Tháo dỡ lều lán tự phát ở đèo Ô Quy Hồ: “Sống ảo” nhưng... chết thật!

GD&TĐ - Hàng loạt điểm dừng nghỉ tự phát, quán cà phê có tầm nhìn đẹp ở đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) vừa bị dỡ bỏ trong sự tiếc nuối của cộng đồng mạng, bởi nơi đây là điểm “sống ảo” nổi tiếng của giới trẻ khi đến Sa Pa (Lào Cai). Tuy nhiên, việc xóa sổ lều lán trái phép trên được cho là cần thiết.

Một góc cho giới trẻ “sống ảo” đã bị cưỡng chế. Ảnh: Thảo Trần
Một góc cho giới trẻ “sống ảo” đã bị cưỡng chế. Ảnh: Thảo Trần

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Anh Đỗ Tư Thành (37 tuổi), một người dân sống ở thị trấn Sa Pa, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch, đồng tình với chủ trương tháo dỡ và xóa bỏ lều lán tạm bợ trên đỉnh đèo này. “Nhiều bạn trẻ chưa có suy nghĩ chín chắn thì phản ứng dữ dội, thậm chí còn lên mạng xã hội “ném đá” với những lời lẽ không hay. Thế nhưng, có rất nhiều người đồng tình với chủ trương này. Tôi từng đưa khách lên đây nhiều nên tôi rất hiểu. Theo tôi, việc dỡ bỏ là cần thiết”, anh Đỗ Tư Thành nói.

“Ở đó có nhiều điểm check in, có những nhà người ta còn cắt cả phòng vệ mềm để làm lối đi vào lều lán, thì thử hỏi tính mạng liệu có an toàn không trong khi bên kia là vách núi cao dựng đứng? Lẽ ra chính quyền phải phát hiện sớm hơn, chứ không phải là để đến khi họ xây dựng ồ ạt như thế này rồi mới cưỡng chế”, anh Thành nói.

Theo anh Thành, lý do để dỡ bỏ lều lán tạm bợ xuất phát từ việc các lán tạm được dựng lên đều trái phép và không theo quy hoạch. “Nói về du lịch thì mất mỹ quan, trái pháp luật. Ở khía cạnh khác, rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn. Địa điểm đó ôm trọn 3 khúc cua nguy hiểm nhất, lại là đỉnh đèo, cực kỳ nguy hiểm”, anh Thành cho biết thêm.

Để minh chứng cho quan điểm trên, anh Thành cho biết, đa số các bạn trẻ lên đây đều chủ quan cho rằng, việc dừng đỗ xe ở đỉnh đèo là bình thường và vô hại. Tuy nhiên, mỗi dịp cuối tuần đều có vài chục người tập trung dừng đỗ phương tiện, trong khi đoạn đường này lại hẹp và có độ dốc lớn. Nếu xảy ra tai nạn giao thông thì đó sẽ là vụ tai nạn liên hoàn và không ai lường hết được hậu quả.

1 trong 3 khúc cua có độ dốc lớn đoạn Km89 Quốc lộ 4D. Ảnh: Thảo Trần
  • 1 trong 3 khúc cua có độ dốc lớn đoạn Km89 Quốc lộ 4D. Ảnh: Thảo Trần

Nhận rõ hành vi vi phạm

Chiều 1/8, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, từ năm 2017 chính quyền huyện đã phát hiện sự việc. Huyện Tam Đường và Sở GTVT tỉnh Lai Châu đã có ý kiến nhắc nhở. Tuy nhiên, 24 hộ dân hầu hết trú tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường đều cố ý xây dựng trái phép. “Các hộ này lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chiếm đất nông nghiệp. Bản thân họ đều nhận biết hành vi vi phạm”, ông Hà nói.

Ông Hà cho biết, điểm có nhiều lán tạm để du khách “check in” chính là đoạn đường có độ dốc cao, lượng xe tải trọng lớn qua lại liên tục nên nhiều thời điểm vị trí này từng xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. “Nếu xảy ra một vụ tai nạn thôi thì hết sức nguy hiểm bởi vài chục xe, vài chục người sẽ phải “gánh” chịu hậu quả nặng nề”, ông Hà nói.

Khi tồn tại, các lán đều được dựng trên nền đất “mượn”. Ảnh: Thảo Trần
Khi tồn tại, các lán đều được dựng trên nền đất “mượn”. Ảnh: Thảo Trần

Qua ghi nhận, tất cả các điểm “check in” đều đượng dựng tạm bợ phía bên taluy âm, bên dưới là vực sâu nên không bảo đảm an toàn. “Chỉ cần 5 đến 7 người đứng lên một cái khung sắt tạm bợ thôi, họ hoàn toàn có thể rơi xuống vực sâu hàng trăm mét. Lúc anh em đi kiểm tra và tháo dỡ, nhiều chỗ chỉ thấy cái cọc sắt chịu lực đặt trên nền đất, nhiều mối hàn chỉ cần chạm vào là rời ra ngay. Thử hỏi nếu đứng trên một cái giá đặt trên bờ vực cao, nguy hiểm như thế có phải là thách thức “tử thần” không?”, ông Hà nhấn mạnh thêm.

Theo ông Hà, từ tháng 5/2019, huyện Tam Đường đã phối hợp với Sở GTVT Lai Châu và các đơn vị có liên quan tiến hành tuyên truyền, vận động các hộ dân vi phạm tự giác tháo dỡ. Cơ quan chức năng tiến hành hỗ trợ nhân lực và phương tiện vận chuyển lều lán. Sau khi tuyên truyền và tổ chức đối thoại hôm 12/7, 19/24 hộ đã có mặt. Các hộ nhận thấy hành vi trái quy định của mình, song đều xin chủ trương cho gia hạn kinh doanh đến cuối năm 2019 sẽ tự giác tháo dỡ để trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, chính quyền huyện Tam Đường không nhất trí và kiên quyết phải xử lý dứt điểm “điểm đen” giao thông này.

Sau buổi đối thoại, đã có 6 cá nhân tự tháo dỡ. Hôm 31/7, chỉ còn 9/24 hộ chưa tháo dỡ buộc chính quyền phải tổ chức cưỡng chế trong “hòa bình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ