Tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Chương trình mới ở ĐBSCL

GD&TĐ - Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức khảo sát triển khai Chương trình GDPT 2018.

Đoàn khảo sát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại Trường Tiểu học thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: CTV
Đoàn khảo sát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại Trường Tiểu học thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: CTV

Ghi nhận thực tế và lắng nghe ý kiến từ ngành Giáo dục địa phương, trường học… sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.

Khó cả nhân lực lẫn nguồn lực

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong việc triển khai, thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhiều quyết tâm, nỗ lực… Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại Cà Mau còn một số khó khăn.

Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu so với yêu cầu. Định mức kinh phí chi trả cho Hội đồng lựa chọn SGK chưa được hướng dẫn thống nhất. Sách giáo khoa môn Tiếng Anh nhiều (9 bộ/lớp), gây quá tải cho giáo viên trong việc đọc, nghiên cứu để lựa chọn.

Đội ngũ biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tại Cà Mau chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Các thành viên ban biên soạn, thẩm định là cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian. Việc thẩm định tài liệu còn nhiều bất cập, đặc biệt nguồn tư liệu chưa có sự đồng thuận cao; khâu in ấn, phát hành vướng mắc thủ tục…

Việc khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ dù được tỉnh Kiên Giang tập trung chỉ đạo nhưng tính đến năm học 2022 - 2023 còn thiếu 327 giáo viên tiểu học; 282 giáo viên THCS; 281 giáo viên THPT.

Qua khảo sát tình hình triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Kiên Giang, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả. Về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đã được các cấp, ngành tích cực chuẩn bị, thực hiện nghiêm túc, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành. Việc tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của lãnh đạo các cấp, ngành và sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo, phụ huynh, học sinh...

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ. Kiên Giang có 10.603 phòng học, trong đó 7.953 phòng kiên cố (tỷ lệ 75%), đáp ứng được 80,54%; phòng học bộ môn đáp ứng được 43,73%; phòng hỗ trợ học tập đáp ứng 66,11%; khu sân chơi, thể dục thể thao đáp ứng 65%. Thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục còn sử dụng được khoảng 35%, cần mua sắm bổ sung 65% theo danh mục thiết bị quy định. Để đáp ứng các yêu cầu về xây dựng trường chuẩn Kiên Giang cần đầu tư xây dựng thêm thư viện, phòng y tế, nhà vệ sinh…

Một điểm lẻ trường tiểu học tại huyện U Minh (Cà Mau). Ảnh: V. Hữu

Một điểm lẻ trường tiểu học tại huyện U Minh (Cà Mau). Ảnh: V. Hữu

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Qua khảo sát của HĐND tỉnh Kiên Giang, vấn đề tinh giản biên chế sự nghiệp giáo dục đã được kiến nghị, cần tính đến tỷ lệ khác nhau giữa các vùng, miền để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tình trạng thiếu biên chế theo định mức quy định, mua sắm thiết bị khó khăn ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai Chương trình, SGK GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh cũng được đề cập…

Ông Nguyễn Văn Mau, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang, cho rằng, tỉnh cần tiếp tục quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ; nghiên cứu chính sách hỗ trợ, bố trí nơi ở cho giáo viên khi thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu để giáo viên an tâm công tác; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý, giáo viên…

Để khắc phục vướng mắc và triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho rằng sẽ tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh và các ngành liên quan bổ sung kinh phí đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu; Tập trung rà soát thực hiện đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Đồng thời sẽ hoàn thành và trình phê duyệt đề án nâng cấp sửa chữa trường học năm học 2021 - 2025, kinh phí 2.321 tỷ đồng để thực hiện chương trình ở những năm tiếp theo về cơ sở vật chất; Tiếp tục triển khai đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí 1.167 tỷ đồng…

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, khẳng định, tuy còn khó khăn, song ngành Giáo dục sẽ cố gắng chủ động, linh hoạt khắc phục; tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh để cả xã hội chung tay triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Về giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, ông Trí cho biết: “Ngành Giáo dục Tiền Giang sẽ phối hợp với các trường đại học đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020 của Chính phủ, tổ chức thực hiện nâng chuẩn giáo viên. Tỉnh cũng bổ sung biên chế, sắp xếp lại đội ngũ phù hợp, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp…”.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 tại tỉnh khó nhất là thiếu giáo viên. Hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh thiếu 397 giáo viên phổ thông, chủ yếu ở bậc tiểu học và một số bộ môn bậc trung học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD, Công nghệ. Cơ sở vật chất, trường lớp còn hạn chế, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao, một số phòng học xuống cấp, trang thiết bị dạy học không đồng bộ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.