm trường xa xôi ở đây thật bình yên, ấm áp. Đằng sau đó là biết bao gian khó, vất vả, mà phải là một cô giáo trách nhiệm và kiên trì lắm mới có thể bám lớp được như vậy. 

“Khó khăn nhất chính là những ngày các em bắt đầu vào lớp 1, bởi các em chưa hề biết nghe nói tiếng Việt. Tôi phải dùng vốn tiếng HMông tự học của mình để giao tiếp với các em, vừa làm cô giáo vừa làm phiên dịch luôn” - cô Nông Thị Thìn chia sẻ. Mục tiêu “thiết thực” nhất của cô Thìn là sau năm lớp 1, các em có thể nghe nói tương đối thành thạo tiếng Việt, từ đó năm lớp 2 sẽ bồi đắp kiến thức cần thiết để các em kịp chuẩn bị nền tảng, sẵn sàng cho việc học lên tiếp ở trường trung tâm xã.

Có trò chuyện cùng cô và tận mắt chứng kiến mới hiểu thêm phần nào những sự khó khăn, đồng thời cũng cảm nhận được rõ hơn niềm vui đáng quý của công việc dạy lớp ghép cắm bản. Vì điều kiện đặc thù, các em nhỏ ở đây còn rất yếu về tiếng Việt, cho nên việc tiếp cận, làm quen, giao tiếp, dạy bảo thực sự là một thử thách. Đã thế, phải dạy lớp ghép cho nên cô lại càng phải vất vả, đôn đáo để có thể tranh thủ kèm cặp được từng em.

Bám lớp suốt 18 năm trời từ 2002 đến nay, cô Thìn đã thực sự trở thành một thành viên của bản HMông, với tất cả sự yêu mến tin cậy của người dân. “Có khi mình còn biết rõ tính cách, tâm lí của mỗi đứa trẻ hơn cả bố mẹ chúng nữa đấy” - cô Thìn nói trong tiếng cười toát lên niềm hạnh phúc.

Khơi mở khả năng sáng tạo của học trò

Là giáo viên bộ môn Mỹ thuật của trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa, Thái Nguyên), thầy giáo Nguyễn Doãn Long không chỉ vẽ mà còn sáng tác thơ. Để khích lệ học trò khám phá sáng tạo, thầy Long giới thiệu tranh và các tác phẩm văn thơ trên báo chí cho các em dần dần tiếp cận. Em nào có năng khiếu, thầy chỉ bảo thêm và động viên các em mạnh dạn sáng tác.

Các em học sinh trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa, Thái Nguyên) được tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ, qua sự kết nối cảu thầy giáo Nguyễn Doãn Long
Các em học sinh trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa, Thái Nguyên) được tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ, qua sự kết nối cảu thầy giáo Nguyễn Doãn Long

Đã có hàng chục học sinh nhờ sự kết nối của thầy được tham gia các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, rồi có tác phẩm được đăng báo. Càng ngày, các em càng hào hứng hơn với môn học, thầy trò chia sẻ nhiều hơn về sáng tác, niềm vui nhờ đó như được nhân đôi.

“Tôi luôn mong muốn các em trong quá trình học tập được tìm hiểu tham gia những bộ môn nghệ thuật như hội họa, văn thơ, bởi đó sẽ là một con đường giúp các em tự tin, mạnh dạn, sáng tạo hơn, khám phá ra khả năng của bản thân” - thầy Long chia sẻ.

Với cô giáo Ngô Thị Minh, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên), điều mà cô dành nhiều tâm sức là tạo ra các sân chơi, diễn đàn cho học trò được thỏa sức khám phá, phát triển. Nhờ cách làm sáng tạo, cô Minh đã giúp những bài học tiếng Anh trở nên vui vẻ, sinh động, lôi cuốn, thay vì áp lực cho học sinh.

Chia sẻ và giúp đỡ các em học sinh khó khăn có điều kiện và môi trường tốt hơn để học tiếng Anh, cô Minh tình nguyện dạy các lớp hè miễn phí cho nhiều nhóm học sinh ở Thái Nguyên, Tuyên Quang… Cô Minh còn đóng vai trò chủ nhiệm dự án và cố vấn tổ chức hơn 10 dự án về tiếng Anh và kĩ năng, hướng tới phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những học sinh khó khăn.

“Trong các chương trình cộng đồng, tôi muốn lôi cuốn các em nhỏ vào các hoạt động để các em được chủ động tham gia, trải nghiệm, qua đó thúc đẩy các bạn phát huy bản thân mình tốt hơn. Tuy nhiên, điều này cần có quá trình. Các em cần được trân trọng ở tiềm năng trong mỗi người, chứ không phải nhìn vào thành tích đã đạt được” - cô Minh chia sẻ.

Vậy mới thấy, dù công việc dạy học còn nhiều vất vả khó khăn, nhưng nếu thực sự trách nhiệm, đồng cảm với học trò để khơi gợi sáng tạo, các thầy cô giáo sẽ nhận được những “phần thưởng” ý nghĩa - đó là hạnh phúc, là sự trưởng thành của học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.