Thương học sinh mùa đông rét lạnh
Từ trung tâm xã Phú Xuân phải vượt qua sông bằng đò, chúng tôi mới đến được điểm lẻ của Trường Mầm non Phú Xuân. Điểm lẻ nằm ở bản Phé với gần 60 học sinh từ 18 -24 tháng tuổi.
Cô giáo trang trí lớp học trước ngày tựu trường. |
Nhiều năm nay, học sinh ở điểm lẻ này phải học tạm bằng những căn nhà tranh tre nứa lá do bà con trong bản góp vật liệu để dựng lên.
Hai năm nay, điểm trường này đã được một tổ chức từ thiện xây dựng cho 2 phòng học kiên cố. Tuy nhiên, do chiếc cầu bắc qua sông bị lũ cuốn trôi nên học sinh ở ba bản Phé, Bá, Mí đều phải học ở điểm lẻ dẫn đến quá tải. Chính quyền đã huy động bà con nhân dân góp vật liệu và công sức để dựng thêm hai phòng học tranh tre để các con theo đuổi con chữ.
Những chiếc cửa được làm bằng tre. |
Bởi thế, năm nào cũng vậy cứ vào trước năm học mới, bà con cùng giáo viên cắm bản lại lên rừng chặt tre, nứa, lá cọ vận chuyển về trường để gia cố lại hai phòng học cho các con.
Chúng tôi có mặt tại bản Phé khi trời đã quá trưa thế nhưng bà con và giáo viên ở đây vẫn chưa nghỉ ngơi. Người căng lại bạt, người chống lại cột kèo để mùa mưa các con không bị dột; các cô giáo thì mang bàn ghế, bát đĩa ra rửa để chuẩn bị đón các con vào năm học.
Đang căng lại tấm bạt trên mái nhà, ông Hà Văn Thống (bản Phé) chia sẻ: “Năm nào nhà trường cũng tu sửa bàn, ghế và lợp lại mái tranh bằng tre. Gia đình mình không có tiền nên góp ngày công, vật liệu giúp nhà trường. Ở trường thiếu thốn nhiều thứ, phụ huynh chung tay để thêm tiếp thêm động lực cho các cô cắm bản”.
Dẫn chúng tôi vào phòng học có hàng chục chiếc ghế bị hư hỏng chất đống, cô Hà Thị Thuých cho biết, những chiếc ghế đã quá lâu rồi, mối mọt làm hư hỏng nhưng khó khăn nên vẫn phải cho các con dùng tạm.
Phụ huynh gia cố lại phòng học tranh tre chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới. |
“Mùa đông rất thương học sinh vì hai căn phòng lợp tranh này rất lạnh, mùa mưa cũng không chống lại được với sức gió, có đợt gió cuốn bay hết cả mái, bà con phải lợp lại”, cô Thuých bộc bạch.
Cô giáo Lương Thị Tâm cũng tâm sự: “Vào những ngày mưa to, phải dồn các con vào hai phòng học kiên cố hết vì ở phòng tranh tre này rất nguy hiểm. Đặc biệt, nếu nước sông to, đò không đi được thì 4 cô giáo bên kia sông cũng phải nghỉ dạy, 2 cô giáo là người bản địa ở đây sẽ phải trông hết tất cả các con.
Không những vậy, thức ăn không đưa bên kia sông sang được thì giáo viên lại phải góp tiền mua trứng và hái rau rừng nấu cho các con ăn”.
Vận động học sinh ra lớp
Vào trước ngày khai giảng không chỉ lo sửa chữa, gia cố trường lớp, các giáo viên ở đây sẽ phải cuốc bộ cả vài, 3 km đường rừng để vận động phụ huynh đưa con đi học đúng tuổi. Dù nắng, dù mưa, dù quãng đường xa, lầy lội, các cô vẫn không quản khó nhọc. Tình yêu với các học trò đã khiến cho cho đôi chân của những giáo viên cắm bản cũng quên đi những mỏi mệt.
Các cô dọn dẹp phòng học trước ngày tựu trường. |
Cô giáo Hà Thị Thuých tâm sự: “Ở đây, có bản Bá đường xa, không thể đi xe được, chỉ có thể đi bộ nên phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa trẻ ra lớp hoặc một số gia đình khó khăn vì thế trước ngày tựu trường khoảng nửa tháng là chúng tôi bắt đầu chia nhau đi đến từng gia đình có con nhỏ đến tuổi đi học để vận động. Để đi hết các gia đình cũng phải mất cả tuần.
Nếu gặp thời tiết trời mưa thì việc vận động kéo dài đến 2 tuần do đường vào các bản rất khó đi. Vất vả một chút, nhưng chỉ cần thấy các con đi học đông đủ là mọi mệt mỏi lại tan biến".
Cô giáo Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân cho biết, toàn trường cho 114 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trường chia có hai điểm, khu chính ở bản Pan và khu lẻ bên kia sông nằm ở bản Phé. Điểm chính cơ bản ổn định về cơ sở vật chất, tuy nhiên điểm lẻ thì còn khó khăn rất nhiều, mới có 2 phòng học của đoàn thiện nguyện họ đầu tư xây dựng, hiện vẫn đang thiếu 2 phòng học kiên cố, 1 nhà bếp.
Phòng học đã sẵn sàng đón học sinh. |
“Để đảm bảo cho học sinh có nơi học, các cô giáo và bà con đã làm lớp tranh tre để học tạm. Vào trước ngày khai giảng hàng năm sẽ huy động bà con nhân dân sửa chữa, gia cố, mua bạt để căng trên trần chống mối mọt rụng xuống và chống mưa dột.
Bà con nơi 3 bản Phé, Bá, Mí vẫn mong có một cây cầu để có thể đưa con ra điểm chính học tập được tốt hơn”, cô Dung chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 800 phòng học tạm bợ, 2.700 phòng học bán kiên cố xuống cấp, hơn 500 phòng học nhờ, mượn, chủ yếu thuộc các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân…