Thanh tra dự án “đất vàng“: Nhắm đến đâu?

GD&TĐ - “Cái gì liên quan tới dự án, đến lỗi của dự án thì mới được dừng dự án. Còn ở chỗ khác do cấp đất, thành lập doanh nghiệp, do sai phạm người thực hiện cổ phần hoá hay cơ quan Nhà nước cấp phép thì là lỗi của tổ chức, cá nhân liên quan tới khâu đó và cần phải thanh tra chỗ đó”, LS Trương Thanh Đức nói về kiến nghị thanh tra hàng loạt dự án đất vàng của Bộ Tài chính.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
Khách hàng đòi rút tiền, huỷ hợp đồng

Như Dân trí đưa tin, Bộ Tài chính mới đây cũng kiến nghị thanh tra một số dự án có dấu hiệu vi phạm và đề xuất tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá.

Bất ngờ có tên trong bản danh sách 60 dự án mà Bộ Tài chính gửi Thanh tra Chính phủ tham khảo khiến nhiều dự án dù đang có tiến độ bán hàng khá tốt nhưng đột nhiên chững lại, nhiều khách hàng đến xin rút lại tiền cọc, hủy hợp đồng… khiến doanh nghiệp lao đao.

Phản ánh với báo chí, chủ đầu tư một dự án tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, do lo ngại doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, trong những ngày gần đây, khách hàng mua nhà liên tục gọi điện tới công ty đòi tiền. Trong khi đó, đối với khách hàng đang cân nhắc mua nhưng nghe tên dự án bị thanh tra thì chùn bước.

Chủ đầu tư một dự án đang chuẩn bị cất nóc tại TPHCM cũng khẳng định, bản thân doanh nghiệp đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính, thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai đầu tư dự án, trong quá trình xây dựng cũng không để xảy ra sai phạm nào.

Trong tình cảnh tương tự, nhiều chủ đầu tư cũng chia sẻ, mấy ngày gần đây, liên tiếp phải đón tiếp nhiều khách hàng đến tận trụ sở hoặc gọi điện để đặt câu hỏi về pháp lý, các nghĩa vụ tài chính của dự án cũng như uy tín của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh các kế hoạch tiếp thị, bán hàng cũng như xây dựng bộ hồ sơ đầy đủ thủ tục pháp lý dự án để khách hàng có thể tham khảo và yên tâm mua hàng.

“Ai sai tới đâu xử lý tới đó”

Trước lo ngại dự án sẽ bị đình chỉ để cơ quan quản lý tiến hành thanh kiểm tra như đề xuất của Bộ Tài chính, LS Trương Thanh Đức cho rằng: “Ở đây dự án khi đã được cấp đất xây dựng, được cấp phép rồi và khi đủ điều kiện triển khai thì không có lý do gì dừng dự án cả vì nó phải theo Luật Đầu tư, Đấu thầu, các quy định về xây dựng… Nếu dự án vi phạm những luật đấy mới có chuyện rút giấy phép, thu hồi, dừng hay đình chỉ gì đấy”.

“Chẳng hạn dự án thi công khi chưa được cấp phép, thi công mất an toàn, gây ô nhiễm thì mới có đoạn xử lý dự án. Hoặc nếu pháp nhân đó chưa nộp tiền thì không được xây dựng. Còn ở đây nếu nộp tiền, thậm chí chuyển nhượng rồi thì lại khác, việc anh nộp thiếu hay thừa là do nhà nước”, ông Đức nói.

Đặc biệt nhấn mạnh việc xác định đúng đối tượng cần thanh tra ở các dự án này là rất quan trọng, LS Đức cho rằng, nếu Bộ Tài chính nghi ngờ Nhà nước đã bị thất thoát tài sản từ vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất các dự án thì phải chỉ rõ các công ty đã được giao đất trước đó là ai? Nếu có thì phải thanh tra quy trình chuyển đổi có đúng quy định hay chưa? Hoặc khi thực hiện cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp có bỏ sót, có định giá thấp để tài sản bị thất thoát thì người ký phê duyệt thẩm định giá sẽ phải chịu trách nhiệm…

Vị luật sư phân tích thêm: “Dự án trên cơ sở hợp pháp rồi từ môi trường, đất đai, thuế má cho tới cấp phép xây dựng, triển khai dự án thì không thể dừng được. Cái gì liên quan tới dự án, đến lỗi của dự án thì dừng dự án. Giả sử cổ phần hoá định giá không đúng, đấu giá không đúng dẫn đến giá thấp gây thiệt hại cho Nhà nước thì thanh tra phải vào cuộc thanh tra các giao dịch đấy, quan hệ, thủ tục đấy. Còn ở chỗ khác do cấp đất, thành lập doanh nghiệp, do sai phạm người thực hiện cổ phần hoá hay cơ quan Nhà nước cấp phép thì là lỗi của tổ chức, cá nhân liên quan tới khâu đó và cần phải thanh tra chỗ đó”.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định, cần phải xem xét thanh tra đối với cả các cơ quan quản lý, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá và cụ thể là những người cấp phép cho việc chuyển đổi dự án, cấp phép thi công.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có quyền đình chỉ một dự án xây dựng khi có sai phạm liên quan trong vấn đề xây dựng. Bởi đất đã được cấp sổ đỏ là được công nhận trước pháp luật. Người dân mua nhà đã hoàn tất các thủ tục như về thuế đều cần được bảo vệ. Ai sai tới đâu xử lý tới đó, không để liên lụy đến người dân và cả doanh nghiệp.

Một chuyên gia bất động sản cũng đặt câu hỏi: “Bộ Tài chính ra văn bản kiến nghị dừng dự án có dựa trên cơ sở pháp lý nào và đã tính tới ảnh hưởng tới thị trường hay chưa? Hơn nữa, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc này là gì? Nhà nước phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình khi cấp phép đầu tư, doanh nghiệp mà cụ thể là chủ đầu tư các dự án không có lỗi gì và cũng không có quyền quyết định có cấp phép đầu tư hay không.

“Trong mọi trường hợp không thế đổ việc cấp phép sai (nếu có) lên doanh nghiệp được. Cùng với đó, hiện Đảng và Nhà nước đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân nhưng điều này liệu có tạo ra những tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường, khiến doanh nghiệp không còn yên tâm phát triển kinh tế tư nhân nữa không?”, ông nói thêm.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.