Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội khóa XV là cần thiết, cấp bách nhằm hoàn thiện, ổn định hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, việc xây dựng luật còn tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo sửa đổi, bổ sung các quy định về đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh vừa đảm bảo sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, hoàn thành đúng thời hạn 2 năm theo chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Quốc hội cho phép Chính phủ được ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, từ tháng 12/2024 - 7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2025/NĐ-CP; Nghị định số 136/2025/NĐ-CP, Nghị định số 151/2025/NĐ-CP. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành 18 thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung này.
Tuy nhiên, việc cho phép áp dụng quy định tạm thời chỉ được thực hiện trong khoảng 2 năm, trong khi với số lượng văn bản cần phải ban hành đúng thẩm quyền để xử lý các vấn đề tạm thời khi thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy là rất lớn. Chỉ riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, hiện có tới 17 luật cần điều chỉnh.
Nhưng theo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thì sửa luật mà không rõ nguyên nhân vướng mắc là phổ biến hay cá biệt sẽ dẫn đến hệ quả “từ cái sai này dẫn đến cái sai khác”, gây nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị giới hạn phạm vi sửa đổi, bổ sung, ưu tiên các “điểm nghẽn” là những chính sách không phù hợp, chưa sát với thực tế.
Các nội dung đưa vào dự án luật phải dựa trên các cơ sở như vướng mắc có tính hệ thống, có ở 34 tỉnh, thành phố. Các điểm nghẽn đã được xác định, nêu nhiều lần và có chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; các chính sách đã được thí điểm, thực tế chứng minh là đúng, hiệu quả, tích cực…
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định cải cách thể chế là khâu đột phá, là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Do đó, yêu cầu các cấp, các ngành chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn.
Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước, chuyển đổi từ mô hình hành chính quản lý sang hành chính phục vụ. Nghiên cứu xây dựng luật theo định hướng các quy định của luật pháp phải cơ bản mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.
Những luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cấu trúc hệ thống pháp luật quốc gia theo mô hình phát triển mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, việc sửa đổi các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung vào những điểm nghẽn, vướng mắc nhất, tránh luật hóa những gì chưa chín muồi.
Ngoài ra, cần tham vấn ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động kỹ lưỡng; không nên dàn trải, nóng vội hay mang tính hình thức, nhất là khi hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào vận hành và còn nhiều vấn đề phát sinh chưa được tổng kết đầy đủ.