Cuối tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tổng hợp các khó khăn, vướng mắc theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tháo gỡ...
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Những khó khăn, vướng mắc của các dự án được Bộ Tài chính phân loại thành 17 nhóm vấn đề là xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Bộ cũng phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương…
Thực tế, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc không chỉ với hơn 1.500 dự án này mà còn với các dự án khác là cần thiết, có ý nghĩa rất lớn nhằm tháo gỡ các ách tắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời giải tỏa các nguồn lực đầu tư, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần chống lãng phí.
Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề đầu tiên theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền. Phải xác định rõ rằng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ, thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh.
Trong quá trình giải quyết, trách nhiệm của cá nhân, tập thể được làm rõ tới đâu thì xử lý tới đó. Phải theo phương châm “đánh chuột nhưng không vỡ bình”, không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các dự án khó khăn, vướng mắc kéo dài để phân tích được nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp khả thi, hiệu quả. Phải cập nhật, chia sẻ thông tin cho các bộ, ngành Trung ương; phân công quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ. Tinh thần là phải ưu tiên tháo gỡ chứ không phải để đổ trách nhiệm.
Phải tập hợp, chỉ rõ các nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ để xử lý theo phạm vi chức năng, thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất phương hướng xử lý các giải pháp mà chưa có quy định của pháp luật, gửi cơ quan chức năng tổng hợp, báo cáo với mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực, khắc phục được hậu quả, đưa nguồn lực vào phục vụ phát triển.
Điều quan trọng nữa, như ý kiến của đại diện Bộ Tài chính là do chất lượng báo cáo của các cơ quan, đơn vị không đồng đều, chưa sát thực tế, chưa cung cấp đủ thông tin, số liệu các dự án; vẫn còn tình trạng sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc… nên cần tiếp tục đánh giá thêm và nỗ lực hơn trong xử lý.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng bởi đây chính là nguồn lực của tăng trưởng. Đồng thời là một trong những giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025.
Bởi vậy, như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải tập trung giải quyết dứt điểm 1.533 dự án đã có báo cáo trên tinh thần là rõ tới đâu làm tới đó. Làm tới đâu chắc tới đó, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội…