Nghị quyết 68-NQ/TW đang tháo gỡ khó khăn, mang đến cơ hội bứt phá cho lĩnh vực BĐS.
BĐS đóng vai trò dẫn dắt
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đưa ra nhận định: Doanh nghiệp BĐS đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân, có vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực từ đô thị hóa, hạ tầng, thương mại, công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Thống kê, năm 2023, doanh nghiệp BĐS tư nhân là nhóm nộp ngân sách lớn thứ hai cả nước với hơn 37.000 tỷ đồng. Trong tốp 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp thuế lớn nhất năm 2024, có đến 3 doanh nghiệp có lĩnh vực cốt lõi là BĐS.
Theo VARS, đây là ngành tạo ra hàng triệu việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Hoạt động của các doanh nghiệp BĐS tư nhân kéo theo sự phát triển của hơn 40 ngành, nghề như: Xây dựng, vật liệu, tài chính, lao động và tiêu dùng… “Vì vậy, phát triển thị trường BĐS chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, VARS nhấn mạnh.
Theo VARS cho biết, khảo sát thị trường BĐS trong thời gian vừa qua cho thấy hàng loạt dự án đình trệ vì vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính, chậm phê duyệt, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Những hạn chế như trên không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn làm suy giảm niềm tin của thị trường, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS và nền kinh tế. Theo VARS, với vai trò là một ngành kinh tế trọng trong khối kinh tế tư nhân, lĩnh vực BĐS sẽ được hưởng lợi đáng kể từ những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận và thiết kế chính sách.
Phát triển BĐS thông qua đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, doanh nghiệp BĐS góp phần phân bổ lại dân cư, lao động và nguồn lực phát triển. Tại chương trình “Cà phê Doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết: Cả nước hiện đang có 2.200 dự án ách tắc với tổng vốn 5,9 triệu tỷ đồng.
Theo TS Cấn Văn Lực, nếu tháo gỡ được, mức tăng trưởng GDP có thể tăng thêm 1 - 2%. Hiện Chính phủ đã hoàn tất cơ bản việc rà soát và sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội thông qua cơ chế nhằm xử lý các dự án bị đình trệ.

Đi thẳng vào “điểm nghẽn”
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân được quyền tiếp cận các dự án, chương trình lớn của quốc gia, tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, được đối xử bình đẳng...
Theo VARS, Nghị quyết 68-NQ/TW có thể tạo ra bước ngoặt khi đề ra loạt nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn. Nghị quyết 68-NQ/TW đặt trọng tâm vào việc khai thác hiệu quả quỹ đất bị bỏ hoang, đất công chưa sử dụng, trụ sở dư thừa hoặc đất đang vướng tranh chấp kéo dài...
“Những giải pháp này đã đi thẳng vào “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Nếu được triển khai đồng bộ cùng với chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy quản lý, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cơ chế giúp tăng tốc độ xử lý và phê duyệt dự án BĐS”, VARS nhận định.
Nghị quyết 68-NQ/TW nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp đối với thị trường BĐS như: Năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các hệ thống liên quan, thúc đẩy giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, minh bạch hóa thông tin, rút ngắn quy trình thuê đất, cấp sổ đỏ và giải phóng mặt bằng.
Toàn bộ thông tin quy hoạch, pháp lý, lịch sử giao dịch được công khai và kết nối, thị trường sẽ minh bạch hơn, tránh tình trạng đầu cơ, thao túng giá.
Những khó khăn vướng mắc được “cởi trói” đồng nghĩa với việc thị trường BĐS sẽ sôi động, niềm tin được khôi phục, dòng vốn đầu tư quay trở lại và BĐS trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo TS Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị quyết 68-NQ/TW vừa được ban hành là một bước đi mang tính đột phá với nhiều cơ chế hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Nghị quyết chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, trong đó có lĩnh vực BĐS. Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh..
Nghị quyết yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhìn nhận về Nghị quyết 68-NQ/TW, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi nội dung toàn diện mà còn bởi tầm vóc chiến lược trong việc định vị lại vai trò, vị thế và động lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 68-NQ/TW kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt đối với kinh tế tư nhân, tạo cơ hội bứt phá do doanh nghiệp và thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS khẳng định, những giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 68-NQ/TW đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường, tiếp thêm niềm tin và động lực để doanh nghiệp BĐS tư nhân phát triển, đồng thời được kỳ vọng sẽ trở thành yếu tố giúp khơi thông nguồn cung, hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.