Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng Bộ luật Lao động

GD&TĐ - Bộ luật Lao động 2012 ra đời đã bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nền tảng có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng Bộ luật Lao động

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết.

Nhiều sai phạm

Thông tin kết quả thanh tra doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, ThS Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Năm 2015, cơ quan này đã thực hiện 152 cuộc thanh tra tại 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hiện 1.786 sai phạm tại các doanh nghiệp, bình quân 12 sai phạm/doanh nghiệp. Các sai phạm của doanh nghiệp tập trung vào vấn đề giao kết hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc và thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương; các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và một số nội dung về bảo hiểm.

Những sai phạm cụ thể, chi tiết trong lĩnh vực lao động là chưa ký hợp đồng đào tạo nghề khi cử người lao động đi học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; quy định về tiêu chuẩn không tuyển dụng lao động làm việc trong các trường hợp mắc các tệ nạn xã hội. Đối với tiền lương, chưa xây dựng hệ thống thang, bảng lương, trả lương cho người lao động không kịp thời; trả lương làm thêm giờ cho người lao động không đúng quy định...

Đề xuất về giải pháp thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật lao động, ông Tùng cho rằng, cần đổi mới phương thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về hợp đồng lao động cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân sự trong các doanh nghiệp và nhận thức người lao động. Song song đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp; phát triển và cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp luật lao động miễn phí cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại cơ quan, đơn vị sử dụng lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; có chính sách để người lao động mua cổ phần, góp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đề xuất sửa đổi theo hướng nâng cao chất lượng nguồn lực

Theo chuyên gia Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH, một số vấn đề đặt ra trong quá trình áp dụng pháp luật lao động trong bối cảnh hội nhập thương mại là chưa bao quát hết các quan hệ phát sinh từ thực tiễn. Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng một số quy định của Bộ luật Lao động còn có những quy định có tính chất chung, một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và văn bản hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Một số Luật mới ban hành gần đây cũng ảnh hưởng tới kết cấu và nội dung của Bộ luật Lao động như Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Tố tụng dân sự và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động như việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, an toàn - vệ sinh lao động.

Vì thế, hiện Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Nội dung sửa đổi gồm khắc phục những bất cập từ thực tiễn áp dụng, các vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật về hợp đồng lao động, tiền lương, xử lý kỷ luật lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi... Hướng đến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về lao động khi có các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động; tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội, bảo vệ và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Trong Hiệp định Việt Nam - EU, Hiệp định TTP, các vấn đề phi thương mại cũng được coi là nội dung của Hiệp định. Về lao động, nội dung của Hiệp định thường căn cứ vào các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. So sánh với các tiêu chuẩn ấy, Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết còn chưa hoàn toàn đáp ứng được một số yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ