Triệt để nhưng không chồng chéo
- Ba lực lượng cùng tham gia đoàn thanh tra ở các khâu của kỳ thi, vậy việc phân cấp nhiệm vụ ra sao để thanh, kiểm tra triệt để toàn diện nhưng không chồng chéo, thưa ông?
- Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch thanh, kiểm tra trong các khâu của kỳ thi và điểm thi. Thanh tra Bộ GD&ĐT tổ chức 10 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn 3 người, kiểm tra 2 cơ sở GD&ĐT địa phương trong công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Chỉ đạo của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GD&ĐT; Việc phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương; Ban hành các văn bản tổ chức kỳ thi; Chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho kỳ thi; Phương án bảo đảm an toàn tại các điểm thi…
Ngoài ra còn có đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo cấp quốc gia, cuộc làm việc của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT với Ban Chỉ đạo thi các tỉnh.
Trong công tác coi thi, việc thanh tra được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm không có sự chống chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng.
Như vậy, sở GD&ĐT sẽ tổ chức công tác thanh tra, chủ động huy động lực lượng của tỉnh để tổ chức các đoàn thanh tra công tác coi thi ở địa phương. Phía Bộ GD&ĐT huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên đại học làm công tác kiểm tra. Phương án đưa ra là với điểm thi dưới 15 phòng thi tối thiểu có 2 cán bộ giảng viên; từ 15 - 30 phòng thi có 3 giảng viên; 30 - 45 phòng thi là 5 giảng viên…
Thủ tướng đã có Chỉ thị chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Các tỉnh chúng tôi kiểm tra thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ: Thanh tra tỉnh cử Phó Chánh Thanh tra tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; Phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra kỳ thi và cử các cán bộ có chuyên môn phù hợp tham gia đoàn thanh, kiểm tra của địa phương.
- Các khâu nào cần chú trọng trong thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi cũng như không để sót khoảng trống, điểm mờ trong mọi công tác thi?
- Chưa năm nào Bộ GD&ĐT huy động lực lượng lớn cán bộ như vậy. Mặc dù sau thời gian giãn cách dịch Covid-19, nhiều công việc cần gấp rút thực hiện nhưng các đơn vị của Bộ vẫn ưu tiên bố trí cán bộ tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra thi.
Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện ở các khâu của kỳ thi, chú trọng vào tất cả Hội đồng thi, Điểm thi. Với một số nơi như vùng sâu vùng xa, khó khăn cũng sẽ có sự lưu ý, quan tâm hơn. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa có sự phân biệt bởi khi đã xảy ra vấn đề thì chỗ nào cũng là vi phạm.
Công tác thanh tra, kiểm tra thi sẽ được tiến hành hết trách nhiệm, thực thi theo đúng pháp luật trên thực tế và phủ kín mọi nơi.
Đẩy mạnh thanh tra khâu chấm thi
- Qua các kỳ thi trước đây cho thấy, sai phạm, tiêu cực xảy ra chủ yếu ở khâu chấm thi. Vậy năm nay kế hoạch thanh tra chấm thi tại các địa phương có gì khác, thưa ông?
- Đối với công tác chấm thi, nếu như tại kỳ thi năm ngoái, cùng với lực lượng thanh tra của Bộ, chúng tôi huy động thêm một số cán bộ, công chức Vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ, thì năm nay, Lãnh đạo Bộ yêu cầu số lượng lớn cán bộ cấp Vụ, Trưởng phòng làm Trưởng đoàn thanh tra theo quy định về tổ chức đoàn thành tra cấp Bộ và chuyên viên, cán bộ, giảng viên đại học tham gia thanh tra công tác chấm thi. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quán triệt đây là nhiệm vụ chính trị của ngành.
Với khâu chấm thi, nếu như năm trước do các trường đại học phụ trách, năm nay được giao cho địa phương. Địa phương sẽ có đoàn thanh tra, và Bộ GD&ĐT cũng tổ chức đoàn thanh tra. Như vậy, thanh tra của Bộ thực hiện thanh tra tại 63 tỉnh, thành trong suốt thời gian chấm thi. Đoàn thanh tra do lãnh đạo các Vụ, Cục làm trưởng đoàn, có sự tham gia của các bộ, chuyên viên cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, giảng viên đại học.
Khi chấm phúc khảo, các Sở GD&ĐT cũng thành lập Đoàn thanh tra công tác này, có ít nhất là 3 người. Những người đã tham gia Đoàn thanh tra chấm thi không được tham gia Đoàn thanh tra phúc khảo bài thi.
Bộ GD&ĐT thành lập các Đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT trong thời gian 6 ngày (10 – 20/9), theo kế hoạch phúc khảo bài thi của địa phương.
- Ông có lưu ý gì trong việc chuẩn bị và tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra với địa phương?
- Với ngành Giáo dục, cần quán triệt việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, tránh tiêu cực từ khi chuẩn bị đến coi thi, chấm thi, phải xác định khâu nào cũng phải thực hiện nghiêm túc, an toàn, rõ trách nhiệm.
Sai phạm sẽ phải xử lý, không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong kiểm tra, thanh tra thi. Tất cả hội đồng thi tại địa phương cần được quán triệt đầy đủ điều này và phân công làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, cùng sự phối hợp tích cực hiệu quả của các lực lượng, chúng ta sẽ có Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nghiêm túc, an toàn.
- Xin cảm ơn ông!
Công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thực hiện chặt chẽ để phát hiện và loại bỏ sai phạm mà những năm trước đã xảy ra ở khâu chấm thi.