134 đoàn thanh tra đột xuất điểm thi
Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 14 đoàn thanh tra trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Bên cạnh đó còn có 120 đoàn thanh tra của các hội đồng thi, các địa phương, bộ, ngành khác.
Các đoàn thanh tra đã hoạt động từ ngày 29/6. Qua kiểm tra của Bộ GD&ĐT, tất cả các Hội đồng thi trong cả nước đã hoạt động tốt, nhận được sự chỉ đạo và phối hợp rất chặt chẽ của các địa phương, các lực lượng xã hội.
14 đoàn sẽ thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Cụ thể, đoàn thanh tra đột xuất là đoàn thanh tra dự bị có mặt tại trụ sở của Bộ GD&ĐT, khi cần thiết sẽ đi đến các điểm thi.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, cứ 7 phòng thi sẽ có một cán bộ giám sát. Cán bộ giám sát sẽ thực hiện giám sát chức trách, nhiệm vụ của cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi.
Đồng thời, kịp thời nhắc nhở cán bộ coi thi, trật tự viên, công an, nhân viên y tế và lập biên bản nếu các đối tượng trên vi phạm quy chế. Cán bộ giám sát này có thể yêu cầu cán bộ coi thi lập biên bản thí sinh vi phạm quy chế (nếu có).
Với những đoàn thanh tra theo kế hoạch, được phân theo vùng thì các địa phương đều biết có đoàn thanh tra ở đó nhưng không biết trước thanh ra sẽ đến điểm thi nào.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với lực lượng công an PA83 để phòng tránh tình trạng gian lận công nghệ cao. Theo đó, lực lượng PA83 của các địa phương cũng được kết nối để hỗ trợ trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý các gian lận thi cử.
Cùng với 14 đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, 120 cụm thi do các trường đại học, các Sở GD&ĐT và Cục nhà trường Bộ Quốc phòng chủ trì cụm thi đều đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ. 120 đoàn thanh tra này đều có kết nối với thanh tra Bộ.
Thanh tra thi chỉ là công tác bên ngoài
Mục đích của các đoàn thanh tra là tạo ra môi trường nghiêm túc, không căng thẳng để giúp cho Hội đồng thi, những người làm thi làm đúng quy chế. Thanh tra, kiểm tra tạo môi trường nghiêm túc, hướng đến việc giúp các hội đồng và những người tham gia thi là hết trách nhiệm, thí sinh tự giác thực hiện quy chế, tạo môi trường nghiêm túc nhưng không căng thẳng.
Thanh tra thi chỉ là công tác bên ngoài, còn cần sự nghiêm túc của các cán bộ làm công tác tổ chức và coi thi. Các cụm thi phải tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi, kiểm tra giám sát chặt chẽ thí sinh ngay từ khâu gọi thí sinh vào phòng thi để đảm bảo không xảy ra gian lận.
Hội đồng thi phải đảm bảo giám thị làm đúng trách nhiệm của mình. Cán bộ giám sát cũng có quyền kiến nghị, điểm trưởng thay đổi giám thị nếu thấy giám thị làm không đúng quy chế.
Bộ GD&ĐT tin ở các giám thị
Trước những băn khoăn về việc giám thị từ nơi khác về có thể vị nể địa phương, không làm hết trách nhiệm, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Bộ tin ở các giáo viên, giảng viên. Các đợt kiểm tra công tác chuẩn bị thi cũng cho thấy, không có lãnh đạo trường đại học nào phàn nàn, lo lắng, sợ giám thị bị gây khó. Các địa phương cũng phối hợp tốt và nghiêm túc trong công tác tổ chức thi.
Sẽ không có sự khác biệt nào giữa hai loại hình cụm thi: Cụm do trường đại học chủ trì và cụm do Sở GD&ĐT chủ trì. Cả hai cụm thi đều áp dụng chung một quy chế thi và đều được thanh tra, kiểm tra như nhau.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để trao đổi nhắc nhở quán triệt tinh thần làm nghiêm túc.
Quan điểm thanh tra của Bộ GD&ĐT là làm nghiêm nhưng mềm mỏng để tránh những áp lực không cần thiết. Các đoàn thanh tra phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo, trung ương và địa phương với tinh thần phòng ngừa là chính, không tạo không khí căng thẳng, không phải xử lý nhiều thí sinh mới là nghiêm.
Việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra với mục đích tác động vào quản lý chứ không tác động vào chuyên môn. Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ đến những điểm thi trong trường hợp cần thiết mặc dù mỗi cụm thi đều có đoàn thanh tra của Sở GD&ĐT cắm chốt.