Thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế: Mũi tên trúng nhiều đích

GD&TĐ - Ngày càng có nhiều lĩnh vực mà người dân có thể sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bệnh nhân thanh toán qua hình thức quét mã QR tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Bệnh nhân thanh toán qua hình thức quét mã QR tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Ngày càng có nhiều lĩnh vực mà người dân có thể sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong lĩnh vực y tế, thanh toán số đang tạo thuận tiện cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân, giảm thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cũng là mục tiêu của cả ngành y tế và ngành ngân hàng hiện nay. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện đã có gần 88% các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học y, dược... triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Còn ở các cơ sở khám chữa bệnh thuộc sở y tế các địa phương, tỉ lệ này là hơn 60%.

Các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt hiện rất đa dạng: Thẻ y tế thông minh, thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng, qua quét mã QR hay các máy thanh toán tự động được trang bị tại các bệnh viện...

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần giảm tình trạng quá tải cục bộ tại bệnh viện, giảm áp lực căng thẳng cho nhân viên y tế trong quá trình tiếp đón bệnh nhân đến khám. Qua đó, giúp bệnh viện có thể phục vụ người bệnh được chu đáo hơn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, kể từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người bệnh đã có thể thanh toán không tiền mặt bằng hình thức đơn giản như chuyển khoản, quét QR tĩnh. Bệnh viện này chính thức ban hành quy trình thanh toán online từ tháng 8/2023.

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhiều cơ sở y tế khác tại Hà Nội cũng áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2013, Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc đã áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được thực hiện từ tháng 9/2018 với hình thức thí điểm bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến bằng thẻ khám bệnh và trở thành bệnh viện công lập đầu tiên của ngành y tế Hà Nội áp dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều người bệnh đã bày tỏ sự hài lòng mà những tiện ích này mang lại. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, anh Nguyễn Trung Kiên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá: “Trước đây, khi đến khám bệnh, tôi phải ra quầy xếp hàng rất lâu, phải chờ đợi đến lượt thanh toán. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian”.

Trong khi đó, chị Bùi Thanh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, người trẻ thường ngại phải cầm tiền mặt đi khám bệnh. Giờ đây, khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chị Hương cảm thấy vô cùng thuận tiện vì không phải sử dụng tiền mặt, mà chỉ cần dùng điện thoại để quét mã QR thanh toán.

Giảm quy trình không cần thiết

Theo TS.BS Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trước khi thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, quy trình thanh toán của bệnh viện gồm 24 bước. Song, với hình thức mới, quy trình hiện chỉ còn 11 bước.

“Cụ thể, trước kia, điều dưỡng hành chính phải mang hồ sơ xuống, bàn giao cho nhân viên tài chính. Sau đó, nhân viên kiểm tra biểu mẫu thanh toán xem khớp không. Người bệnh cũng phải xem thông tin này đúng chưa... Điều đó mất rất nhiều thời gian, gây ùn tắc. Thậm chí, có những hôm dù đã 17 giờ, nhưng cục bộ vẫn bị ùn ứ”, TS.BS Trần Thị Oanh chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khi triển khai thanh toán online, quy trình được thay đổi. Sau khi làm thủ tục hành chính, bệnh nhân được xem phiếu, nếu còn khúc mắc thì sẽ được giải thích ngay.

Sau đó, nhân viên hành chính in phiếu, để bệnh nhân tự thanh toán hoặc chuyển phiếu cho người nhà thanh toán từ xa. Nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi không thao tác được khi thanh toán online. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân hoàn toàn có thể thanh toán từ xa.

TS Oanh cho biết, ngày 4/6, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở bệnh nhân nội trú là 96,6%. Sắp tới, bệnh viện sẽ triển khai đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt đối với ngoại trú.

“Hiện nay, nhân viên y tế và bệnh nhân đều quen với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phương thức thanh toán không tiền mặt rất văn minh. Trước kia, nhiều trường hợp bệnh nhân được ra viện trong ngày, nhưng ùn tắc tại cửa thanh toán do quy trình cũ, nên mất nhiều thời gian. Với hình thức hiện nay, bệnh nhân được thanh toán tại các khoa, phòng. Do đó, người bệnh được xem tường minh về các chi phí phát sinh thêm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, thời gian đầu thực hiện, không chỉ bệnh nhân mà nhân viên y tế cũng chưa quen với sự thay đổi. Nhiều bệnh nhân cao tuổi, dù được nhân viên hướng dẫn nhưng cũng không thao tác được để thanh toán online. Những trường hợp này cần có sự hỗ trợ của người nhà.

Không chỉ ứng dụng thanh toán không tiền mặt, bệnh viện cũng có giải pháp về công nghệ để rút gọn quy trình hành chính, sắp xếp khoa học, thuận lợi cho nhân viên y tế và bệnh nhân.

Nhấn mạnh việc lấy bệnh nhân làm trung tâm, TS Oanh chia sẻ, bệnh viện đã quan tâm rất sớm tới chuyển đổi số. Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh trong thời điểm chưa chuyển đổi số từng phải xếp sổ y bạ chờ. Thậm chí, nhiều bệnh nhân phải chờ từ 4 giờ sáng.

Tuy nhiên, hiện nay, bệnh viện đã rút gọn quy trình khám chữa bệnh. Trước kia, để chờ lấy thuốc, người bệnh phải cầm đơn tới quầy. Khi có nhiều bệnh nhân, quầy thuốc cũng sẽ ùn tắc. Song, hiện nay, phần mềm giúp nhân viên y tế có sẵn đơn thuốc của người bệnh. Do đó, quy trình lấy thuốc cũng trở nên đơn giản và tiết kiệm nhiều thời gian.

“Hiện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có tỷ lệ thanh toán ngoại trú bằng hình thức không tiền mặt chưa cao. Một số bệnh nhân bỏ thanh toán do biết là không có phí phát sinh, tồn đọng. Do đó, dù hồ sơ kết thúc, nhưng do không có xác nhận của bệnh nhân nên vẫn còn treo trên phần mềm. Bệnh viện đang phối hợp tiến tới triển khai biện pháp để thuận tiện hơn cho người bệnh. Đồng thời, triển khai thêm ứng dụng để bệnh nhân có thể đăng ký khám chữa online”, TS.BS Trần Thị Oanh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ